Phim Mỹ “hô biến” Hội An thành 1 quận của Trung Quốc
Giả là giả. Nhưng giả, nếu không bị bóc trần, sẽ có nguy cơ được công nhận. Đến khi đó, mọi sự e là đã muộn.
Sau “Nhã nhạc cung đình Huế” bị phim Trung Quốc “mượn” thì mới đây trong một cảnh quay của series “Madam Secretary” do đài CSB (Mỹ) sản xuất, phố cổ Hội An với con sông Hoài và những ngôi nhà cổ của Việt Nam lại bị chú thích thành “Fuling, China” (Phù Lăng, Trung Quốc).
Trong Phim, Phù Lăng được nhắc đến như là quê nhà của cô gái Trung Quốc đang ở Mỹ. Hình ảnh phố cổ Hội An xuất hiện ở phút 11:04, tập 4, mùa 1 phim “Madam Secretary” chiếu trên nền tảng Netflix. Không rõ đoạn chú thích đó là do Netflix chú thích “nhầm” hay đã có sẵn từ phim gốc của CBS, dù thế nào thì việc hô biến một đơn vị hành chính của Việt Nam thành một đơn vị hành chính của Trung Quốc là điều không thể chấp nhận được.
Trong sự “nhầm lẫn” này, lỗi lớn nhất thuộc về nhà sản xuất bộ phim Madam Secretary. Tuy nhiên, Netflix – đơn vị mua bản quyền phát sóng đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm về sai sót trong bộ phim, chứ không thể đổ hết cho nhà sản xuất, rằng “đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu”. Ở một góc độ nào đó, dù sai phạm trên có thể chưa cấu thành hành vi cố ý đưa thông tin, hình ảnh sai nhằm xuyên tạc chủ quyền Việt Nam nhưng nó cũng không thể chấp nhận được. “Sai sót” địa danh nổi tiếng của Việt Nam thành vùng đất Trung Quốc dễ gây nhầm lẫn cho du khách muốn đến nơi đẹp như trong phim thay vì đi Hội An sẽ đến Phù Lăng.
Một lần nữa, vấn đề Việt Nam “vô nhân dạng” trong mắt giới làm phim Hollywood phải được nêu ra. Khi làm phim có yếu tố Việt Nam như Da 5 Bloods, họ “lơ” chúng ta và trình ra một bức chân dung đất nước, con người Việt Nam xa lạ đến buồn cười. Và rồi ở một bộ phim không liên quan Việt Nam như Madam Secretary, họ vẫn sử dụng bối cảnh Việt Nam nhưng gán cho Trung Quốc.
Câu chuyện mượn bối cảnh hay dùng bối cảnh giả cho phim ảnh là rất phổ biến. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải là Hội An – thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, với hình ảnh phố cổ về đêm đặc trưng? Tại sao họ không sử dụng chính hình ảnh quận Phù Lăng của thành phố Trùng Khánh hoặc bất cứ nơi nào thuộc Trung Quốc? Đây có phải là sự vô ý của nhà làm phim không, hay là sự chủ đích nào đó? Hội An quá nổi tiếng, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới từ năm 1999.… lấy cảnh thật nhiều người biết để đưa vào một bộ phim “hư cấu” là không thể chấp nhận.
Lâu nay giới làm phim Mỹ vẫn nhìn các quốc gia châu Á như những xứ sở ngoại lai, dễ đánh đồng với nhau. Việc này buộc phải thay đổi. Họ không thể cứ mượn bối cảnh hoặc làm phim có yếu tố Việt Nam nhưng không quan tâm gì đến văn hóa, chính trị Việt Nam. Phía Sở Thông tin – truyền thông tỉnh Quảng Nam trước mắt đã có văn bản kiến nghị yêu cầu đơn vị sản xuất phim truyền hình Madame Secretary cắt bỏ ngay những thông tin, hình ảnh sai lệch về chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, khi Đài CBS, Netflix và nhà làm phim Mỹ không để tâm đến mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, khán giả Việt cũng đã đến lúc phải lên tiếng mạnh mẽ để họ biết chúng ta không chấp nhận địa danh biểu tượng của nước mình bị gán cho Trung Quốc. Đây không phải là chuyện phim ảnh đơn thuần nữa mà là sự xúc phạm, hành vi xâm phạm, làm tổn thương trực tiếp đến chủ quyền của đất nước con người Việt Nam.
Chúng ta đừng im lặng nữa. Ngàn năm âm mưu thôn tính của chúng vẫn chưa dừng lại đâu. Việc này có liên quan đến chủ quyền và đã là chủ quyền quốc gia thì không thể du di được. Cần phải như ĐB Lê Như Tiến bức xúc chia sẻ: “Đối với hành động xâm phạm chủ quyền như vậy, cấm chiếu ở Việt Nam là chưa đủ. Cơ quan ngoại giao của Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan đến phim ảnh, như Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh cần phải có tiếng nói chính thức trước những thông tin sai sự thật như vậy, thậm chí có thể kiện nhà sản xuất bộ phim này ra trọng tài quốc tế”.
Thông tin về bộ phim Madam Secretary:
Madam Secretary là phim truyền hình lấy đề tài chính trị. Câu chuyện phim kể về công việc thường ngày của Ngoại Trưởng Mỹ. Mỗi buổi sáng, bà sẽ tổng hợp thông tin tình báo – chính trị từ khắp nơi trên thế giới vào một tập tài liệu, và đi báo cáo cho sếp mình tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Tác phẩm không hề có nội dung “giả tưởng” hay “tương lai”.
Văn Dân