Ông Trịnh Văn Quyết đang nắm trong tay khối tài sản lớn cỡ nào?
Chủ tịch Tập đoàn FLC – ông Trịnh Văn Quyết hiện đang sở hữu tổng tài sản trị giá 4.789 tỷ đồng từ cổ phiếu FLC, ROS, GAB và ART. Tuy nhiên, đây chỉ là con số cực kỳ khiếm tốn của vị đại gia này so với thời kỳ hoàng kim năm 2017.
Với số cổ phiếu đang nắm trong tay, tỷ phú gốc Vĩnh Phúc hiện là người giàu thứ 40 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá 4.789 tỷ đồng.
Cụ thể, ở CTCP Tập đoàn FLC (MCK:FLC) ông Trịnh Văn Quyết đang nắm 215.436.257 cổ phiếu, ở CTCP Xây dựng FLC FAROS (MCK:ROS) nắm 23.717.556 cổ phiếu, ở CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (MCK:GAB) nắm 7.614.000 cổ phiếu và ở CTCP Chứng khoán BOS (MCK:ART) nắm 3.156.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, với khối tài sản này, đây vẫn chưa phải là thời kỳ “hoàng kim” của Chủ tịch mà là năm 2017, khi ông Trịnh Văn Quyết được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, năm 2017 Chủ tịch FLC sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), tăng 25.046 tỷ đồng so với năm 2016, sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART, qua đó chính thức giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm. Đến năm 2018, tài sản của đại gia Vĩnh Phúc đột ngột ”rơi” xuống còn 15.572 tỷ đồng. Tài sản hiện nay của Chủ tịch FLC chỉ đạt 8,1% so với thời điểm đó.
Về tài sản cá nhân, hiện không thể xác định cụ thể ông Quyết đang sở hữu bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng vị chủ tịch này vẫn đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các đợt tăng vốn và mở rộng hàng loạt dự án thuộc hệ sinh thái FLC.
Đầu năm nay, phiên giao dịch 10/1 chứng kiến một kỷ lục chưa từng có với 135 triệu cổ phiếu FLC của được chuyển nhượng trong tình trạng biến động rất mạnh, từ tăng trần (thêm 7% trong buổi sáng) sang giảm sàn vào buổi chiều, trước khi đóng cửa giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cp.
Với gần 135 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 1 phiên, FLC trở thành mã cổ phiếu có thanh khoản kỷ lục trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Lí do là bởi thông tin ông Quyết đã giao dịch mà không đăng ký cả trăm triệu cổ phiếu. Sau sự kiện đó, ông bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch trong 5 tháng.
Mới đây, Tập đoàn FLC cũng gây xôn xao vì bị phạt 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, liên quan đến việc công bố thông tin trên hệ thống của SSC và HOSE.
“Con gà đẻ trứng vàng” cho tỷ phú Trịnh Văn Quyết nổi tiếng không kém cạnh FLC là Bamboo Airways. Tuy vừa mới chính thức cất cánh từ tháng 1/2019, Bamboo Airways vẫn báo lãi trong 2 năm liên tiếp 2019-2020 bất chấp Covid-19, là 1 trong 2 hãng hàng không của Việt Nam không báo lỗ bên cạnh Vietjet. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của hãng tăng 34% so với năm 2019, lên 400 tỷ đồng, được xem là một trong những ”kỳ tích” của ngành hàng không.
Tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng, tương ứng với 1,85 tỷ cổ phần lưu hành. Lãnh đạo Bamboo Airways nhiều lần nhắc đến kế hoạch IPO với giá không thấp hơn 60.000 đồng/cp, ngang mức vốn hóa tạm tính là 111.000 tỷ đồng, tương ứng gần 5 tỷ USD và gần bằng giá trị niêm yết của cả Vietnam Airlines và Vietjet Air cộng lại.
Trong năm 2021 và 2022, Bamboo Airways vẫn không ngừng mở rộng quy mô và liên tiếp công bố mở các đường bay thẳng quốc tế sang Anh, Úc, Đức,…
Vị đại gia Vĩnh Phúc này còn sở hữu 4.18% cổ phần tại CTCP Xây dựng FLC FAROS. Tổng tài sản của FAROS tính đến cuối năm 2021 đạt 12.001 tỷ đồng, tăng 14,5% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp này hiện có vốn hóa tương đương 5352,5 tỷ đồng. Chốt phiên 25/3, cổ phiếu ROS tăng 2,5%, ở mức 9.430 đồng/cp.
Ngoài vai trò tổng thầu thi công loạt dự án khu đô thị FLC Premier Parc (Hà Nội), khu đô thị FLC Tropical City Ha Long,…FLC FAROS được biết tới với vai trò là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn, như dự án khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp FLC Quảng Bình, dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng học viện Golf Quy Nhơn,…và loạt công trình trải dài trên khắp cả nước, hầu hết là các siêu dự án ngàn tỷ, thậm chí lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Với vai trò là cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC – một trong những đơn vị sản xuất và phân phối gạch trong các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình với công suất lớn, ông Trịnh Văn Quyết cũng ”bỏ túi” khối tài sản rất lớn với tỉ lệ sở hữu là 51.09%.
Quý IV/2021, doanh nghiệp này đạt doanh thu 124,7 tỷ đồng, giá cổ phiếu GAB hiện tại là 196.400 đồng/cp.
Ngoài ra ở công ty chứng khoán BOS, Chủ tịch FLC cũng đang là cổ đông lớn thứ 3 với 3,26%. Công ty này hiện có vốn hóa 1.104,9 tỷ đồng, giá cổ phiếu ART kết phiên 25/3 ở mức 11.400 đồng/cp.
Trâm Anh