PGS – TS Đào Duy Quát: Cần có ‘một bộ tư lệnh’ do Tổng bí thư đứng đầu về phát triển văn hóa

28/09/2020 20:00

Nếu thực sự muốn phát triển văn hóa, “phải có một bộ tư lệnh” do Tổng bí thư đứng đầu, theo PGS – TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.

PGS-TS Đào Duy Quát phát biểu tại hội nghị /// Ảnh Sơn Hà
PGS-TS Đào Duy Quát phát biểu tại hội nghị

15 năm, chỉ thể chế hóa được 10% Nghị quyết

Sáng 28.9, Thành ủy – UBND TP.Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “thành phố sáng tạo” của thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia trong nước và đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh yếu tố văn hóa với trầm tích hàng ngàn năm chính là vốn quý riêng có của Hà Nội, giúp định danh thủ đô không chỉ với các tỉnh, thành khác trong cả nước, mà còn với các thành phố khác trên thế giới.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào văn hóa chưa bao giờ tương xứng với vai trò của nó trong đời sống. Phát biểu tại hội thảo, PGS – TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết khi ông còn công tác ở Ban Tư tưởng – Văn hóa đã tham gia triển khai Nghị quyết T.Ư 5 về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, và tham gia Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết này năm 2015.

Nghị quyết T.Ư 5 là cương lĩnh về văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

“Sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo ra chuyển biến rất quan trọng cả về nhận thức và hành động. Nhưng tổng kết 15 năm, chúng tôi thấy một điểm rất rõ là nhận thức của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo quản lý về văn hóa của các cấp, cả về khái niệm, cả về vị trí vai trò của văn hóa, còn rất hạn chế. Về hành động, quan trọng nhất thể chế hóa nghị quyết thành luật, thành văn pháp quy, thành cơ chế chính sách để thực hiện, thì càng hạn chế. 15 năm thể chế hóa được có 10%”, PGS – TS Đào Duy Quát nói.

Cũng theo ông Quát, tại Đại hội XI, T.Ư Đảng lại ra một nghị quyết cực kỳ quan trọng là Nghị quyết 33 về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam để đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Việc triển khai nghị quyết này “có một bước tích cực”, nhưng tổng thể, “thành tựu của văn hóa không tương xứng với các thành tựu khác”. Đặc biệt, “chúng ta thấy có những biểu hiện xuống cấp, sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không phải chỉ có một số ít, mà của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân”, theo ông Quát.

Chính từ thực tế này, việc phát triển văn hóa càng phải được coi trọng.

“Khi đặt ra vấn đề nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo, thì thực ra ở đây có cả 2 nguồn lực, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người, để kết tinh tất cả các giá trị văn hóa vào con người. Nếu Hà Nội thực sự coi trọng phát triển nguồn lực văn hóa và con người, thì phải bắt tay thực hiện cho được Nghị quyết 33 cho đúng tầm của nó”, ông Quát khuyến nghị.

Theo lý giải của ông, nói đến văn hóa phải nói đến ít nhất 9 lĩnh vực: tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giáo dục – đào tạo; khoa học công nghệ; báo chí – xuất bản; di sản văn hóa; văn hóa tôn giáo; thể chế và thiết chế văn hóa; giao lưu văn hóa… Phải thực sự chăm lo đến việc phát triển cả 9 lĩnh vực trên, nên “phải có một bộ tư lệnh”.

“Nên khôi phục lại Ban Chỉ đạo T.Ư (về phát triển văn hóa), cũng như Ban Chỉ đạo Hà Nội, tư lệnh là Tổng bí thư, Bí thư. Nếu không, như Bác Hồ nói, văn hóa là ngang bằng, nhưng thực tế luôn ở cuối cùng, từ bố trí cán bộ đến đầu tư chính sách. Một chính sách rất quan trọng mà Chính phủ đã có nghị định là xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đến nay, ta vẫn làm rất chuệch choạc. Thế là thế nào? Nếu thực sự muốn đột phá vào văn hóa thì phải có một bộ tư lệnh trực tiếp chỉ đạo”, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nói.

Ông Quát cho biết, khi gặp Trưởng ban Tổ chức T.Ư, ông cũng có trao đổi về việc bố trí cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, bởi “nếu không quy hoạch thì cứ liên tục thay đổi, là cứ tân quan tân chính sách”…

“Quy hoạch phải gắn liền kinh tế với văn hóa”

Cần có 'một bộ tư lệnh' do Tổng bí thư đứng đầu về phát triển văn hóa - ảnh 1
GS – TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, văn hóa phải có yếu tố cưỡng bức Ảnh Sơn Hà

Cũng góp ý tại hội thảo, GS – TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cần lưu ý đến chức năng điều tiết của văn hóa. Văn hóa có khả năng tác động, điều chỉnh hành vi, nhận thức, chi phối giá trị của con người. Vì thế, cần phải nhận thức đúng đắn, cập nhật đầy đủ bản chất, ý nghĩa của văn hóa.

“Đôi khi vẫn có biểu hiện giữa xã hội, kinh tế, văn hóa là dấu gạch ngang. Gạch ngang, nhưng thực tế nó chỉ là kèm theo, giải trí”, ông Tấn nói. Theo ông Tấn, cần phải tiến tới hình thành các thiết chế, thể chế quy định về văn hóa, văn hóa phải đi liền, ngang hàng với kinh tế xã hội. Quy hoạch phải gắn liền kinh tế với văn hóa, có chính sách đảm bảo phát triển văn hóa.

GS Tấn cho rằng, hiện nay, người Hà Nội gốc đang ít đi. Hà Nội bây giờ nói bằng các thứ tiếng của 63 tỉnh thành, của 54 dân tộc anh em, chưa kể người nước ngoài. Đã đến lúc Hà Nội phải chuẩn bị nhận thức về giá trị chung cho người Hà Nội: thể hiện văn hóa chung của người Việt Nam, là kết tinh văn hóa Hà Nội gốc, cùng với giá trị cốt lõi của văn hóa từ nước ngoài.

Theo ông Tấn, trước hết phải phát triển, định hình giá trị con người. Muốn vậy, cần phải kết hợp giữa đầu tư, giáo dục, khuyến khích tự giác, đồng thời phải gắn với việc cưỡng chế, hình thành kỷ cương, kỷ luật…

“Như bên Singapore, nếu vứt một tàn thuốc ra đường phạt 50 đô. Trong khi Hà Nội thì người dân xả rác thoải mái mà không có phạt gì. Đã đến lúc phải định ra một cái định chế về văn hóa, tôi nghĩ rằng tuyệt đại đa số nhân dân sẽ ủng hộ”, ông Tấn nói.

Thứ hai, theo ông Tấn, cần phát triển cảnh quan của Hà Nội. Việc đập vào mắt đầu tiên với một người đến thành phố là cảnh quan. Cần phải thực sự đầu tư phát triển cảnh quan một cách nghiêm túc. “Tại sao Hà Nội không có một Khải Hoàn Môn? Việc này đã bàn từ dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà giờ chưa có. Tại sao không có cổng chào, biểu tượng ở 5 cửa ô? Tại sao có bao nhiêu danh nhân mà không có biểu tượng ở thành phố ở các ngã ba, ngã tư thành phố?”, ông Tấn đặt câu hỏi.

Ông Tấn lấy ví dụ, ngay cả vỉa ba toa ở phố Hàng Ngang – Hàng Đào, đại diện cho tuổi tác, cho lịch sử của Hà Nội đến nay đã bị thay thế. “Bây giờ còn dấu ấn gì thì phải có chiến lược tổng thể để gìn giữ, phát triển”, ông Tấn nói.

Vũ Hân/TN

Đọc nhiều