432
category
508104

“Phần tử chống đối không có đất diễn khi người dân hiểu tính dân chủ của bầu cử”

31/03/2021 06:50

Hoạt động chống phá bầu cử là thủ đoạn không mới nhưng cực kỳ nguy hại bởi khi xuyên tạc vai trò của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Gần 2 tháng nữa là tới kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cũng trong thời gian này, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với tính chất tinh vi với mưu đồ chống phá bầu cử bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện về công tác bầu cử.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên trao đổi với PGS- Tiến sỹ Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng.

PGS-TS Nguyễn Bá Dương.

PV: Thưa PGS-TS Nguyễn Bá Dương, những kẻ chống đối thường đưa ra quan điểm là không có cuộc bầu cử dân chủ khi mà Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử. Vậy ông có thể phân tích sự sai trái của quan điểm đó như thế nào?

PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Đây là quan điểm sai trái, thù địch của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, của những người bất đồng chính kiến với Đảng, Nhà nước, Quốc hội ta. Quan điểm sai trái của họ thể hiện trước hết là phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó dẫn đến một thái cực, họ cho rằng, Đảng ta không chính danh lãnh đạo bầu cử Quốc hội.

Trên thực tế, họ hiểu sai và xuyên tạc bản chất Đảng ta trong Hiến pháp. Chính khoản 1, Điều 4 Hiến pháp đã hiến định rõ ràng Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng đại diện cho lợi ích trung thành nhất của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam. Đảng lãnh đạo Nhà nước để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân là hoàn toàn đúng đắn.

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội phải thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Chính vì vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là hoàn toàn đúng nhưng họ khước từ điều đấy, xuyên tạc, bóp méo sự thật ấy.

Đó là điều sai, và điều sai đó dẫn đến một kết cục phủ nhận toàn bộ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Từ đó, phủ nhận toàn bộ chế độ xã hội chủ nghĩa, dẫn đến một thái cực là đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và bầu cử Quốc hội hay HĐND các cấp này cũng theo mô hình của chủ nghĩa tư bản.

Hoạt động chống phá bầu cử là thủ đoạn không mới nhưng cực kỳ nguy hại bởi khi xuyên tạc vai trò của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: Là cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội qua nhiều kỳ, bản thân ông có thấy là Đảng áp đặt trong công tác bầu cử hay không?

PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Tham gia nhiều lần bầu cử Quốc hội, tôi thấy, việc Đảng ra Nghị quyết, Chỉ thị lãnh đạo bầu cử Quốc hội và  Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết triển khai chủ trương, đường lối của Đảng hết sức bài bản, dân chủ, công khai, minh bạch.

Trong đó, có sự phân định rõ ràng Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội nhưng Đảng không bao biện, Đảng không làm thay Nhà nước. Chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước và của Quốc hội, của Hội đồng Bầu cử Quốc gia thực hiện đúng theo chức trách nhiệm vụ của mình. Cho nên có sự phân cấp rõ ràng, không có sự lẫn lộn giữa Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội hay HĐND các cấp khi trở thành người đại diện lợi ích trung thành cho nhân dân thì hoàn toàn đúng. Tôi không thấy có điều gì áp đặt, hay cái gì sai với bản chất truyền thống, điều mà đã quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực, phức tạp và chúng ta không thể chọn những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, nhân cách, người mẫu mực đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân và không thể xứng đáng thành Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cho nên, phải nói rằng, trong nhiều năm tham gia bầu cử Quốc hội, tôi thấy càng ngày Quốc hội của chúng ta triển khai thực hiện bầu cử, công tác tổ chức hết sức bài bản, nghiêm túc, có nề nếp trật tự, đúng trình tự, kỷ cương. Những đại biểu được ứng cử hay bầu cử thực hiện rất tốt quyền công dân của mình và nhân dân tham gia bầu cử, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

PV: Chiêu thức lợi dụng tự ứng cử để tung hô cho các nhà dân chủ giả hiệu rõ ràng là không mới nhưng vẫn khiến cho một số đối tượng nhẹ dạ cả tin nhầm lẫn. Những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Điều này thì đã được quy định rõ ràng trong Luật phải không thưa ông?

PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiến định công dân đủ 18 tuổi có quyền đi bầu cử, 21 tuổi có quyền ứng cử. Đã là công dân, tức là những người không vi phạm vào Hiến pháp, pháp luật và họ có đủ quyền bầu cử. Nhưng ở đây, Đảng lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức để lựa chọn những người ưu tú nhất, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có tâm, có tầm, có trí tuệ để đại diện cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, xây dựng cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do ấm no, hạnh phúc. Điều đó là chính đáng.

Nhưng một số người nhân danh cấp tiến, dân chủ trong khi họ không thèm đếm xỉa đến các tiêu chí, tiêu chuẩn, phẩm chất về năng lực để ứng cử làm đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân.

Chính vì vậy, việc tung lên mạng rồi khích lệ, bỏ phiếu ảo, đề xuất những đại biểu phải cấp tiến, dân chủ ấy thực chất là gây rối, tạo hỏa mù, làm rối bận cho các cơ quan, tổ chức bầu cử. Khi không đạt được ý muốn qua các hội nghị hiệp thương, thì họ bắt đầu quay lưng trở cờ, nói xấu, vu cáo.

Chúng ta cũng không lạ gì các chiêu trò, các luận điệu sai trái, lệch lạc. Bởi vì nó không phải bây giờ mới có mà nó được tua đi lặp lại nhiều lần rồi. Đặc biệt trên không gian mạng và các thông tin truyền miệng gây rối loạn bầu không khí trật tự xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, với tất cả những gì thực hiện bài bản, đúng tiêu chuẩn, bố trí đúng thành phần, đúng cơ cấu thì Quốc hội và HĐND thật sự có chất lượng và bầu được những đại biểu trung thành với lợi ích của nhân dân và toàn thể dân tộc

PV: Theo ông, để hạn chế những luận điệu tiêu cực của những phần tử chống đối công tác bầu cử của toàn dân thì công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử cần phải có những thay đổi như thế nào?

PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Trước hết phải làm cho toàn thể nhân dân, các cử tri hiểu rõ Luật bầu cử  đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, phải cho dân biết rằng luật đấy tính ưu việt như thế nào, có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều và trong đó điều nào gắn với quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân để họ thực hiện tốt.

Thứ hai là cũng phải tuyên truyền để cho nhân dân hiểu rõ Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử. Các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải làm rõ điều này.

Điều thứ ba cũng cần phải tuyên truyền cho rõ Nghị quyết 1185 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nghị quyết này quy định rõ thành phần, cơ cấu, số lượng chất lượng, trong đó có quy định từ 5 đến 10 % đại biểu Quốc hội là đại biểu không phải đảng viên và những người ấy thì phẩm chất, đạo đức, phân bố như thế nào. Những phần tử cơ hội, bất mãn, chống đối sẽ không có đất diễn nếu người dân hiểu được tính dân chủ của cuộc bầu cử.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS Nguyễn Bá Dương.

PV/VOV1

Đọc nhiều