Phạt nặng những người coi đại dịch là “chuyện quá khứ”
Tại TP.HCM, hình thức phạt tiền vì không mang khẩu trang đã được áp dụng từ đầu tháng 8. Sắp tới, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và phạt tiền với hành vi không chấp hành nghiêm túc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Anh, Pháp đưa mức xử phạt cao
Ngày 20.10, du học sinh Lãm Nguyễn gửi cho tôi tấm hình chụp mặt tiền nhà ga tàu trung tâm Helsinki tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Hai bức tượng mang tên “người thắp đèn lồng” được thiết kế bởi Eliel Saatine từ năm 1919 trước cổng chính nhà ga đều được… mang 2 chiếc khẩu trang màu trắng một cách cẩn thận. Lãm giải thích đây là một trong những hình thức chính phủ Phần Lan muốn nhắc nhở người dân phải luôn đeo khẩu trang nơi công cộng. Không những thế, trên các tuyến xe buýt của Phần Lan cũng luôn có loa nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang thường xuyên ở những nơi đông người. Từ một trong những quốc gia “kỳ thị” người đeo khẩu trang, 6 tháng trước đó tìm đỏ mắt không thể mua được một chiếc khẩu trang thì đến nay, cụm từ “nên mang khẩu trang khi đi ra ngoài” được nhắc đến thường xuyên ở đây. Ước tính có hơn 50% người dân đã tự giác mang khẩu trang chống Covid-19 tại các bến xe, tàu ở đất nước vùng Bắc Âu này.
Đã xử phạt 3.769 trường hợp
Theo Sở Công thương TP.HCM, từ đầu tháng 8, TP đã phạt người ra đường không đeo khẩu trang. Đến cuối tháng 8, gần 7.420 trường hợp bị nhắc nhở, xử phạt 3.769 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 756 triệu đồng. Mức phạt được áp dụng theo Nghị định 176/2013 từ 100.000 – 300.000 đồng. Nếu xử phạt bằng tiền, chắc chắc số tiền bị phạt và người bị phạt cao hơn số đó rất nhiều.
Khác với Phần Lan chỉ nhắc nhở người dân chống Covid-19 và tuyên truyền bằng hình thức… đeo khẩu trang cho tượng, tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn… đều có hình thức phạt tiền với hành vi không mang khẩu trang nơi công cộng. Từ ngày 20.7, trong chiến lược phải ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2, chính phủ Pháp đã ra chỉ thị phạt 135 euro (khoảng 3,5 triệu đồng) cho hành vi không đeo khẩu trang tại những không gian công cộng trong nhà như siêu thị, trung tâm thương mại. Trước đó, Pháp buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, bảo tàng, công viên… và người vi phạm cũng đã đối mặt với mức phạt tương tự. Nếu tái phạm lần 2, mức phạt tăng gấp đôi.
Tương tự tại Anh, vi phạm không đeo khẩu trang lần đầu bị phạt 200 bảng Anh (khoảng 5,8 triệu đồng). Sau đó, mỗi lần vi phạm tiếp theo đều bị tăng phạt gấp đôi, thành 400 bảng Anh và mức phạt tối đa không chấp hành mang khẩu trang nơi công cộng là 6.400 bảng Anh.
Trước Pháp và Anh, nhiều nước ở châu Âu như Scotland, Tây Ban Nha, Đức và Ý đều đã áp dụng các quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, từ ngày 13.11 tới, để chống đại dịch Covid-19, cảnh sát Hàn Quốc sẽ phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng và trên phương tiện giao thông với số tiền lên tới 100.000 won (khoảng 2 triệu đồng). Thậm chí, người đeo khẩu trang không đúng cách, kéo dưới mũi cũng bị phạt.
Người thành phố lại quên mang khẩu trang
Tại TP.HCM, trong 2 ngày 22 và 23.10, theo quan sát của chúng tôi, so với các nước, tỷ lệ người dân chấp hành “lệnh” đeo khẩu trang ở nơi công cộng của TP.HCM cao hơn rất nhiều. Tối 22.10, tại siêu thị BigC Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), đếm khoảng 30 lượt người vào siêu thị mua hàng, có 3 người không mang khẩu trang. Bên trong siêu thị, lác đác vài người có mang khẩu trang nhưng kéo xuống dưới mũi.
Tương tự, trưa 23.10, tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (Q.1, TP.HCM), khách vào tham quan mua bán tại đây ít, nhưng đa số không đeo khẩu trang. Một số khách vào mua hàng là người nước ngoài hầu như không mang khẩu trang, nhân viên bán hàng tại tầng trệt chuyên bán hàng mỹ phẩm, đồng hồ, thời trang… người có khẩu trang, người không. Một số có đeo nhưng… kéo xuống dưới cằm. Trước đó, sáng 23.10, trước Bệnh viện 115 trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), khu vực trước cổng luôn đông người qua lại, một số người từ trong bệnh viện đi ra mang khẩu trang nhưng kéo xuống dưới mũi khá nhiều, một số tập trung trước bệnh viện như xe ôm, người bán hàng rong… khá nhiều người không mang khẩu trang, trong khi nơi đây có số người tứ xứ, nhiều nơi đến. Dọc các tuyến đường Bắc Hải, Sư Vạn Hạnh, Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai… trong sáng cùng ngày, quan sát cho thấy, một số người đi trên đường cũng không đeo khẩu trang, đa số là đàn ông hoặc người lớn tuổi. Tỷ lệ người không đeo khẩu trang có thể chiếm 10 – 15%.
So với thời điểm cuối tháng 7, khi VN bị tái bùng phát dịch Covid-19, dường như một số người dân thành phố đã “quên” mất đại dịch vẫn đang còn “tung hoành” dữ dội trên thế giới. Đâu đó lại xuất hiện tâm lý coi Covid-19 là chuyện quá khứ. Đặc biệt, lượng người tập trung chỗ đông nhiều hơn, quên mang khẩu trang cũng nhiều hơn.
Ủng hộ phạt tiền nếu ý thức kém
Ngày 24.9 vừa qua, công điện khẩn của Thủ tướng gửi các tỉnh, thành phố tiếp tục liên quan việc phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định một số nơi có dấu hiệu chủ quan trước dịch bệnh và yêu cầu các tỉnh thành phải chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh đúng chỉ đạo của Chính phủ. Kế đó, ngày 3.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh việc chống dịch bằng hình thức đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất mà chính chuyên gia trên thế giới cũng thừa nhận. Thực hiện các chỉ đạo trên, đến ngày 8.10 vừa qua, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Văn bản 3856 về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Công văn yêu cầu người dân và các cơ quan hành chính tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh. Một số nội dung tập trung như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chú trọng công tác phòng, chống dịch tại khu vực đông dân cư, trường học, chợ, siêu thị…
Như vậy, tinh thần chung cho đến khi chưa có vắc xin phòng chống dịch, người dân phải nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống đại dịch này. Nói như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là đơn giản mà hiệu quả.
Trên một số tuyến đường đi bộ của Q.1, thông tin sắp tới lực lượng chức năng có thể tăng biện pháp nhắc nhở và xử phạt người không đeo khẩu trang. Tuy việc phạt tiền được ủng hộ, có thể cao gấp 10 lần so với mức xử phạt cũ, song trao đổi với chúng tôi, nhiều người cho rằng, tinh thần chung của chính quyền TP.HCM vẫn nên theo cách hành xử của các nước phát triển, ưu tiên nhắc nhở là chính. Bởi tinh thần phòng chống dịch của người dân Việt… cao hơn các nước rất nhiều. Quan điểm chung vẫn nên tiếp tục tuyên truyền trên các kênh truyền thông đại chúng. Phạt bằng tiền 3 triệu đồng một lần nên là giải pháp sau cùng khi ý thức chấp hành của người dân quá thấp.
Nguyên Nga/ TNO