8
category
373051

Ông Trần Hùng: “Nếu được quyền ra quyết định, tôi sẽ ký ngay tại chỗ”

14/03/2020 13:06

Là người trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động sản xuất và kinh doanh khẩu trang của Công ty Quốc Bảo, ông Trần Hùng – Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường đã chia sẻ với PV về diễn biến sự việc.

Thưa ông, tại thời điểm kiểm tra hoạt động sản xuất, đóng hộp khẩu trang của Công ty Quốc Bảo, ông đã phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm gì?

Ông Trần Hùng – Tổ trưởng Tổ 304 tại xưởng sản xuất của Công ty Quốc Bảo, ngày 4/3/2020

Ông Trần Hùng: Qua quan sát ban đầu, tôi thấy rằng cơ sở sản xuất, đóng gói khẩu trang nhếch nhác, hết sức mất vệ sinh, không có phòng tiệt trùng, sử dụng loại vải không dệt để sản xuất khẩu trang giống hệt khẩu trang y tế. Công ty Quốc Bảo chỉ có chức năng sản xuất khẩu trang bảo hộ lao động theo giấy đăng ký kinh doanh, nhưng thời điểm kiểm tra chúng tôi thấy công ty đang đóng gói trên những bao bì mang nhãn hiệu khẩu trang kháng khuẩn cao cấp. Nhiều thùng đã thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường.

Tôi đã cùng anh em tổ công tác và các cán bộ Vụ Trang thiết bị y tế thống nhất rất rõ rằng cơ sở này làm bao bì không đúng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Ngay tại gầm cầu thang nhà ngoài của trụ sở Công ty Quốc Bảo có rất nhiều thùng chứa vỏ bao bì quảng cáo là khẩu trang kháng khuẩn cao cấp. Với cá nhân tôi, đây là một sai phạm nghiêm trọng.

Ông đã xử lý như thế nào trước những dấu hiệu sai phạm đó?

Ông Trần Hùng: Tại hiện trường, tôi đã chỉ đạo ngay là phải ra quyết định kiểm tra xử lý cũng như lập biên bản thu giữ các sản phẩm khẩu trang thành phẩm này. Đặc biệt các bao bì ghi khẩu trang kháng khuẩn cũng yêu cầu lập biên bản thu giữ để tiêu huỷ. Tuy nhiên các đồng chí quản lý thị trường tại địa phương cũng nói là do Giám đốc Công ty Quốc Bảo đi vắng nên yêu cầu phản ánh đúng hiện trạng, ngày hôm sau sẽ xử lý. Cho nên tôi mới đề nghị phải lập biên bản ghi lại hiện trường và cùng với phóng viên phản ánh trung thực bằng hình ảnh để làm căn cứ sau này xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Dù cho đối tượng có tiêu huỷ thì vẫn còn chứng cứ đẩy đủ.

Riêng cá nhân tôi đã chỉ đạo rất kiên quyết, trách nhiệm nhưng tôi chỉ có chức năng chỉ đạo giám sát chứ không có quyền ra quyết định. Nếu tôi mà được quyền ra quyết định thì tôi ký ngay quyết định kiểm tra tại chỗ. Qua việc này tôi nghĩ rằng tất cả các lực lượng cần rút kinh nghiệm khi có dấu hiệu sai phạm thì chúng ta phải xử lý cương quyết.

Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lực lượng chức năng có được ra quyết định kiểm tra đột xuất hay không? Trong trường hợp này cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra đột xuất như vậy?

Ông Trần Hùng: Theo thông tư 35 của lực lượng quản lý thị trường, có 2 loại kiểm tra. Thứ nhất là kiểm tra theo quy trình, kế hoạch. Thứ hai là kiểm tra đột xuất. Tất cả quy trình ấy, lực lượng quản lý thị trường ai cũng phải nắm được. Nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm chính xác, hay còn gọi là sai phạm quả tang thì đội quản lý thị trường tại địa bàn phải báo cáo, trực tiếp lập biên bản và ra quyết định kiểm tra xử lý ngay. Tránh các đối tượng sai phạm tẩu tán, tiêu huỷ tang vật, chứng cứ sai phạm.

Trước lúc xuống kiểm tra Công ty Quốc Bảo, Tổ công tác đã làm việc với ông Hải – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh. Ông Hải nói rằng đã có nhiều đoàn công tác đã kiểm tra cơ sở sản xuất này, để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp phát triển thì chỉ nói là xuống xác minh thông tin, nắm tình hình thực tế tại cơ sở theo như phản ánh của phóng viên. Vì vậy, ông ấy nói không nên ra quyết định kiểm tra đột xuất. Tôi cũng nhất trí quan điểm nếu doanh nghiệp làm tốt thì chúng ta phải bảo vệ doanh nghiệp. Thế nhưng đó là đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ đúng pháp luật, sản xuất hàng hoá đảm bảo chất lượng. Còn nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm thì phải tiến hành xử lý đúng theo trình tự quy định của pháp luật.

Ai cũng biết cả nước đang trong đại dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, nhân dân thì mong muốn mua được cái khẩu trang y tế, kháng khuẩn để bảo vệ. Thế mà lại xuất hiện tình trạng lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, làm những chiếc khẩu trang kém chất lượng, khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ 304, qua vụ việc này ông đánh giá thế nào về công tác quản lý địa bàn của chính quyền cũng như cơ quan quản lý thị trường địa phương?

Ông Trần Hùng: Với kinh nghiệm từ quá trình công tác của bản thân trong lĩnh vực đấu tranh chống hàng giả cũng như trên văn phòng Ban 389 Quốc gia, những vụ việc tôi trực tiếp phát hiện cũng như phối hợp kiểm tra xử lý cho thấy một thực tế, chính quyền cơ sở có tình trạng buông lỏng, lơ là, thiếu trách nhiệm, thậm chí có nơi còn có tình trạng dung túng, bao che tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, gian lận thương mại. Những vụ điển hình như Công ty Thuận Phong, Vinaca, Vinapharma, mỹ phẩm TS,… là những vụ việc điển hình gây bức xúc trong dư luận cả nước, đều do nhân dân tố giác, phóng viên phát hiện. Cứ phải đến khi cơ quan Trung ương về mới xử lý được.

Thay mặt tổ công tác, riêng cá nhân tôi đánh giá rất cao thái độ, tinh thần của các phóng viên. Tôi và họ đều đồng quan điểm, chung một ý nghĩ đó là kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và phải phanh phui ra sự thực.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý yên/CSAT

Tags :
Đọc nhiều