Ông Trump không chịu rời nhiệm sở, Nhà Trắng xử trí ra sao?

21/12/2020 06:56

Cơ quan Mật vụ Mỹ đang đau đầu vì chưa có biện pháp nào hiệu quả trước khả năng ông Trump nhất quyết bám trụ lại Nhà Trắng, không chịu nhường ghế cho người kế nhiệm Joe Biden. 

Ông Trump không chịu rời nhiệm sở, Nhà Trắng xử trí ra sao?
Ông Trump không chịu rời nhiệm sở, Nhà Trắng xử trí ra sao?

Bất chấp việc đại cử tri các bang đã chính thức bỏ phiếu bầu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden làm tổng thống, đương kim Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn không có động thái thừa nhận chiến thắng này. Điều này làm dấy lên lo ngại ông Trump đến ngày ông Biden chính thức nhậm chức, tức ngày 20-1 năm sau, sẽ không chịu rời nhiệm sở để nhường ghế cho người kế nhiệm, buộc các cơ quan chức năng phải có biện pháp cưỡng chế.

Tiêu điểm

Theo hãng tin Reuters, hiện ông Trump đang trong trạng thái suy sụp tinh thần sau khi có kết quả đại cử tri hôm 14-12. ông không muốn nói gì về tương lai, về những ngày tháng xa hơn nữa sau khoảng thời gian còn lại của ông ở Nhà Trắng. Bất cứ đề nghị nào về việc ông nên bắt đầu phác thảo kế hoạch tái tranh cử tổng thống năm 2024 đều bị gạt đi.

Mật vụ Mỹ vào thế khó xử 

Mới đây, một nguồn tin nội bộ tiết lộ với đài CNN rằng ông Trump đã khẳng định riêng với một số nhân viên dưới quyền là sẽ nhất quyết không rời Nhà Trắng vào năm sau vì “không chấp nhận một tổng thống gian lận phiếu”. Nhà lãnh đạo này lúc đó cũng tỏ ra rất giận dữ và có thể có ý định ở lại thật.

Nếu ông Trump cố tình trụ lại Nhà Trắng, nhiều chuyên gia dự đoán nhiệm vụ cưỡng chế ông ra khỏi văn phòng sẽ do Cơ quan Mật vụ (USSS) thuộc Bộ An ninh nội địa (DHS) đảm nhận. Cơ quan này lâu nay có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đời lãnh đạo Mỹ.

Tuy nhiên, một vấn đề xuất hiện ở đây là USSS không chỉ bảo vệ cho tổng thống đang tại chức mà cả những cựu tổng thống nữa, do đó ông Trump sau khi hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục được USSS bảo vệ. Nếu cơ quan này phải viện tới biện pháp cưỡng chế để “mời” ông Trump khỏi Nhà Trắng thì hành động đó có tính là không làm trọn nhiệm vụ bảo vệ hay không. Theo cựu trợ lý Bộ trưởng An ninh nội địa thời chính quyền Barack Obama – ông Douglas Smith, việc đưa ông Trump rời khỏi Nhà Trắng thế nào hiện đang là chủ đề nóng trong một nhóm nhắn tin có các cựu quan chức USSS và DHS.

“Tôi chưa từng nghĩ tới tình huống này. Tuy nhiên, hiện tại đang có rất nhiều điều chưa từng có xảy ra và chúng ta phải chuẩn bị cho mọi kịch bản. Tôi chắc chắn chưa từng có ai tưởng tượng được ra kịch bản khó xử như vậy” – một cựu đặc vụ USSS giấu tên cho biết.

Ông Trump không chịu rời nhiệm sở, Nhà Trắng xử trí ra sao? - ảnh 1
Tổng thống Donald Trump đi dạo trong khuôn viên Nhà Trắng hôm 21-10.  Ảnh: AP

Theo trang tin Business Insider, các đặc vụ USSS được huấn luyện để ứng phó trước nhiều khả năng khác nhau như phải làm gì khi xảy ra tấn công trong lúc tổng thống đọc thông điệp liên bang với sự có mặt của các thành viên nội các trong tòa nhà Quốc hội hay khi có khủng bố tấn công và đánh chiếm Nhà Trắng. Tuy nhiên, việc một tổng thống mãn nhiệm cố thủ trong Nhà Trắng lại hoàn toàn là “vùng xám” chưa từng được đề cập đến.

“Chúng tôi ở đây không phải để đuổi người, chúng tôi ở đó để bảo vệ. Tôi chưa từng thấy mật vụ nào tới Nhà Trắng rồi gõ văn phòng của tổng thống và nói rằng: ‘Thưa ngài đã đến lúc phải đi rồi. Giờ trả phòng là 11 giờ’”, một đặc vụ USSS từng tham gia vào các cuộc chuyển giao tổng thống trước đây cho biết.

Giải pháp khả dĩ nhất

Dù vậy, một đặc vụ USSS giấu tên khác tiết lộ trong trường hợp xấu nhất thì nhóm đặc vụ chịu trách nhiệm bảo vệ ông Trump sẽ “nhắm mắt làm ngơ” trong khi nhóm đặc vụ của ông Biden tới và đưa ông Trump rời khỏi Nhà Trắng. Cũng có một số người suy đoán FBI có thể sẽ can thiệp hoặc cơ quan Cảnh sát tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) sẽ tới và hộ tống ông Trump rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này hiện chưa đưa ra bình luận này.

Hồi tháng 10, ông Biden từng cho rằng ông Trump có thể bị quân đội đưa ra khỏi Nhà Trắng nếu từ chối rời đi khi thất cử. Tuy nhiên, quân đội Mỹ lúc đó lên tiếng phủ nhận sẽ can thiệp vào hoạt động của chính quyền dân sự.

Trả lời tờ The Washington Post, TS Norm Ornstein thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định để tránh những hiểu lầm và mâu thuẫn không đáng có thì Quốc hội có thể chỉ định một số cố vấn thân cận hoặc nghị sĩ đảng Cộng hòa làm công tác thuyết phục ông Trump rời Nhà Trắng trong hòa bình. Ông Ornstein cho rằng đây là biện pháp duy nhất hợp lý vào lúc này và ông cũng không nghĩ là ông Trump thật sự có ý định bám trụ ở Nhà Trắng. “Ông ấy có cái tôi cao nên sẽ không chịu lùi bước ngay lập tức. Chúng ta phải kiên nhẫn giải thích và thuyết phục ông ấy. Điều này sẽ giữ được thể diện cho cả ông Trump lẫn những cơ quan hay nhân viên đang lâm vào thế khó xử ở USSS” – TS Norm Ornstein nói.•

CNN cho biết theo quy trình chuyển giao quyền lực thông thường thì tổng thống mãn nhiệm sẽ đón tổng thống đắc cử ở Nhà Trắng vào buổi sáng 20-1 trước khi cả hai cùng nhau tới dự lễ nhậm chức ở Quốc hội. Sau đó, cựu tổng thống sẽ cùng gia đình rời đi bằng trực thăng, các nhân viên của chính quyền cũ tiến hành dọn dẹp tất cả những thứ thuộc về vị tổng thống vừa rời đi để chào đón gia đình tân tổng thống. Dù vậy, hiện chưa rõ liệu những nghi thức này có diễn ra vào tháng 1 năm sau không hay thậm chí ông Trump có dự lễ nhậm chức hay không.

VĨ CƯỜNG/PL

Tags :
Đọc nhiều