Phát hiện gien lạ giúp người Nhật ít bị nhiễm, tử vong vì Covid-19
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có một loại gen ở hơn nửa người Nhật bảo vệ họ ít bị nhiễm hoặc tử vong vì Covid-19.
Tờ Nikkei Asia ngày 11.12 dẫn một nghiên cứu mới công bố cho thấy một đặc điểm gien liên quan bạch cầu ở hơn phân nửa người Nhật có thể đã giúp cơ thể họ chống lại Covid-19, kích hoạt các tế bào miễn dịch đã có khả năng nhận biết virus cúm mùa.
Nghiên cứu được Viện nghiên cứu Riken của Nhật thực hiện và đăng trên chuyên san Communications Biology trong nỗ lực tìm hiểu về tỷ lệ nhiễm Covid-19 và tử vong khá thấp tại nước này.
Các nhà khoa học tập trung vào các tế bào T “sát thủ” thuộc cơ chế phản ứng miễn dịch khi virus xâm nhập cơ thể. Những tế bào này tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus, xác định chúng nhờ các peptide (cấu trúc hình thành protein), hoặc những mẫu protein từ virus.
Họ xem xét một loại kháng nguyên bạch cầu (HLA) ở người có tên gọi là HLA-A24. HLA là protein nằm trên bề mặt tế bào bạch cầu, đóng vai trò then chốt trong cơ chế phòng vệ của cơ thể, khi kích hoạt các tế bào T.
HLA-A24 xuất hiện ở khoảng 60% người Nhật. Khi peptide có tên là QYI từ gai protein của SARS-CoV-2 được đưa vào mẫu máu của người hiến có HLA-A24, các tế bào T sát thủ trong các mẫu máu đó phản ứng bằng cách nhân bản.
Nghiên cứu nhận thấy rằng các tế bào phản ứng với peptide đó cũng phản ứng với các peptide tương tự trong họ virus Corona, trong đó có virus gây cúm mùa.
Do đó, các tác giả kết luận rằng ở những người có HLA-A24, các tế bào T sát thủ ghi nhớ những lần nhiễm cúm mùa nên cũng gia tăng phản ứng miễn dịch đối với SARS-CoV-2.
Trong khi phổ biến ở một số nhóm người châu Á, HLA-A24 lại ít thấy hơn tại phương Tây, chiếm khoảng 10-20% dân số châu Âu và châu Mỹ.
Omicron có thể lây gấp 4 lần Delta nhưng bệnh nhẹ, nên tiêm nhắc vắc xin Covid-19 Theo chuyên gia Shin-ichiro Fujii tại Viện nghiên cứu Riken, đặc điểm gien trên có thể được xem là “nhân tố X”. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ xem xét một số tế bào cụ thể và cần tiến hành thêm các nghiên cứu để xác định phản ứng của hệ miễn dịch đối với SARS-CoV-2 ở những người có HLA-A24.
Dù cho dịch bệnh đang căng thẳng trên khắp thế giới, nhưng Nhật Bản lại suy giảm các ca nhiễm Covid-19 theo chiều thẳng đứng. Từ khoảng 20.000 người nhiễm nCoV một ngày vào tháng 8, số ca ở Nhật Bản đột ngột giảm thẳng đứng cho đến giữa tháng 10. Tokyo ghi nhận 6.000 người mắc Covid-19 một ngày vào giữa tháng 8, hôm 24/11 báo cáo 5 ca nhiễm mới nCoV, mức thấp nhất trong năm, và không ghi nhận thêm ca tử vong vì Covid-19. Những tuần gần đây, số ca mắc mới cả nước Nhật dưới 200.
Nhiều chuyên gia cho rằng Covid-19 tại Nhật Bản suy yếu do virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt”. Theo đó, ông Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia, đưa ra một lý thuyết tiềm năng mang tính cách mạng: Biến thể Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến với một protein không cấu trúc, có khả năng sửa lỗi di truyền của nCoV tên là nsp14. Kết quả, virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt”.
Song, tất cả mới chỉ nằm ở giả thiết, chưa được chứng minh. Các chuyên gia y tế công cộng vẫn đang điều tra toàn diện về lý do khiến dịch bệnh tại Nhật Bản suy yếu đột ngột. Giới khoa học nhận định xu hướng Covid-19 “đảo chiều” ở Nhật Bản không phải do một yếu tố đơn lẻ nào, nhưng nhiều người đồng thuận thành công của chiến dịch tiêm chủng đã góp phần lớn giúp nước này thoát miệng vực Covid.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo không nên vội vã cho rằng mối nguy hiểm đã kết thúc, đồng thời nhận định số ca nhiễm có thể tăng trở lại khi mùa đông đang đến gần và mọi người tụ tập nhiều trong mùa tiệc tùng cuối năm.
Hạnh Nhân