425
category
328182

Ông Vũ Trọng Lương và ông Nguyễn Thanh Hoài… rốt cuộc chỉ là tấm bia đỡ đạn?

10/10/2019 07:08

Nhìn ông Lương, ông Hoài được đưa từ xe ô tô xuống, tay bị còng, mặt luôn cúi gằm vẻ mệt mỏi. Trong khi, 3 bị can còn lại đến tòa với tâm thế hoàn toàn khác.

Theo dõi diễn biến vụ án tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang từ những ngày đầu, chúng tôi nhận thấy ông Vũ Trọng Lương và ông Nguyễn Thanh Hoài có rất nhiều điều đáng trách nhưng cũng thật đáng tội…

Bởi, suốt hơn một năm qua, với biết bao nhiêu sự kiện đã diễn ra ở Hà Giang trong quá trình điều tra, xử lý kỷ luật nhưng cuối cùng cũng chỉ có 2 người chịu thiệt thòi nhất là ông Lương và ông Hoài mà thôi.

Ông Vũ Trọng Lương và ông Nguyễn Thanh Hoài tại tòa (Ảnh: Trần Phương)

Vẫn biết, việc ông Vũ Trọng Lương và ông Nguyễn Thanh Hoài bị bắt giam là đúng người, đúng tội. Nhưng, còn những người khác thì sao? Chẳng lẽ chỉ có ông Lương, ông Hoài mà dám làm cái chuyện tày đình đó hay sao?

Qúa trình điều tra vụ án này đã thực sự làm sáng tỏ hay chưa, đã thực sự khiến cho dư luận tâm phục, khẩu phục hay chưa thì ai cũng đã có câu trả lời cho riêng mình.

Trong số 5 bị can bị truy tố nhưng chỉ có ông Vũ Trọng Lương và ông Nguyễn Thanh Hoài bị bắt và tạm giam ngay từ những ngày đầu phát hiện ra sự việc, 3 bị can còn lại thì được tại ngoại.

Ngày 18/9 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang mở phiên xét xử công khai vụ án này.

Các bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015;

Bị can Triệu Thị Chính bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Hình sự 2015;

Các bị can Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung bị truy tố về tội “Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.

Nhìn ông Lương, ông Hoài được đưa từ xe ô tô xuống, tay bị còng, mặt luôn cúi gằm vẻ mệt mỏi. Trong khi, 3 bị can còn lại đến tòa với một tâm thế hoàn toàn khác, thậm chí 2 bị can nữ vẫn được trang điểm nhẹ trên khuôn mặt…

Tự nhiên, chúng tôi cảm thấy xót xa cho ông Lương và ông Hoài. Chúng tôi xót xa không phải vì thương cảm gì mà xót xa cho thế thái nhân tình.

Nếu trót lọt thì có lẽ trong số hàng trăm phụ huynh có con được nâng điểm cũng chẳng mấy người biết, nhớ đến ông Lương, ông Hoài làm gì. Nhưng, khi bị phát hiện thì nhiều người đã trâng tráo đổ lỗi…

Phải chăng ông Lương và ông Hoài cả nể cho nên…mới ở tù?

Khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thông báo kết quả xử lý cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của địa phương này thì chúng ta thấy đa số phụ huynh là cán bộ, đảng viên.

Trong số họ, có nhiều người người là lãnh đạo cấp cao của địa phương thì thử hỏi ông Lương và ông Hoài có khả năng từ chối giúp đỡ con em những lãnh đạo của mình hay không? Bởi, trong số những phụ huynh có con được nâng điểm, chúng ta thấy có nhiều người đang đảm nhận vị trí lãnh đạo quá lớn tại địa phương như:

Bà Nguyễn Thị Lan Anh (Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh); bà Lại Thị Hương (Giám đốc Sở Tư pháp); ông Đỗ Tiến Dũng (Phó Giám đốc Công an tỉnh); ông Nguyễn Ngọc Châu (Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh);

Bà Chúng Thị Chiên (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh); bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vợ ông Triệu Tài Vinh);

Bà Vương Thị Hà (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang); ông Nguyễn Ngọc Linh (Chánh Thanh tra Công an tỉnh); ông Đinh Văn Tuy (Phó trưởng Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh)…

Chỉ cần nhìn qua chừng ấy cán bộ, đảng viên liên quan đến việc nâng điểm của con mình thì dư luận cũng ái ngại cho 2 cái chức quèn của ông Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và ông Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.

Có thể, việc trực tiếp sửa và nâng điểm cho những cán bộ chủ chốt của địa phương này thì ông Lương và ông Hoài cũng chỉ là việc làm “tình cảm” được chỉ đạo, nhờ vả gián tiếp từ một ai đó mà thôi.

Chính vì thế, với 2 cán bộ có cái chức nho nhỏ của Sở Giáo dục như ông Lương, ông Hoài làm sao dám nhận tiền của những phụ huynh là lãnh đạo của tỉnh Hà Giang? Hơn nữa, phụ huynh chắc cũng chẳng đời nào đưa tiền cho cái việc cỏn con này làm gì.

Việc ông Lương trực tiếp can thiệp điểm cho các thí sinh có một phần danh sách được bà Triệu Thị Chính, Phó Giám đốc Sở và ông Nguyễn Thanh Hoài đưa cho cũng là điều…phải làm.

Nhưng, cũng chính thì cấp trên như vậy nên có thêm nhiều phụ huynh khác cũng “nhờ cậy” ông Lương và ông Hoài nâng điểm cho con họ. Chính vì thế mới đến 309 bài thi của 107 thí sinh đã được nâng điểm.

Chính vì cả nể, tham lam nên dẫn đến việc ông Lương và ông Hoài bị bắt tạm giam và phải đứng trước vành móng ngựa. Giờ đây, sau hơn một năm bị giam giữ có lẽ 2 ông này cũng đủ thời gian để nghĩ suy về hành động phải trả giá của mình.

Những người mà mình đã khổ tâm để tìm kiếm số báo danh, hội đồng thi của thí sinh để giúp đỡ cho con họ thì bây giờ gần như họ phủ nhận sự việc. Những phụ huynh nhận hình thức kỷ luật cũng chỉ dừng lại ở mức khiển trách, có nhiều người chỉ bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thậm chí, có một số phụ huynh không bị kỷ luật cũng chẳng bị yêu cầu kiểm điểm bởi vì họ không biết chuyện con mình được nâng điểm, họ không tác động, nhờ vả và cơ quan chức năng cũng không tìm ra bằng chứng!

Thời gian mở lại phiên tòa xét xử công khai vụ án gian lận điểm ở Hà Giang được ấn định vào lúc 8h các ngày 14 – 15 – 16/10/2019 tới đây.

Hy vọng, ông Lương, ông Hoài sẽ khai ra những sự thật của sự việc. Nếu 2 ông cứ âm thầm gánh chịu toàn bộ trách nhiệm thì không chỉ tội càng nặng hơn, tiếng xấu càng nhiều hơn mà còn giúp cho nhiều người khác thoát tội, thoát án kỷ luật.

NGUYỄN CAO

(Theo Giáo Dục Việt Nam)

Đọc nhiều