130115
topics
533277

Phải chăng cả xã hội lao đao vì dịch bệnh mới ‘hợp tình và có cơ sở pháp lý’?

Bảo An 17/07/2021 12:13

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thay vì chung tay vì cộng đồng cùng phòng, chống dịch, nhiều đối tượng “dân chủ” lại cố tình lợi dụng tình hình để tiến hành chống phá. Núp dưới cái bóng “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, một số đối tượng đã cố tình xuyên tạc lệnh giãn cách xã hội tại một số địa phương và xử phạt vi phạm hành chính đối với người dân không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.  Như vừa qua, trang mạng RFA đã liên tục đưa ra các thông tin sai trái nhằm gây hoang mang dư luận liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam. 

Theo đó, RFA tung ra một số luận điệu như “việc xử phạt người dân là lạm quyền và sai luật”, “ đang lúc dịch bệnh, kinh tế khó khăn nhưng chính quyền lại phạt dân với số tiền lớn chỉ vì muốn đi ra ngoài, là vô nhân đạo”, “việc sử dụng Chỉ thị 16 và các chỉ thị như 15 và 19 để giới hạn các quyền tự do của người dân đã bị giới luật sư và luật gia chỉ trích là vi phạm hiến pháp, vì chỉ thị của thủ tướng chính phủ là văn bản nội bộ dành cho cơ quan Nhà nước, không hề có tính pháp lý nên không thể được sử dụng để áp đặt lên người dân”…

Trước hết, cần nhấn mạnh việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương hiện nay là hoàn toàn cần thiết, không trái các quy định của pháp luật. Nói thẳng, những thứ “dân chủ tào lao” mà các “mõ làng” đang cố tình đòi hỏi chẳng thể nào giúp chúng ta phòng, chống dịch bệnh. Trong khi các đối tượng đòi tự do đi lại, vu khống việc giãn cách xã hội là “vi hiến” thì ngoài kia, các lực lượng chức năng vẫn phải căng mình để phòng, chống dịch. Việc tiến hành giãn cách xã hội là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu không tiến hành giãn cách xã hội, không gia tăng các biện pháp phòng, chống dịch, nếu chỉ chạy theo những giá trị “tự do nửa mùa” thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng. Khi đó, cái giá phải trả sẽ chính là sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của người dân. Liệu chúng ta sẽ lựa chọn sức khoẻ, sự sống hay chỉ lựa chọn việc được đi lại vô tội vạ mà bỏ qua mọi nguy cơ dịch bệnh?

Mặt khác, cần nhấn mạnh rằng chính quyền không cấm người dân đi lại: Trong những trường hợp thiết yếu, người dân vẫn được di chuyển. Nhưng hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần sự chung tay của cả cộng đồng để phòng, chống dịch. Mỗi người chỉ cần hạn chế cái tôi cá nhân một chút, hạn chế những ham muốn không thực sự cần thiết một chút thì cả xã hội sẽ được an toàn, đất nước sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch và quay lại với trạng thái bình thường.

Với luận điệu “việc xử phạt người dân là lạm quyền và sai luật”, “ đang lúc dịch bệnh, kinh tế khó khăn nhưng chính quyền lại phạt dân với số tiền lớn chỉ vì muốn đi ra ngoài, là vô nhân đạo”, đây tiếp tục là việc “gắp lửa bỏ tay người”. Trước khi áp dụng biện pháp cách ly xã hội, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền rộng rãi về quyền và nghĩa vụ của người dân. Đồng thời, chính quyền cũng nêu rõ sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với những người không chấp hành quy định của pháp luật. Cần lưu ý rằng việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến dịch bệnh chủ yếu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, các vi phạm mà người dân dễ mắc phải là: không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định 117), không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng (điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định 117)… Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định, không phải “lạm quyền”, “sai luật”, và càng không phải là “phạt theo Chỉ thị 16” như những lời rêu rao ngô nghê thiếu hiểu biết của RFA.

Đồng thời, phải nhấn mạnh, việc xử phạt vi phạm hành chính cũng là một cách để bảo vệ người dân. Pháp luật đã dược công khai, việc vi phạm và bị xử phạt nguyên nhân chính là do người vi phạm cố tình không chấp hành, biết sai nhưng vẫn thực hiện, biết sẽ bị xử phạt nhưng cũng không đoái hoài. Nếu chúng ta không có các biện pháp cưỡng chế, răn đe mạnh với những người vi phạm thì những người vi phạm sẽ ngang nhiên coi thường pháp luật. Điều này dẫn đến việc người vi phạm “nhờn luật”. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Trên mạng xã hội đang chia sẻ một thông điệp vô cùng chính xác là “một người lơ là, cả nhà cách ly; một người coi thường, cả phường vất vả; một người dương tính, cả tỉnh theo dõi”.

Trong thời gian giãn cách xã hội, chắc chắn nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt và đời sống sẽ diễn ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hi sinh, không chấp nhận một số khó khăn trước mắt thì cái giá phải trả sẽ chính là tính mạng, sức khoẻ của cộng đồng. Hãy nhìn vào những gì Ấn Độ đang trải qua để thêm yêu, thêm trân trọng việc bản thân vẫn được sống bên gia đình và người thân.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều