8
category
383565

Phạm Đoan Trang “ăn cây táo, rào cây sung”

Bảo An 13/04/2020 01:11

Sự thương cảm là điều đáng trân quý. Ấy vậy nhưng Phạm Đoan Trang và nhiều nhà “dân chủ” mạng lại đang lợi dụng sự thương cảm để nắn dòng dư luận, một hành động vô lương tâm, không thể chấp nhận được.

Hình ảnh Phạm Đoan Trang xuyên tạc thông tin, nắn dòng dư luận

Phạm Đoan Trang là một trong những đối tượng lão luyện trong giới dân chủ. Với xuất phát điểm là một phóng viên, việc “múa bút” với Trang là điều không hề khó. Trong quá trình chống phá của mình, Phạm Đoan Trang đã xuất bản nhiều sách, báo có nội dung tuyên truyền các quan điểm sai lệch, xuyên tạc tình hình thực tế của đất nước và hướng dẫn các đối tượng “dân chủ” trong nước hoạt động chống phá.

Bắt theo xu hướng Covid – 19, gần đây Phạm Đoan Trang đã tung ra bài viết với tiêu đề “Chết đói trong thể kỷ 21”. Nội dung bài viết điểm danh những gương mặt “yếu thế” trong xã hội và những khó khăn mà họ gặp phải trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid – 19. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bài viết chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề và đưa ra giải pháp, phương hướng giải quyết những khó khăn cho nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhưng với tư tưởng “cầm đèn chạy trước ô tô” và ý thức thù hằn chế độ nhà nước, Phạm Đoan Trang đã lồng ghép nhiều nội dung, thông tin tiêu cực, xuyên tạc tình hình thực tế, bôi nhọ hình ảnh đất nước.

Những thông tin nắn dòng dư luận nguy hiểm!

Nói về dịch Covid – 19, có thể khẳng định không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả mà nó đưa ra: sức khoẻ con người bị đe doạ, kinh tế bị đình trệ, an sinh xã hội bị rối loạn v.v…

Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo hết sức quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Trên thực tế, rất nhiều người đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt, nhóm người yếu thế trong xã hội đang phải đối diện với  gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền. Nhận thức được điều này, Chính phủ đã xây dựng các phương án để hỗ trợ người dân, bảo đảm tất cả mọi người đều được chăm sóc trong thời kỳ dịch bệnh.

Thực tế là vậy, ấy nhưng lạ kỳ thay, qua ngòi bút của Phạm Đoan Trang, xã hội Việt Nam bây giờ trở nên bết bát đến khó tin. Quay lại với bài viết “Chết đói trong thế kỷ 21” được Phạm Đoan Trang đăng tải, bắt đầu từ việc điểm danh một vài hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, Phạm Đoan Trang đã nắn dòng, đánh lái dư luận. Y đưa ra luận điểm “Người nghèo. Dường như có cả một tầng lớp đông đảo đang sống cùng chúng ta trong xã hội, nhưng hoàn toàn nằm ngoài thế giới của chúng ta”. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người không cao. Tuy nhiên, nếu nói Việt Nam có một tầng lớp đông đảo người nghèo thì không thể chấp nhận được. Theo thống kê năm 2019 được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đưa ra, tỷ lệ người nghèo ở nước ta chỉ chiếm dưới 4%. Nhìn vào thực tiễn đời sống, chúng ta cũng có thể thấy người Việt Nam không hề “nghèo” như những gì Phạm Đoan Trang hay các nhà “dân chủ mạng” rêu rao.

Không dừng lại ở việc xuyên tạc thực tế đời sống, Phạm Đoan Trang còn trắng trợn xuyên tạc bản chất đất nước bằng những ngôn từ đầy ẩn ý: “…với dân Việt Nam, luôn có một tỷ lệ “nghèo bền vững”, một khả năng rất cao “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Không tồn tại “giấc mơ Việt Nam” như “giấc mơ Mỹ”, tức là không phải cứ chăm chỉ lao động, nhiệt tình và có trách nhiệm, là thay đổi được phận nghèo”. Đi liền với đó, Phạm Đoan Trang không quên ca ngợi xã hội tư bản phương Tây: “Đúng là ở Mỹ, Canada, Úc, hay châu Âu, đâu cũng có người nghèo, sống dưới đáy xã hội. Nhưng mức nghèo của họ hẳn là khá giả hơn mức nghèo ở Việt Nam”.

Cuối cùng, cái “đuôi cáo” cũng được Phạm Đoan Trang thể hiện. Đằng sau những lời thương xót cho dân tình Việt Nam là sự thù hằn với dân tộc, là sự sùng bái lối sống và xã hội tư bản. Vậy nhưng lạ lùng thay, nếu xã hội tư bản tốt đẹp như vậy, tại sao Phạm Đoan Trang và những nhà “dân chủ mạng” lại không “dứt áo ra đi” mà cố bám víu, ăn nằm tại Việt Nam? Một người “ăn cây táo, rào cây sung” như Phạm Đoan Trang quả thực quá hài hước và nực cười khi giảng chuyện đạo đức.

Việt Nam: niềm tự hào của những người dân chân chính!

Những khó khăn mà nhóm người yếu thế trong xã hội phải đối mặt trong mùa dịch bệnh Covid-19 là thực tế không thể phủ nhận. Vậy nhưng rõ ràng Đảng, Nhà nước Việt Nam đang có những giải pháp rất toàn diện để đạt được mục tiêu đánh thắng dịch Covid-19, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Xin nhớ, ngay từ đầu, chúng ta đã lựa chọn con đường chấp nhận hy sinh phát triển kinh tế để bảo vệ an toàn cho người dân.

Việt Nam không giàu có như Mỹ, Canada, Úc, hay châu Âu – xứ sở “thiên đường” mà Phạm Đoan Trang và các nhà dân chủ mạng vẫn luôn ca ngợi, tô hồng. Vậy nhưng ngay trong những ngày dịch bệnh đang diễn ra, chúng ta có thể thấy những khía cạnh đầy nhân văn của xã hội Việt Nam: toàn bộ người bệnh được chăm sóc y tế miễn phí, người dân trong diện có khả năng lây nhiễm bệnh được cách ly và chăm sóc sức khoẻ đầy đủ, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho những người yếu thế và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh v.v… Trong khi đó, tại xứ sở “thiên đường” như Mỹ, Châu Âu, người dân muốn được chăm sóc sức khoẻ phải có tiền, nhiều người mắc bệnh Covid-19 phải tự cách ly và chăm sóc bản thân ở nhà trong vô vọng mà không hề có sự hiện diện của y tế; thay vì chăm sóc sức khoẻ cho tất cả những người mắc bệnh, người ta phải lựa chọn bệnh nhân để chữa trị v.v… Phải chăng, đó là những giá trị “nhân quyền”, những sự ưu việt trong phúc lợi xã hội mà Phạm Đoan Trang vẫn hằng mơ ước.

Bất kỳ xã hội nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế. Vì vậy, thay vì lên mặt dạy đời, thổi phồng các giá trị của xã hội tư bản; xuyên tạc, hạ bệ chế độ xã hội của Việt Nam, thiết nghĩ Phạm Đoan Trang và những anh hùng bàn phím nên tự nhìn lại để biết mình ở đâu, được đất nước nào nuôi nấng và bảo hộ; và nếu cuộc sống ở Việt Nam khó khăn quá, xin mời Trang hãy đến Mỹ, Châu Âu để nhập tịch, đừng hành xử theo kiểu “ăn cây táo, rào cây sung”!

Bảo An

Đọc nhiều