Ông Putin đề xuất cơ chế kiểm soát tên lửa mới với Mỹ

26/10/2020 19:44

Tổng thống Nga đề xuất Moskva, Washington không triển khai một số loại tên lửa tại châu Âu và xây dựng cơ chế kiểm soát thay hiệp ước INF.

“Chúng tôi giữ quan điểm nhất quán rằng tên lửa 9M729 tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã bị hủy. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng thể hiện thiện chí bằng cách không triển khai tên lửa này trên phần lãnh thổ ở châu Âu, nhưng với điều kiện các nước NATO hành động tương xứng và không triển khai tên lửa vi phạm INF trên đất của họ”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm nay.

Lãnh đạo Nga cũng đề xuất Moskva và Washington áp dụng các biện pháp giám sát, xác nhận chung để xây dựng lòng tin và “xóa bỏ những lo ngại sẵn có” sau khi INF bị hủy.

Tổng thống Putin làm việc tại tư dinh ở ngoại ô Moskva hôm 21/10. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Putin làm việc tại tư dinh ở ngoại ô Moskva hôm 21/10. Ảnh: Reuters.

Điện Kremlin trước đó đề xuất những “biện pháp giảm căng thẳng”, trong đó Mỹ sẽ cho Nga kiểm tra hệ thống Aegis Ashore tại châu Âu, đổi lại Moskva cho phép Washington thanh sát cơ sở vận hành tên lửa 9M729 ở vùng lãnh thổ Kaliningrad.

INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước hồi tháng 8/2019 sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 có tầm bay gần 5.000 km.

Moskva bác bỏ cáo buộc và cho rằng Washington không tuân thủ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.

Hệ thống 9M729 được Nga giới thiệu đầu năm 2019. Ảnh: TASS.
Hệ thống 9M729 được Nga giới thiệu đầu năm 2019. Ảnh: TASS.

 

INF và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) được coi là các thỏa thuận trung tâm trong kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu. Moskva và Washington đang nỗ lực đàm phán để gia hạn hiệp ước New START, trong đó giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân và dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021.

Mỹ muốn sửa lại thỏa thuận để bao gồm Trung Quốc cùng các loại khí tài mới, trong khi Nga sẵn sàng gia hạn 5 năm không kèm điều kiện bổ sung.

Vũ Anh/VE

Tags :
Đọc nhiều