Phạt 25 năm tù đối với nhóm thanh niên tổ chức nhập cảnh trái phép
6 tấn vải thiều xuất khẩu sang Mỹ được xử lý bảo quản bằng công nghệ V-treat của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) sau 25 ngày trên biển vẫn giữ được độ tươi ngon như vừa hái trên cây.
Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đã xác nhận lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ theo đường biển sau 25 ngày vận chuyển đã được thông quan, đưa vào bày bán trong các siêu thị tại bang Oregon.
Để đáp ứng yêu cầu của Mỹ và một số thị trường khác trong việc hạn chế sử dụng lưu huỳnh để xử lý bảo quản trái cây xuất khẩu, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu và phát triển ra chế phẩm V-treat. Đây là chế phẩm được sản xuất hoàn toàn bằng axit hữu cơ thực phẩm ứng dụng và quy trình xử lý, đóng gói nhằm kéo thời gian bảo quản trái cây.
Đặt mục tiêu xuất khẩu vải thiều theo đường biển đến Mỹ, năm nay Công ty cổ phần RYB cùng đối tác Dragonberry (Mỹ) đã mời chuyên gia của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phối hợp với chuyên gia đến từ Israel thử nghiệm một container vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Mỹ.
Chuyên gia Israel trực tiếp bay sang Mỹ để kiểm tra, đánh giá chất lượng lô hàng này. Quả vải tươi được xử lý bằng V-treat sau 25 ngày đi biển vẫn có màu sắc, hương vị tự nhiên gần với quả vải mới hái trên cây hơn các biện pháp xử lý khác mà các chuyên gia Israel và Việt Nam đưa ra trong đợt thử nghiệm xuất khẩu này.
Trước khi đóng gói, vải thiều được nhúng qua dung dịch có pha chế phẩm V-treat để kéo dài thời gian bảo quản đến 35 ngày mà vẫn giữ được độ tươi ngon. Chế phẩm này hoàn toàn có thể thay thế lưu huỳnh trong xử lý trái vải xuất khẩu. Chi phí xử lý vải thiều bằng chế phẩm này khoảng 1 triệu đồng/tấn.
Hạ Băng