Ông Trump bị kết tội, bầu cử Mỹ sẽ thay đổi ra sao?
Việc ông Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị tuyên phạm tội hình sự có thể gây ra những tác động đến kết quả bầu cử năm nay.
Trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump là vị cựu tổng thống đầu tiên bị tuyên phạm tội hình sự. Đồng thời, ông Trump cũng có thể là ứng cử viên đầu tiên của một đảng lớn (Đảng Cộng hòa) bị kết tội.
Ông Donald Trump có được tranh cử sau khi bị kết tội?
Trước phán quyết của Tòa án Tối cao Manhattan (thành phố New York) ngày 30-5 về vụ kiện ông Trump làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản thanh toán nhằm “bịt miệng” ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, vị cựu tổng thống hiện đã lên kế hoạch kháng cáo.
Về mặt nguyên tắc, ông Trump phải đối mặt với mức án từ 16 tháng tới tối đa 4 năm tù, cùng khoản phạt tiền nặng. Tuy nhiên, việc tuyên án sẽ không ngăn ông Trump vận động tranh cử hoặc nhậm chức tổng thống nếu ông thắng cử.
Đài BBC nhận định hiện vẫn còn quá sớm để xem xét đến các hậu quả chính trị. Song, vụ án của ông Trump đã đặt ra một tiền lệ và có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Trước đó, cựu tổng thống Donald Trump đã giành được đủ số phiếu đại biểu cần thiết để ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, đồng thời dự kiến tham dự Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa diễn ra vào tháng 7 tới.
Trong các cuộc thăm dò ý kiến trước đây, nhiều cử tri cho rằng họ sẽ không bầu cử cho vị cựu tổng thống của Đảng Cộng hòa trong trường hợp ông Trump bị kết tội hình sự nghiêm trọng.
Thế nhưng, các cuộc thăm dò ý kiến của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos và Đài ABC News vào tháng 4 cho thấy chỉ có 16% người ủng hộ ông Trump sẽ cân nhắc lại lựa chọn của họ trong tình huống tương tự.
Cử tri có thể thay đổi ý định
Tuy nhiên, quyết định của các cử tri lúc đó diễn ra vào thời điểm ông Trump chỉ mới đối mặt với các cáo buộc liên quan đến cuộc bầu cử 2020 và việc xử lý tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng. Hiện tại, các cử tri này có thể sẽ nhìn lại quyết định của mình dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao Manhattan.
Luật sư Doug Schoen – nhà phân tích chính trị từng làm việc với cựu tổng thống Bill Clinton và cựu thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg – cho rằng các cử tri Mỹ thời điểm đó có thể ít bị tác động bởi vụ án “tiền bịt miệng” vì các diễn biến xoay quanh vụ việc đã diễn ra vào 8 năm trước.
“Mặc dù việc bị kết tội không phải điều gì quá to tát, nhưng các cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ liên tưởng đến lạm phát, vấn đề biên giới phía nam, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, cũng như khoản viện trợ dành cho Israel và Ukraine”, ông Schoen lập luận.
Ngay cả một sự sụt giảm nhỏ trong số lượng phiếu bầu cho cựu tổng thống Donald Trump cũng đủ quan trọng để ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Phán quyết của tòa án có thể thay đổi quyết định của hàng nghìn cử tri – những người mà lẽ ra sẽ dành sự ủng hộ cho vị ứng cử viên đến từ Đảng Cộng hòa.
“Tôi thật sự nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng và gây tổn hại đến ông ấy (Donald Trump” với tư cách là một ứng cử viên tranh cử tổng thống”, bà Ariel Hill-Davis, người đồng sáng lập tổ chức chính trị Republican Women for Progress (Tạm dịch: Phụ nữ Cộng hòa vì tiến bộ) – bày tỏ.
Theo bà Ariel Hill-Davis, một số cử tri từng ủng hộ ông Trump sẽ do dự về việc liệu có nên tiếp tục ủng hộ vị tổng thống đến từ Đảng Cộng hòa hay không.
Đảng Cộng hòa tuyên bố vẫn “đồng lòng”
Về phía các đảng viên Cộng hòa, nhiều người trong số họ có mặt tại phiên tòa hôm 30-5 vẫn thể hiện sự trung thành với cựu tổng thống Donald Trump và nhanh chóng tập hợp lại để ủng hộ ông.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đồng thời là đảng viên Cộng hòa, gọi phán quyết của Tòa án Tối cao Manhattan là hành động “đáng xấu hổ” trong lịch sử nước Mỹ.
Ông Johnson khẳng định vụ án được thúc đẩy động cơ chính trị, chứ không phải một phán quyết dựa trên các nguyên tắc pháp lý thuần túy.
Ngay khi rời phòng xử án, ông Trump đã chỉ trích phán quyết của tòa là “không công bằng, nhục nhã và gian lận”.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden gian lận và đang âm mưu làm hại đối thủ chính trị.
Ông Trump sẽ kháng cáo
Sau khi tòa tuyên án vào tháng 7, các luật sư của ông Trump có thể sẽ tiến hành kháng cáo bản án này.
Theo quy định tại New York, bị cáo có 30 ngày kể từ khi tuyên án để nộp thông báo kháng cáo và có thời hạn 6 tháng để nộp đơn kháng cáo. Trong thời gian kháng cáo, bị đơn sẽ không bị giam giữ.
Ông Trump có thể được xem như đã từ bỏ quyền kháng cáo nếu không nộp thông báo kháng cáo.
Trong trường hợp kháng cáo, các luật sư của cựu tổng thống Mỹ sẽ cần hoàn thiện hồ sơ kháng cáo, thông qua việc gửi một bản tóm tắt pháp lý lên tòa phúc thẩm để trình bày các lý do phản đối phán quyết hoặc bản án.
Nhóm luật sư của ông Trump có thể đưa ra một loạt vấn đề trong nỗ lực lật ngược vụ án, bao gồm cả phạm vi lời khai của bà Stormy Daniels.
Nữ ngôi sao khiêu dâm đưa ra lời khai về chuyện “giường chiếu” của bà và ông Trump vào năm 2006, nói rằng bà cảm thấy “yếu thế” trước ông Trump và đã không kháng cự trong suốt quá trình quan hệ với ông Trump.
Các luật sư của ông Trump đã hai lần yêu cầu tuyên bố hủy bỏ phiên tòa trong quá trình xét xử vì cho rằng lời khai của bà Daniels mang đầy sự định kiến.
Không có quy định quá trình kháng cáo sẽ kéo dài bao lâu. Ông Trump có thể yêu cầu tòa án hoãn thi hành án cho đến khi tòa phúc thẩm ra quyết định, theo tờ Politico.
Luật sư bào chữa hình sự kỳ cựu Peter Pullano tại New York cho rằng quá trình kháng cáo trong trường hợp của ông Trump có thể mất nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm để giải quyết.
Đông Duy