Phiên tòa khủng xét xử vụ Mobifone mua AVG đang thực thi mệnh lệnh “không có vùng cấm”

16/12/2019 17:13

Liên quan đến việc xét xử đại án AVG, lại có không ít kẻ thêu dệt “Đảng đang làm cuộc đấu đá phe phái”, “thanh trừng nội bộ”. Xin thưa rằng, chẳng có chuyện phe phái thanh trừng, mà đây chính là hiện thực hóa của cuộc chiến với “giặc nội xâm” mà Đảng ta đang quyết tâm đẩy lùi, diệt trừ.

avg
Một góc cảnh đang xét xử.

Sáng này (ngày 16/12), phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) bắt đầu diễn ra. Thế là dư luận lại có thêm cơ sở để tin tưởng về cái gọi là “Không có vùng cấm”, nó không chỉ là một câu khẩu hiệu để hô hào, mà là một mệnh lệnh của công cuộc phòng chống tham nhũng.

Phiên tòa “khủng”

Do tính chất quan trọng của vụ án, Viện KSND Tối cao quyết định biệt phái 3 kiểm sát viên cao cấp về Viện KSND TP.Hà Nội để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ba kiểm sát viên cao cấp này gồm ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng. Đây là lần đầu tiên tại một phiên tòa sơ thẩm, Viện Kiểm sát bố trí tới ba kiểm sát viên cao cấp giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Trong số 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, có 13 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 220, khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các bị cáo này bao gồm: Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Bộ TT-TT), Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT), Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT), Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX – Cty AMAX), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Cty AMAX), Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Đăng Nguyên, Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Mạnh Hùng.

xetxuavg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ Mobifone mua AVG.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, 4 bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại phiên tòa, có 41 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người liên quan. Trong đó, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ.

Đại diện Bộ TT-TT, đại diện AVG được mời đến tòa với tư cách là tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đại diện MobiFone cũng được mời tới phiên tòa với tư cách là bị hại. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập tới phiên tòa nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nhân chứng, điều tra viên.

Phiên tòa này cũng được điều hành bởi HĐXX có 2 thẩm phán, trong đó có bà Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa. Tức là, lần này, “thượng phương bảo kiếm” lại được giao vào tay bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thì với kết quả xét xử hàng loạt đại án kinh tế trước đây mà bà từng làm chủ tọa HĐXX, dư luận có cơ sở để tin HĐXX sẽ đưa ra một kết quả xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội.

Không có chuyện “thanh trừng nội bộ”

Nói về đại án đang xét xử này, dù biết rõ dự án MobiFone mua lại AVG chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cấp dưới Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký Quyết định 236 và chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐQT MobiFone khi đó cùng Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải ký hợp đồng trị giá gần 8.900 tỷ đồng.

Kết quả, AVG bán được 95% cổ phần của mình với giá 8.900 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, gây thiệt hại cho MobiFone gần 6.600 tỷ đồng. Hiện số tiền 8.900 tỷ đồng đã được cựu Chủ tịch AVG giao nộp toàn bộ và khắc phục cả số tiền lãi phát sinh. Còn khoản tiền nhận hối lộ, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều khai nhận, trong quá trình thực hiện dự án và sau khi MobiFone thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã hối lộ tổng cộng khoảng 137,5 tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng), bị cáo Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD (55,6 tỷ đồng), bị cáo Cao Duy Hải nhận 500.000 USD (khoảng 11 tỷ đồng) và bị cáo Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4,45 tỷ đồng). Ngoài ra, bị cáo Trương Minh Tuấn còn khai thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son là vì được Nguyễn Bắc Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Phải nói rằng, chưa có giai đoạn nào mà công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa trong bộ máy Đảng, Nhà nước được tiến hành quyết liệt và hiệu quả như giai đoạn đang diễn ra. Người dân, cán bộ, đảng viên theo dõi thông tin từ truyền thông báo chí, lắng nhịp thở đời sống chính trị, hàng ngày, hàng tuần hỏi nhau: Sắp tới đây “củi” nào sẽ nhập lò? “Củi” to hay “củi” bé?

Trước đây, khi cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực còn ở giai đoạn “rửa mặt”, “soi gương”, “quạt lò”, “nhóm lửa”, không ít người ta ca thán, chê bai “chống tiêu cực gì mà như phủi bụi”, “chắc chỉ làm lấy lệ“, “chỉ tắm từ vai xuống”. Ấy thế mà, khi đến cao trào, “lò nóng”, “củi tươi cũng cháy”, khi không còn vùng cấm, lần lượt nhiều cá nhân, nhóm lợi ích tha hóa, tham nhũng bị phát hiện, xử lý kỷ luật, xử tù…, lại cũng không ít kẻ buông lời đặt điều “Đảng đang làm cuộc đấu đá phe phái”, đang “thanh trừng nội bộ”.

Xin thưa rằng, không có chuyện phe phái, thanh trừng mà đây chính là hiện thực hóa của cuộc chiến với “giặc nội xâm” mà Đảng ta đang quyết tâm đẩy lùi, diệt trừ. Là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” giữa thanh thiên bạch nhật này, nếu có chuyện thanh trừng thì thứ giặc nội xâm, rác rưởi, sâu dân mọt nước chẳng đáng thanh trừng lắm sao? Nếu có chuyện phe phái, thì đấy là phe “nước mắt và sự tử tế”, “lòng dân và ý Đảng” cùng chống thế lực tiêu cực, loại trừ cái xấu, cái ác. Vì thế, phiên tòa “khủng” này được điều hành bởi HĐXX có 2 thẩm phán, trong đó có bà Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa. Nhắc tới nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, hẳn nhiều người không quên bà từng ngồi ghế chủ tọa HĐXX trong các vụ đại án về kinh tế, được dư luận đặc biệt quan tâm. Và việc “cầm cân nảy mực” ở những đại án kinh tế lớn và rất nhạy cảm, nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu đã chứng tỏ là một “Bao Công xử án”.

hdxx
Hội đồng xét xử sơ thẩm đại án.

Có thể kể đơn cử như vụ thất thoát 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank cách đây 4 năm, vụ Châu Thị Thu Nga (cựu Đại biểu Quốc hội, bị tuyên án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), đặc biệt là phiên tòa sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ thất thoát 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, rồi phiên tòa xử cựu Thứ trưởng Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng và các bị cáo trong vụ thất thoát gần 1.700 tỷ đồng ở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,…

Và với phiên tòa này, dư luận lại kỳ vọng vào những bản án nghiêm minh, đúng người đúng tội để góp phần răn đe những “mầm mống” của tham nhũng, lợi ích nhóm trực chờ “xà xẻo” tài sản của dân của nước.
Những kẻ ăn cắp của dân của nước, dưới hình thức nào cũng phải bị trừng trị. Không thể không đề cao pháp trị. Xử tham nhũng để cứu muôn dân, cứu đất nước, cũng là cứu Đảng. Vì thế, một lần nữa xin khẳng định lại rằng, đây không phải là sự “thanh trừng nội bộ, phe phái” như một số kẻ cơ hội chính trị đang rao tin.

Sông Trà 

Đọc nhiều