432
category
335350

Phiên tòa xử cựu CSGT Đồng Nai lạnh lùng bắn chết người kết thúc nhanh chóng

29/11/2019 11:00

Lúc hơn 10 giờ ngày 29-11 – tức chỉ khoảng sau 2 giờ xét xử, phiên tòa xử cựu trung úy CSGT Đồng Nai lạnh lùng bắn chết người đã kết thúc nhanh chóng.

Theo đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án 15 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Tấn Phước (41 tuổi,, cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) về tội “Giết người”; 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, tổng hình phạt là 18 năm tù.

Tại tòa, bị cáo Phước khai do súng cướp cò nên làm chết nạn nhân Bùi Việt Hải, về khẩu súng quân dụng, Phước khai không biết đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng hành động của bị cáo Phước là cố ý giết người.

Sáng cùng ngày, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Tấn Phước về 2 tội “Giết người” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Gần 10 CSGT trong đó có nhiều người là trưởng, nguyên trưởng, phó phòng thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có giấy triệu tập.

Phiên tòa xử cựu CSGT Đồng Nai lạnh lùng bắn chết người kết thúc nhanh chóng - Ảnh 1.
Bị cáo Nguyễn Tấn Phước

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Tấn Phước có quan hệ tình cảm với bà Tr. (44 tuổi, ngụ TP Biên Hòa). Con gái bà Tr. là Nh. (20 tuổi) có quan hệ tình cảm với anh Bùi Việt Hải (31 tuổi, quê Hải Phòng).

Do Nh. thường bỏ nhà đi theo Hải nên bà Tr. nhờ Phước tìm Hải, nếu gặp Nh. thì khuyên về nhà. Thông qua mối quan hệ bạn bè, Phước biết Hải đang thuê trọ tại khu vực cổng 1 của sân bay Biên Hòa.

Chiều tối ngày 6-1-2018, sau khi nhậu cùng bạn bè, Phước về phòng tập thể dục của đơn vị lấy tư trang quần áo và khẩu súng rulo (khẩu súng Phước được cấp vào năm 2010) bỏ vào túi xách rồi lấy xe máy về nhà. Trên đường đi, Phước nhớ chuyện bạn gái nhờ đi tìm con nên chạy thẳng xe đến khu nhà trọ nơi Hải đang ở.

Phiên tòa xử cựu CSGT Đồng Nai lạnh lùng bắn chết người kết thúc nhanh chóng - Ảnh 2.
Hiện trường vụ án

Tới nơi, Phước dựng xe trước cửa khu phòng trọ, lấy khẩu súng ra dắt thắt lưng rồi đi bộ vào. Thấy anh Hải đang ở trong phòng cùng một người bạn, Phước hỏi: “Mày có phải thằng Hải không?”. Hải trả lời: “Đúng?”. Phước hỏi tiếp: “Con Nh. đâu?”. Hải trả lời: “Tao không biết”.

Lúc này, Phước liền rút súng chỉa vào đầu anh Hải bóp cò. Sau khi bắn anh Hải, Phước đi ra ngoài, bỏ súng vào cốp xe máy rồi phóng xe bỏ chạy. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Sau khi gây án, Phước gọi điện thoại cho bạn là Trần Tấn Sinh. Khi cả hai vào quán nhậu ở cổng 11 phường Long Bình (TP Biên Hòa) uống bia, Phước kể lại chuyện bắn Hải cho Sinh nghe và nhờ nhận tội thay. Tuy nhiên, anh Sinh nói Phước cứ về công an phường trình diện.

Cùng thời điểm này, Công an phường Trung Dũng cũng gọi điện thoại cho Phước về trụ sở làm việc. Phước đưa lại súng, ổ đạn 4 viên và xe máy nhờ anh Sinh giữ giúp rồi đón taxi đi đầu thú. Ngày hôm sau, anh Sinh gọi điện thoại báo công an biết để thu giữ tang vật.

Trước đó, năm 2004, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho Phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai sử dụng khẩu súng rulo nhãn hiệu P38, thời hạn sử dụng đến hết năm 2007.

Ngày 9-3-2010, do Phước thường lái xe cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (thời điểm đó, ông Khánh là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) nên Phước làm giấy đề nghị ban lãnh đạo Phòng Hậu cần cấp một khẩu súng ngắn với mục đích bảo vệ Thiếu tướng Khánh và được ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai, phê duyệt.

Phước được giao sử dụng khẩu súng rulo nhãn hiệu P38 và 50 viên đạn để bảo vệ giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Phiên tòa xử cựu CSGT Đồng Nai lạnh lùng bắn chết người kết thúc nhanh chóng - Ảnh 3.

Năm 2012, Công an tỉnh Đồng Nai điều động Phước từ Phòng Hậu cần đến công tác tại Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Phòng Hậu cần có công văn về việc điều chuyển khẩu súng rulo từ Phòng Hậu cần sang Phòng CSGT (nhưng không có giấy phép sử dụng) do Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh phê duyệt.

Mặc dù khẩu súng rulo không có giấy phép sử dụng, Thiếu tướng Khánh đã về hưu nhưng Phước không giao nộp cho đơn vị quản lý mà tiếp tục sử dụng.

Đối với Trần Tấn Sinh, sau khi Phước bắn anh Hải thì có nghe kể lại nhưng vẫn nhận giữ giúp chiếc xe máy cùng khẩu súng là công cụ gây án. Tuy nhiên, sau đó Sinh đã gọi điện báo cho công an xã tiến hành thu giữ, đồng thời khai báo thành khẩn nên hành vi không cấu thành tội phạm.

Đối với hành vi của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép, quản lý khẩu súng, do vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đối tượng, diễn ra trong thời gian dài nên các cơ quan tố tụng thống nhất tách ra tiếp tục làm rõ, xử lý sau.

Xuân Hoàng/Người Lao Động

Tags :
Đọc nhiều