2
category
648801

PHẢI TRUY TẬN CÙNG NƠI HỢP THỨC HÓA CÁI GIẢ

Thu An 20/05/2025 11:28

Khi sản phẩm giả có thể vào tận bếp, tủ thuốc, bàn mổ – thì niềm tin người tiêu dùng đã không chỉ bị lừa dối, mà còn bị bỏ rơi.

Từ trái qua: Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu.

Không có gì nguy hiểm hơn khi người dân dùng thực phẩm chức năng giả, sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả với niềm tin rằng đó là hàng thật – được cấp phép, chứng nhận và giám sát bởi những con dấu đỏ của cơ quan chức năng. Bởi lúc ấy, niềm tin đã trở thành nạn nhân của một hệ thống kiểm soát bị thủng, và đạo đức công vụ đã bị đem ra mặc cả.

Mới đây, vụ phát hiện hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội không chỉ khiến dư luận rúng động bởi quy mô – mà còn bởi tính chất: một đường dây sản xuất – phân phối – tiêu thụ bài bản, được hợp pháp hóa bằng các giấy phép hợp lệ, có dấu xác nhận của cơ quan nhà nước, có KOLs tiếp thị, có nền tảng vận chuyển toàn quốc. Thậm chí, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế – người đại diện cho tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý của ngành y – bị cáo buộc liên quan trực tiếp đến việc “hợp pháp hóa” hàng giả.

Sản xuất lén lút là một chuyện. Nhưng khi cái giả lại được tiếp tay bằng chữ ký thật, con dấu thật, thì không thể nói đó là lỗ hổng vô tình. Đó là sự tiếp tay có chủ đích, là sự rút lui của trách nhiệm, sự đổ vỡ từ bên trong bộ máy giám sát.

Luật pháp hiện hành đã phân công rõ trách nhiệm: Bộ Y tế chịu trách nhiệm cao nhất về việc cấp phép, hậu kiểm thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm. Nhưng trong thực tế, chính sách hậu kiểm của ngành này lại bị thả nổi. Tỷ lệ kiểm tra chất lượng sau cấp phép chỉ chiếm chưa đến 5% số lượng sản phẩm lưu thông. Việc quản lý giấy công bố sản phẩm chủ yếu dựa vào “tự khai báo” của doanh nghiệp – tạo ra cơ chế mà ở đó, giấy phép trở thành món hàng có thể mua bán, thay vì một hàng rào đạo đức tối thiểu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý Thị trường – vốn là lực lượng tuyến đầu chống hàng giả – lại không có thẩm quyền kiểm định chất lượng sản phẩm. Họ chỉ được quyền tịch thu nhãn mác, chứ không thể khẳng định một sản phẩm là thật hay giả nếu không có sự phối hợp từ… chính Bộ Y tế. Còn Bộ Công an chỉ có thể điều tra sau khi hậu quả xảy ra. Tổng cục Hải quan chỉ kiểm soát được hàng nhập khẩu, còn hàng giả sản xuất trong nước lại nằm ngoài tầm với.

Một hệ thống với nhiều cơ quan cùng được phân quyền, nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm đến cùng. Kết quả là: hàng giả đi xuyên tuyến, từ sản xuất đến tiêu dùng, qua đủ lớp thủ tục, dấu đỏ – như thể được hộ tống bởi chính hệ thống lẽ ra phải ngăn chặn nó.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nêu đích danh vấn đề này trong một phát biểu gần đây: “Buôn lậu, hàng giả cả trăm tấn, mà chính quyền không biết? Chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc đã bị mua chuộc rồi.”

Cục ATTP đề nghị thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả

Đó không phải là lời kết tội – mà là hồi chuông cảnh tỉnh. Khi một cựu Cục trưởng ngành y bị bắt vì tiếp tay cho hàng giả, thì điều dư luận mong đợi không phải chỉ là xử lý một cá nhân – mà là kiểm điểm lại toàn bộ bộ máy đã trao quyền cho người đó. Nếu không làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, nếu không cải tổ mạnh mẽ cơ chế cấp phép – giám sát – hậu kiểm, thì sẽ tiếp tục có “cán bộ mới” lặp lại hành vi cũ, và cái giả sẽ tiếp tục tấn công lòng tin thật.

Chống hàng giả không thể chỉ là chiến dịch ngắn hạn. Không thể chỉ xử lý những kẻ sản xuất, quảng bá, bán hàng – mà phải truy đến tận nơi đã hợp thức hóa cái giả. Chữ ký công quyền không thể là lá chắn cho đạo đức giả. Nếu một cán bộ có thể biến con dấu thành món hàng giao dịch, thì cả hệ thống cần nhìn lại: đã để lọt lưới, hay đã bị mua chuộc?

Thu An

Tags :
Đọc nhiều