Phải chăng người lính chiến Lê Mã Lương năm xưa đang thay đổi ?
Ngày 08/10/2019, trên mạng chia sẻ Youtube có phát tán nội dung được cho là “Tọa đàm khoa học về vùng biển Bãi Tư chính và luật pháp Quốc tế”; trong đó, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã có những phát ngôn gây xôn xao dư luận.
Theo đó, tại Hội thảo về Bãi Tư Chính hôm 6/10/2019, Thiếu tướng Lê Mã Lương bất ngờ nhận xét về 2 vị Đại tướng cao cấp trong Quân đội Việt Nam là Lương Cường và Ngô Xuân Lịch. Ông Lương cao hứng:
“Về các tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, từ lớp Đại tướng trở xuống đều không biết chiến tranh là gì, chứ đừng nói cầm súng, như đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vậy. Còn về Đại tướng Ngô Xuân Lịch thì là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam lại có một Bộ trưởng Quốc phòng không đọc được bản đồ, không cầm nổi bản đồ đi thực địa”.
Ông Lê Mã Lương chê bai từ Đại tướng Bộ trưởng, Chủ nhiệm TCCT và các tướng lĩnh quân đội trở xuống đều dốt, kém, thậm chí còn chê Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “không biết đọc bản đồ”, “không ra thực địa”.
Tôi rất ngưỡng mộ tướng Lương ở những gì ông đã đóng góp cho công cuộc giành độc lập cho nước nhà, như về vấn đề này xin mạo muội hỏi ông vài điều như sau:
Như chúng ta biết, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đi từ chiến sĩ lên. Ông Lịch nhập ngũ vào giai đoạn Chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt nhất. Từ tháng 01/1972 đến 7/1973, ông lịch là chiến sĩ, Tiểu đội phó, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 320. Từ tháng 8/1973 đến 10/1974 ông Lịch là Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341 (còn gọi là Đoàn Sông Lam) Quân khu 4 thành lập tại Nghệ An. Ngay sau đó, ông cùng đơn vị tham chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chỉ tính giai đoạn từ Tháng 11/1974 đến 10/1978, ông đã là Trung úy, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341,tham chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó là ông Lịch tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam. Vị trí này mà không biết đọc bản đồ tác chiến sao thưa Tướng Lê Mã Lương?
Còn về Đại tướng Lương Cường, ông nhập ngũ năm 1975, rồi tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, chống quân Trung Quốc xâm lược suốt từ 1979 cho đến 1988 thảm khốc thế nào thì mọi người đều biết. Sau này tới năm 2002, ông giữ chức Cục phó Cục Cán bộ – Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vậy mà tướng Lê Mã Lương lại nói rằng 2 ông này 1 là “không biết gì về chiến tranh”, 1 là “không đọc được bản đồ, không cầm nổi bản đồ đi thực địa”.
Thưa tướng Lê Mã Lương, cỡ Trung đội trưởng mà không đọc được bản đồ thì vào chiến trường nướng bao nhiêu quân ?, Ủy viên Đảng ủy Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, Quân khu 4, ở vị trí này mà không biết đọc bản đồ tác chiến sao tướng Lương ?
Những con người đã kinh qua, trải nghiệm sự gian khổ của chiến tranh, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội và phấn đấu, nỗ lực để chứng minh khả năng của mình, được lựa chọn để gánh vác trọng trách thì ông Lương không thể tùy tiện phán xét. Có thể trong chiến tranh lúc ấy những chiến công của tướng Ngô Xuân Lịch và tướng Lương Cường không nổi tiếng và hào hùng bằng những chiến công của tướng Lê Mã Lương. Nhưng bất kể ai đã cầm súng vào sinh ra tử, nếm mùi thuốc súng, máu và nước mắt đều đáng được tôn vinh và trân trọng.
Người đời thường hay nói “khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ, tự kiêu một lúc cũng là thừa”; việc tướng Lê Mã Lương chê bai các tướng khác trước một diễn đàn như thế là không nên, rất dễ làm cho dư luận hiểu lầm, hiểu sai về các tướng lĩnh. Với lại việc quân cơ cốt ở bí mật, chuyện Bộ trưởng đi thực địa hay xem xét quân tình hiện nay…thì chắc chắn tướng Lương đã nghỉ hưu không phải là người có trách nhiệm để được biết.
Cổ nhân dạy “Tướng soái ngồi trong màn trướng mà quyết thắng ngoài trăm dặm”, khi chiến tranh xảy ra thì hào khí Việt Nam mới bọc lộ, mới là lúc cần dụng võ chứ không cần khoe khoang; giống như bông lúa chắc hạt luôn lặng lẽ cúi mình.
Nhớ lại thời chống Mỹ, thanh niên Việt Nam đã từng ngưỡng mộ một thanh niên có tên Lê Mã Lương, coi như thần tượng, bởi câu nói nổi tiếng, để đời: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Noi gương người thanh niên ưu tú Lê Mã Lương thủa ấy, có biết bao thanh niên của nước Việt nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, đã hăng hái lên đường “Tòng quân giết giặc”. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho đất nước, góp cả máu xương để giải phóng dân tộc và thống nhất giang sơn.
Có thể nói, Lê Mã Lương là tấm gương sáng của anh Giải phóng quân, là biểu tượng huyền thoại của niềm tin chiến thắng. Lý tưởng cao đẹp của các Anh là: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!”.
Nhưng buồn thay, hình ảnh anh hùng Lê Mã Lương đã bị vẩn đục, khi thời gian gần đây ông luôn có những phát ngôn thiếu cẩn trọng, gây sốc. Tướng Lê Mã Lương thường xuất hiện với những tấm hình chụp chung với những người đã từng có những hoạt động chống phá nhà nước, nhẵn mặt trong các buổi tưởng niệm trá hình tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và Tượng Đài Cảm tử quân, TP. Hà Nội để chống phá nhà nước mà biết bao người đang phụng sự đã từng cống hiến tuổi xuân và cả máu xương để bảo vệ.
Thật đáng tiếc! Một vị Tướng đã một thời vang bóng, được người dân ngưỡng mộ và tôn vinh là Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông từng là người lính xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công xuất sắc và cũng đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường, nay lại có những hành động làm mất đi vẻ đẹp mà ông đã từng có.
Phải chăng người lính chiến Lê Mã Lương năm xưa đang thay đổi. Một ông tướng trận mạc đã thành tướng salon ?.
Cách đây ít lâu, trong một hội thảo, tướng Lê Mã Lương còn phát biểu với thông tin không biết ông thu thập ở đâu về sự kiện Trường Sa 1988 rằng “có một lãnh đạo cấp cao lệnh tuyệt đối không được nổ súng”. Ông Lương cũng nói rằng bộ đội ta chỉ có cuốc xẻng, đến khẩu B40 cũng không có.
Ai cũng biết là trận chiến Gạc ma 14/3/1988 là một sự kiện bi tráng, đau buồn, làm nhức nhối con tim người dân nước Việt, đất nước mất đảo, mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, dân tộc mất đi 64 chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, nỗi đau nay vẫn còn đang day dứt. Sao ông nỡ phát ngôn như thế? Ông căn cứ vào đâu mà khẳng định “có một lãnh đạo cấp cao lệnh tuyệt đối không được nổ súng” ?. Không lẽ vị lãnh đạo cấp cao mà ông nói đó đã ra lệnh như thế rồi báo cáo với ông ? Làm sao ông phát biểu thiếu căn cứ, trong khi những chứng nhân của lịch sử vẫn còn đó?
Ông có biết chính phát biểu của ông là cái cớ để các đối tượng tìm cách liệt kê, xâu chuỗi một số sự kiện trong chiến tranh biên giới Việt – Trung cũng như diễn biến tại Hoàng Sa, Trường Sa trong thế kỷ trước, rồi mượn lời của một số người lấy danh nghĩa “nghiên cứu lịch sử”, từ đó cải sửa, đưa đẩy vấn đề sai lệch bản chất rồi nhằm vào cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đó để đả kích, nguyền rủa?.
Vấn đề này rất nguy hiểm vì nếu người đọc thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức sẽ bị các đối tượng đẩy vấn đề từ sai lệch bản chất vụ việc ở Gạc Ma đến kích động quan điểm, tư tưởng thù hận dưới danh nghĩa “kêu gọi lòng tự tôn dân tộc, lòng xả thân vì Tổ quốc”.
Trong khi đó, những vấn đề này lại thường thu hút sự chú ý của dư luận. Khi một cuốn sách, một ấn phẩm xuất bản hay báo chí bị đình bản, thu hồi do liên quan đến nội dung lịch sử, nhiều người thường có tâm lý tò mò tìm hiểu thông tin, còn các thế lực lại lợi dụng tâm lý đó để tự tung tự tác.
Trong công nghệ số, với sức lan tỏa mạnh mẽ từ mạng xã hội, người dân rất dễ bị tiêm nhiễm thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng nguy hiểm như vậy. Do đó, mỗi cá nhân chúng ta, mỗi quân nhân và đặc biệt là những vị tướng của quân đội hay công an cần có những phát ngôn cẩn trọng và cụ thể, nêu cao ý thức cảnh giác cho mọi người là hết sức cần thiết. Tránh có những phát ngôn gây sốc, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, khiến đất nước thêm rối ren, mất tập trung trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nguyễn Anh