8
category
389430

Phát hiện phá bỏ đường “lưỡi bò” và mô hình bát quái của Doanh nghiệp Trung Quốc

Thành Nhân 30/04/2020 10:29

Thành phố Hải Phòng vừa phá dỡ mô hình đường “lưỡi bò” và trận đồ bát quái của doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng trái phép ngay trong khu công nghiệp ở huyện An Dương. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho hay, không bao che, xử lý nghiêm khi doanh nghiệp Công ty TNHH Thâm Việt (Trung Quốc) cố tình sai phạm.

Doanh nghiệp Trung Quốc làm đường “lưỡi bò” ngay trong khu công nghiệp.

Sáng nay (29/4), ông Phạm Văn Mợi – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, vừa phối hợp cùng UBND huyện An Dương đã tiến hành phá dỡ toàn bộ khu nhà công nhân kiểu bát quái và đường “lưỡi bò” trái phép của doanh nghiệp Trung Quốc là Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt và Công ty TNHH đầu tư hạ tầng Thành Phố.

Lối đi được xây giống mô hình “đường lưỡi bò” Trung Quốc. Ảnh chụp từ google maps

Ngay trong buổi chiều cùng ngày, ông Mợi đã xuống hiện trường, làm việc với doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp đã tự nguyện phá dỡ.

“Phần vi phạm có diện tích khoảng 0,5ha, nguyên bản quy hoạch là diện tích trồng cây xanh, hồ nước, tạo cảnh quan. Tuy nhiên, công ty Thâm Việt đã đào hồ nước và lát gạch lối đi có hình dạng kể trên.

Ban quản lý đã yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả mặt hiện trạng , trồng lại cây xanh như đã được ban quản lý phê duyệt tổng thể mặt bằng”, ông Mợi nói.

Mô hình bát quái cũng do công ty Thâm Việt xây dựng trong khu công nghiệp An Dương.

Khi được hỏi: Tại sao việc vi phạm của công ty Thâm Việt (Trung Quốc) diễn ra trong thời gian dài, mà đến khi hoàn thiện mới được phát hiện, xử lý? Ông Mợi cho biết, phía doanh nghiệp xây dựng công trình phụ trợ là cây xanh, lối đi tạm bằng mắt thường không thể nhìn thấy.

Về mô hình bát quái trong khu công nghiệp An Dương, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nói công trình này cũng do công ty Thâm Việt, là chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng. Công trình vi phạm này nguyên bản là công ty xây dựng đài phun nước, sau đó trở thành hình thù kỳ dị kể trên, đã được ban quản lý phát hiện, buộc doanh nghiệp phá dỡ trong năm 2019.

Công trình đã bị cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Tuy đã bị san gạt, phá dỡ trên bản đồ google maps vẫn thể hiện rõ là dấu vết phần nền móng.

Quá trình ban quản lý làm việc với chủ đầu tư, ban quản lý đã chỉ thẳng việc doanh nghiệp đã vi phạm. “Vi phạm là chúng tôi xử lý, cứ theo luật mà làm, không để xảy ra tái phạm”, ông Mợi chia sẻ.

Vẫn theo ông Mợi, không phải để xảy ra những vi phạm này, ban quản lý mới rà soát mà đó là công việc hàng ngày ban quản lý phải làm để chấn chỉnh lại hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài theo quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam.

Mô hình làng bát quái ngay trong khu công nghiệp nhìn từ google map.

Trước đó, trong năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã kiểm tra khu công nghiệp An Dương và phát hiện những sai phạm trên. Cụ thể, tại lô đất CX5 – đất quy hoạch trồng cây xanh, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều nhà lắp ghép phục vụ công nhân, lao động người Trung Quốc lưu trú và sinh hoạt.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND Hải Phòng yêu cầu Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt phải hoàn tất việc tháo dỡ công trình trái phép, chỉ để lại nhà tạm phục vụ điều hành thi công tại các công trường, trồng cây xanh, xây tường bao khu công nghiệp.hưng đến nay, công ty này vẫn còn công trình trái phép. Nhưng đến nay, công ty này vẫn còn công trình trái phép.

Làng bát quái xây dựng trái phép ngay trong khu công nghiệp
Ngoài hàng chục ngôi nhà trái phép, Công ty Thâm Việt còn cho đào hồ với hình bát quái âm dương.
Toàn bộ đường “lưỡi bò” và làng bát quái đã bị phá dỡ.
Công ty Thâm Việt phá dỡ mô hình “đường lưỡi bò” trong khu công nghiệp An Dương.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, trên mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh khu nhà được xây dựng có hình thù kỳ lạ, theo kiểu làng bát quái bên Trung Quốc và đường “lưỡi bò” ngay ở khu công nghiệp huyện An Dương, Hải Phòng, gây bức xúc dư luận.

Khu công nghiệp An Dương được khởi công lần đầu tiên vào năm 2008 với quy mô 500 ha, nhưng mãi đến năm 2016 mới được khởi động trở lại.

Thành Nhân

Đọc nhiều