Ông Trump: ‘Không ai được phép nói thay cho Mỹ’

09/08/2019 09:37

Tổng thống Trump cáo buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi ‘những tín hiệu lẫn lộn’ tới Iran về khả năng diễn ra các cuộc đàm phán và tuyên bố không ai được phép đối thoại với Tehran thay mặt cho nước Mỹ.

“Iran đang gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng. Họ muốn liều lĩnh đối thoại với Mỹ, nhưng lại đang nhận những tín hiệu lẫn lộn từ tất cả những ai có ý định đại diện chúng ta, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron” – Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 8-8.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: “Tôi biết rằng Emmanuel có ý tốt như những người khác. Nhưng không ai được phát biểu thay mặt nước Mỹ, chỉ chính Mỹ mới được làm điều đó. Không ai được trao quyền đại diện chúng tôi theo bất kỳ cách hay hình thức nào”.

Loạt tweet của ông Trump dường như cho thấy ông không hài lòng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề nào đó. Tuy nhiên, hiện không rõ nhà lãnh đạo Mỹ đang đề cập tới chuyện gì. Phía Nhà Trắng cũng từ chối bình luận.

Ông Trump: Không ai được phép nói thay cho Mỹ - Ảnh 1.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) trò chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân lễ kỷ niệm ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy (D-Day) tổ chức ở Pháp ngày 6-6-2019 – Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, một báo cáo xuất hiện vào đầu tuần này cho biết ông Macron đã tự ý mời Tổng thống Hassan Rouhani của Iran tới hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng này để gặp mặt ông Trump. Trong khi đó, một nhà ngoại giao Pháp đã bác bỏ báo cáo này.

Thời gian qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm cách tháo ngòi nổ căng thẳng giữa Tehran và Washington, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký giữa Iran và nhóm P5 1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), đồng thời tái áp đặt cấm vận lên Iran mà ban đầu đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận.

Các động thái cứng rắn của Mỹ được cho là nhằm thúc đẩy thông qua một thỏa thuận mới với Iran dưới chính quyền Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, Iran đã đáp trả bằng một loạt bước đi gây leo thang căng thẳng, gồm việc bắt giữ tàu chở dầu Anh ở vùng Vịnh và tuyên bố ngừng một số cam kết về giới hạn hoạt động hạt nhân.

Cuộc khủng hoảng này dự kiến sẽ là một tâm điểm được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) vào cuối tháng 8 này.

Trước đó, dù căng thẳng gia tăng với Iran, Tổng thống Trump và các quan chức trong chính quyền của ông nói rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran và rằng Washington không muốn xảy ra chiến tranh với Tehran.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tags :
Đọc nhiều