Philippines – Trung Quốc vẫn tay trong tay

Ngọc Hoàng 31/08/2019 09:59

Tổng thống Duterte cuối cùng cũng giữ lời hứa với người dân Philippines khi nêu phán quyết năm 2016 của tòa The Hague về Biển Đông, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 29-8.

Philippines - Trung Quốc vẫn tay trong tay - Ảnh 1.
Tổng thống Duterte (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 29-8 – Ảnh: Phủ tổng thống Philippines

Tuy nhiên, kết quả hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, đặc biệt là câu chuyện Biển Đông, được thể hiện rất khác trên mặt báo hai nước.

Mỗi nước nói mỗi kiểu

Trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp từ Bắc Kinh tối 29-8, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo nhấn mạnh tổng thống đã “dứt khoát nhưng thân thiện” nêu lên những quan ngại của Philippines về các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả việc tàu chiến Bắc Kinh ra vào vùng biển của Manila như ao nhà.

“Tổng thống đã nói với ông Tập rằng ông ấy không muốn điều đó lặp lại một lần nữa. Tổng thống cũng nhấn mạnh phán quyết của tòa The Hague năm 2016 là quyết định cuối cùng, mang tính bắt buộc và không thể thay đổi” – ông Panelo thuật lại, không quên mô tả ông Tập không có biểu hiện gì như đang bị “xúc phạm”.

Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 (tòa The Hague) đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết cũng nêu rõ Philippines có quyền khai thác bãi Cỏ Rong giàu tiềm năng dầu khí.

“Đáp lại, ông Tập nhắc lại lập trường của Chính phủ Trung Quốc về việc không công nhận phán quyết cũng như không thay đổi quan điểm của họ” – người phát ngôn của ông Duterte cho biết tiếp.

Các thông tin này không hề xuất hiện trong bản tin của Tân Hoa xã ngày 30-8. Thay vào đó, lại tập trung vào lời kêu gọi của chủ tịch Trung Quốc, rằng hai bên nên “gác lại tranh chấp, loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài và tập trung vào việc tiến hành hợp tác, nỗ lực thực dụng và tìm kiếm sự phát triển”.

Ông Tập nhấn mạnh: “Miễn là hai bên xử lý vấn đề Biển Đông đúng cách, sẽ có những bước tiến lớn trong nỗ lực phát triển dầu khí chung ở Biển Đông”. Lãnh đạo Philippines và Trung Quốc trong cuộc gặp đã đồng ý thành lập một nhóm công tác chung, quyết tâm đẩy nhanh hiện thực hóa dự án khai thác dầu khí chung trên Biển Đông.

Theo hãng tin AFP, quyết định nêu phán quyết Biển Đông đánh dấu một sự thay đổi bất ngờ đối với ông Duterte. Đó là bởi thời gian qua, nhiều người đã chỉ trích cách tiếp cận mềm yếu của nhà lãnh đạo Philippines trong vấn đề Biển Đông, khi ông nỗ lực xây dựng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc để đổi lấy những gói đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh.

Vì sao Manila muốn khai thác chung?

Philippines đã đề xuất một thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc theo tỉ lệ ăn chia 6:4, đúng vào thời điểm Bắc Kinh bị nhiều nước chỉ trích vì cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của nước khác trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Năm 2010, Forum Energy – một công ty thăm dò dầu khí dịch vụ của Philippines – bắt đầu các hoạt động thăm dò tại bãi Cỏ Rong nhưng phải tạm ngừng sau khi gặp phải sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc. Đến năm 2015, khi Philippines bắt đầu đưa vụ kiện Biển Đông ra tòa The Hague, việc thăm dò bị chính quyền Manila đình chỉ hoàn toàn.

Theo giáo sư Aileen S. P. Baviera thuộc Đại học Philippines, có hai lý do chính để chính quyền ông Duterte nối lại việc thăm dò và đẩy nhanh quá trình khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong.

Thứ nhất, các mỏ dầu khí khác của Philippines đang dần cạn kiệt. Thứ hai, có phần thiên về tư duy chiến lược nhiều hơn, đó là ngăn chặn một cuộc đụng độ trên biển với Trung Quốc trong bối cảnh một quân đội Philippines yếu kém không nhận được sự đảm bảo chắc chắn từ Mỹ – quốc gia đồng minh hiệp ước.

Lập luận này có phần dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa tự do trong quan hệ quốc tế, rằng sự phụ thuộc về kinh tế giữa các nước sẽ dẫn đến hòa bình và thịnh vượng.

Henry John Temple – người từng hai lần giữ ghế thủ tướng Anh trong thế kỷ 19 – đã từng nói một câu kinh điển: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu hay kẻ thù vĩnh viễn. Lợi ích của chúng ta mới là vĩnh cửu và vĩnh viễn”. Có lẽ ông Duterte nhận ra rằng lợi ích quốc gia của Philippines lúc này chính là hợp tác với Trung Quốc.

Ngọc Hoàng

Đọc nhiều