Ông Trịnh Văn Quyết muốn bán vườn thú ở Quy Nhơn
FLC Faros sẽ tìm đối tác để chuyển nhượng 90% vốn tại Công ty Vườn thú Faros với giá từ 225 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đầu tư công viên động vật hoang dã Quy Nhơn.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros Trịnh Văn Quyết vừa ký nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vườn thú Faros (Công ty Vườn thú Faros).
Tổng số cổ phần FLC Faros chuyển nhượng là 22,5 triệu, tương ứng 90% vốn góp với mệnh giá 225 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng theo thỏa thuận với các nhà đầu tư có nhu cầu nhưng phải đảm bảo không thấp hơn mệnh giá.
Nếu chuyển nhượng thành công toàn bộ 90% cổ phần, FLC Faros sẽ không còn là công ty mẹ và ngừng hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty Vườn thú Faros.
Công ty Vườn thú Faros được thành lập tháng 11/2015 với tên ban đầu là Công ty Cổ phần Khoáng sản FLC Bình Định. Vốn điều lệ khi đó của doanh nghiệp là 50 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đã phát triển vườn thú ở Quy Nhơn (Bình Định) nằm trong tổ hợp FLC Quy Nhơn.
Trong cơ cấu vốn của Công ty Vươn thú, FLC Faros chiếm 90% cổ phần, ông Lê Văn Sắc nắm 9% và bà Nguyễn Bình Phương giữ 1%. Ông Sắc là người đại diện pháp luật và chủ tịch công ty tại thời điểm thành lập còn bà Phương là Phó tổng giám đốc FLC Faros.
Công ty Khoáng sản FLC Bình Định sau khi đổi tên thành Công ty Vườn thú Faros đã khởi công xây dựng công viên động vật hoang dã Quy Nhơn vào tháng 4/2016 và hoàn thành dự án vào tháng 3/2017. Vườn thú của FLC có diện tích 200 ha, nằm ở xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với gần 1.000 loài động vật.
Trải qua 2 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện nay của Công ty Vườn thú Faros là 250 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cùng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp không đổi. Người đại diện pháp luật của công ty Vườn thú Faros hiện tại là ông Mai Xuân Tình.
Từ khi khánh thành, kết quả kinh doanh của Công ty Vườn thú Faros không được công bố, mà gộp vào với công ty mẹ là FLC Faros.
Quý III vừa qua, FLC Faros đạt doanh thu thuần 1.179 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế trong kỳ giảm 46% xuống còn 8 tỷ đồng.
Theo lý giải của FLC Faros, lãi ròng sụt giảm vì công ty mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhưng chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo quy định. Trong khi đó, một số chi phí phải ghi nhận theo chuẩn mực và luật kế toán.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC Faros đạt doanh thu thuần 3.514 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 76 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, FLC Faros đã hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt 24% mục tiêu lợi nhuận.
Việt Đức/ Zing News