Phải trừng trị tội ác ăn chặn tiền bệnh nhân!

04/09/2020 06:52

Sau khi “thổi giá” thiết bị y tế lên hàng chục tỉ đồng rồi đưa vào sử dụng, Công ty CP Công nghệ y tế BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền mỗi lần điều trị cao gấp 5 lần số họ phải trả!

Thiết bị y tế là những công cụ y khoa rất quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Y học càng hiện đại thì càng có nhiều thiết bị y tế chất lượng cao, tinh vi và giá cũng rất cao. Lợi dụng tính chất đó, một số cán bộ và các đơn vị liên kết “xã hội hóa y tế” đã “thổi giá” thiết bị lên rất cao để ăn chặn tiền bệnh nhân – những người phải chi trả khi dùng các thiết bị này.

NÓI THẲNG: Phải trừng trị tội ác ăn chặn tiền bệnh nhân! - Ảnh 1.
Robot Rosa dùng trong phẫu thuật thần kinh, được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 1-3-2017 bằng hình thức liên kết, “xã hội hóa y tế” – Ảnh: website Bệnh viện Bạch Mai

Chỉ tính trong thời gian gần đây, đã có 2 vụ nâng giá thiết bị y tế phải vướng vào vòng lao lý và cũng từ đó cho thấy những lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý.

Vụ thứ nhất là vụ mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR cho công tác phòng chống Covid-19. Khi nhập về Việt Nam, máy chỉ có giá 2,3 tỉ đồng nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội mua vào tới 7 tỉ đồng – chênh gần 5 tỉ.

Vụ này diễn ra khi cả nước đang dồn hết tài lực chống dịch Covid-19 nên gây phẫn nộ trong dư luận. Vụ việc cũng đã làm ít nhất 9 cán bộ và những kẻ liên quan bị bắt tạm giam, trong đó có PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội. Ngoài CDC Hà Nội, một số địa phương cũng mua máy PCR với giá trên trời nhưng sau đó “chạy tội” bằng chiêu “mượn máy chạy thử”, chưa mua… đang bị các cơ quan chức năng điều tra.

Vụ thứ hai được đánh giá còn nghiêm trọng hơn nhiều: Đó là vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hai lãnh đạo Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) bị xác định có hành vi nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai nhằm ăn chặn tiền chữa bệnh của bệnh nhân một cách vô nhân đạo đã bị bắt tạm giam.

Theo đó, giai đoạn 2016-2017, BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương “xã hội hóa y tế” nhưng lãnh đạo công ty đã câu kết với những người khác nâng khống giá trị một số thiết bị để trục lợi. Tháng 3-2017, Bệnh viện Bạch Mai đưa vào sử dụng hệ thống robot trong phẫu thuật khớp là robot Mako và phẫu thuật thần kinh là robot Rosa.

Kết quả điều tra ban đầu xác định chỉ riêng robot Rosa đã được Công ty BMS “thổi giá” lên gấp nhiều lần giá trị thực. Đây là thiết bị sử dụng trong phẫu thuật sọ não, do Pháp sản xuất. Thiết bị này sau khi nhập về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỉ đồng nhưng bị “thổi” lên thành 39 tỉ đồng – gấp gần 4 lần. Sau khi “thổi giá” robot Rosa rồi đưa vào sử dụng, BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền mỗi lần điều trị cao gấp 5 lần số tiền họ phải trả. Đây là hành vi tội ác, ăn tiền trên đầu bệnh nhân!

Một câu hỏi đặt ra: Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai có biết Công ty BMS “thổi giá” thiết bị hay không? Đó cũng là câu hỏi mà cơ quan điều tra đang tìm câu trả lời.

Giống như chuyện “thổi giá” hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR – không chỉ xảy ra ở CDC Hà Nội, chuyện “thổi giá” các thiết bị y tế “xã hội hóa” cũng không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai. Núp dưới chiêu bài “xã hội hóa y tế”, tình trạng nâng khống lên nhiều lần các loại thiết bị đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại các cơ sở khám chữa bệnh khác đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

NÓI THẲNG: Phải trừng trị tội ác ăn chặn tiền bệnh nhân! - Ảnh 2.
Hệ thống robot Mako dùng trong phẫu thuật khớp tại Bệnh viện Bạch Mai, đưa vào sử dụng cùng thời điểm với robot Rosa – Ảnh: website Bệnh viện Bạch Mai

Qua hai vụ án này cho thấy hai điều:

Một là, có hay không việc buông lỏng thẩm định giá các loại thiết bị y tế lâu nay, để các cơ sở khám chữa bệnh tự xác định giá trên trời, rồi “móc túi” bệnh nhân?

Hai là, hình thức “xã hội hóa y tế” sau thời gian dài phát huy tác dụng, nay tỏ ra quá bất cập để không ít nhà đầu tư liên kết “ăn chặn” bệnh nhân; trong khi một số bệnh viện và một bộ phận bác sĩ thì ép bệnh nhân sử dụng “kỹ thuật cao”, “máy xã hội hóa” rồi tha hồ móc túi họ. Mô hình này cũng đã lạc hậu, bởi nhà nước giờ đã đủ tiền để tự đầu tư, trang bị cho các cơ sở khám chữa bệnh; có hệ thống bảo hiểm y tế đủ mạnh để trả cho các loại dịch vụ kỹ thuật cao mà không cần phải liên danh liên kết với tư nhân.

Ăn chặn, móc túi bệnh nhân công khai là tội ác. Tội ác đó phải bị trừng trị thích đáng!

Lưu Nhi Dũ/VNN

Tags :
Đọc nhiều