Phân làn xe Tân Sơn Nhất: Như lùa cá vào rọ
Với một quyết định tăng giá trông giữ xe, từ chỗ thua lỗ nặng nề, lợi nhuận của nhà xe Tân Sơn Nhất năm 2019 đã tăng tới 508%. Và giờ, đến quyết định điều chỉnh làn, lùa hết xe công nghệ “lên giời” và “vào rọ”.
“Lên giời” là cách nói của tài xế xe công nghệ sau khi sân bay Tân Sơn Nhất phân làn từ hôm 14.11. Theo đó, làn A dành cho xe trả khách. Làn B và C dành cho phương tiện đón khách (trừ taxi, xe kinh doanh vận tải). Xe taxi, xe kinh doanh vận tải chỉ được đón trả khách Làn D, nằm trong nhà xe của Công ty CP Đầu tư TCP. Riêng xe công nghệ chỉ được đón khách ở tầng 3-5 của nhà xe và chịu phí ra vào nhà xe theo quy định.
Với quy định này, dù chỉ là đón khách vài phút, các xe, đặc biệt là xe công nghệ không chỉ phải “lên giời” mà còn bị “lùa vào rọ”.
“Cái rọ”, nhiều tài xế nói thẳng- chính là cái nhà xe của TCP.
2 phóng viên Zing hôm qua đã bị bảo vệ của TCP giữ gần 2 giờ đồng hồ khi quay phim, chụp ảnh phản ánh cảnh khách hàng lễ mễ ôm vác tư trang hành lý lên tầng 3, tầng 4, thậm chí tầng 5 để đón xe công nghệ.
TCP, chủ đầu tư của nhà xe Tân Sơn Nhất- báo lỗ suốt trong năm 2017. Cuối 2017, với quyết định tăng giá trông giữ xe và điều chỉnh thời gian gửi, nhà xe TCP đã lãi với lợi nhuận 4,8 tỉ đồng. Từ 1.1. 2019, khi giá giữ xe tiếp tục tăng theo hướng bậc thang, lợi nhuận của nhà xe TCP 2019 đã tăng tới 508%.
Và với quyết định phân làn như thể “lùa cá vào rọ” hôm 14.11, có một điều có thể chắc chắn, lợi nhuận nhà xe TCP sẽ tiếp tục tăng vọt.
Đây có phải là động cơ thật sự của việc phân làn?
Vị thế độc quyền của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được nói đến như một sự vô lý suốt bao năm qua.
Vô lý, bởi một “doanh nghiệp kỳ lạ” được giao quyền khai thác độc quyền 21 cảng hàng không.
“Trên thế giới không có nhà phát triển sân bay nào lại không làm khu bay như ACV”- TS Lương Hoài Nam từng nói thẳng. Và thứ cơ chế cho phép họ “khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền” biến ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận với tỉ suất lợi nhuận tới 40-45%, trong tương quan so sánh Vietnam Airlines tỉ suất lợi nhuận chỉ 2-3%, Vietjet Air tỉ suất lợi nhuận cũng chỉ 7-8%.
ACV được đặt barie thu tiền, trong khi hạ tầng, đường sá do nhà nước đầu tư bằng tiền túi dân.
Khi sân bay xuống cấp, dù ACV độc quyền khai thác dịch vụ sân bay, nhưng tiền bỏ ra sửa lại là tiền Nhà nước, bằng thuế dân.
Và giờ, lập nhà xe cổ phần với TCP rồi phân làn để lùa vào rọ.
Nếu nói Tân Sơn Nhất là một thứ lãnh địa của ACV thì họ đang không chỉ đặt ra “luật” mà hôm qua, với việc giữ những người làm báo suốt 2 tiếng đồng hồ, họ còn đang vượt mặt cả công an, chính quyền trong một thứ hành xử vô luật.
(Theo LDO)