Ông Putin đang chơi “quân bài” Trung Quốc như thế nào?
Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có đang cố gắng chơi “quân bài Trung Quốc” theo cách riêng của mình để tìm cách gia tăng sức mạnh chống lại Mỹ hay không?
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đánh dấu việc nối lại các liên hệ ngoại giao trực tiếp sau gần một phần tư thế kỷ cô lập về chính trị giữa hai nước. Đến năm 1979, Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc.
Chuyến thăm của Richard Nixon được thúc đẩy bởi Mỹ mong muốn có được nhiều lợi thế hơn trong quan hệ với Liên Xô. Chuyến đi cũng diễn ra trong bối cảnh sức mạnh của Liên Xô đang trỗi dậy trên toàn thế giới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của “lực lượng hải quân nước xanh”.
Khi đó, quan hệ Xô – Trung đang diễn biến xấu đi xuất phát từ các cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước dọc theo biên giới sông Ussuri vào năm 1969. Vào thời điểm đó, có nhiều thông tin đồn đoán rằng Moscow đã tính đến phương án tấn công hạt nhân nhằm vào các cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc.
Trong bối cảnh lực lượng quân sự Liên Xô đang được tăng cường nhanh chóng dọc biên giới Xô – Trung, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Liên Xô là mối đe dọa lớn hơn so với Mỹ.
“Cuộc hôn nhân” kịch tính của Nixon với Trung Quốc được mô tả vào thời điểm đó là Mỹ đang “chơi quân bài Trung Quốc”, thuật ngữ mà ngày nay sách vở lịch sử vẫn thường đề cập.
Sau hơn nửa thế kỷ, Trung Quốc và Mỹ hiện nay lại trở thành đối thủ chính của nhau. Hai quốc gia đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh quân sự, kinh tế, công nghệ và ngoại giao trên toàn thế giới.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga không còn nắm giữ vị thế siêu cường toàn cầu như trước đây. Với một nền kinh tế nhỏ hơn cả bang Texas và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô, chủ yếu là dầu và khí đốt, Moscow có rất ít triển vọng lấy lại vị thế trong quá khứ.
Tuy nhiên, nước Nga ngày nay vẫn đang sở hữu một quân đội rất đáng nể. Họ hoàn toàn có thể khuếch trương sức mạnh quân sự của mình ra bên ngoài và có trong tay một kho vũ khí các tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa (ICBM) cùng một tổ hợp công nghiệp quân sự to lớn.
Thế nhưng, Nga vẫn là quốc gia yếu nhất trong bộ ba Mỹ – Trung – Nga. Liệu Tổng thống Vladimir Putin có cố gắng chơi “con bài Trung Quốc” theo cách riêng của mình để tìm cách gia tăng đòn bẩy chống lại Mỹ hay không?
Mối quan hệ Nga và Trung Quốc
Trong thập kỷ qua, Moscow đã mở rộng đáng kể quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quốc gia hiện là nhà nhập khẩu dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng thường đứng trong tốp ba nước nhập khẩu hầu hết các mặt hàng toàn cầu.
Là một trong những nhà xuất khẩu hydrocacbon lớn nhất thế giới, việc Nga tìm kiếm thị trường mới ở Trung Quốc là rất hợp lý, đặc biệt là khi khả năng mở rộng xuất khẩu năng lượng sang Liên minh châu Âu (EU) bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt lên Moscow sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Các biện pháp trừng phạt đó cũng ngăn chặn khả năng tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính phương Tây, vì vậy Moscow ngày càng có xu hướng dựa vào Bắc Kinh để tìm nguồn tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng và tài nguyên khác của mình.
Về phần mình, Bắc Kinh đã tích hợp tuyến hàng hải Đông Bắc của Nga qua các vùng biển Bắc Cực vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và gọi đây là “Con đường Tơ lụa vùng Cực”.
Moscow cũng đóng một vai trò rất đáng kể trong việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Trong lịch sử, Trung Quốc là một trong những khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga, chỉ đứng sau Ấn Độ. Năm 2018, Trung Quốc chiếm khoảng 14% lượng vũ khí xuất khẩu của Moscow, lên tới khoảng 15 tỷ USD.
Nga đã cung cấp cho Trung Quốc các máy bay chiến đấu đa năng Su-35, loại phương tiện có thể mang được cả tên lửa không đối đất và không đối không, có điều khiển hoặc không có điều khiển, cũng như cả bom thông thường và bom thông minh. Hai nước cũng đang hợp tác phát triển một loại trực thăng hạng nặng dùng trong quân sự.
Điện Kremlin đang cung cấp cho Trung Quốc 6 hệ thống phòng không tầm xa S-400. Đây là hệ thống tương tự mà Thổ Nhĩ Kỳ đã mua gần đây. Các hệ thống của Nga sẽ bổ sung vào mạng lưới phòng không hiện có của Trung Quốc. Việc triển khai S-400 có thể cho phép Trung Quốc thiết lập vùng cấm bay trên Eo biển Đài Loan.
Nga cũng đang giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để xác định các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hiện tại, chỉ Mỹ và Nga mới có khả năng này.
Ông Putin đang chơi “quân bài Trung Quốc” như thế nào?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngại ngùng khi bóng gió nói rằng ông sẽ xem xét một liên minh chính thức hơn với Trung Quốc. Ngày 20/10, trong cuộc họp của Câu lạc bộ Valdai, khi được hỏi về một liên minh quân sự tiềm năng với Trung Quốc, ông Putin đã trả lời: “Mọi thứ đều có thể tưởng tượng được ra. Chúng tôi chưa đặt ra mục tiêu đó cho mình. Nhưng về nguyên tắc, chúng tôi cũng sẽ không loại trừ khả năng đó”.
Tuy nhiên, mặc dù mối quan hệ hợp tác Trung – Nga rõ ràng mang lại những lợi ích cho cả hai nước nhưng về lâu dài giữa Nga và Trung Quốc vẫn tồn tại những sự khác biệt đáng kể.
Mặc dù Trung Quốc đã tạo điều kiện để Nga tham gia BRI nhưng chương trình này lại đi ngược lại lợi ích lâu dài của Moscow. Nếu thành công, BRI sẽ lôi kéo các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á (Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan và Azerbaijan) vào quỹ đạo kinh tế, và có lẽ là cả quỹ đạo chính trị và ngoại giao của Trung Quốc.
Moscow đã thúc đẩy ý định tái hội nhập các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào Liên minh Kinh tế Á – Âu, một liên minh thuế quan và thị trường chung, và tận dụng khả năng tiếp cận địa lý của mình vào các thị trường năng lượng châu Âu để có được phí vận chuyển và lợi thế chính trị khi xuất khẩu các nguồn năng lượng ở Trung Á sang châu Âu.
Tuy nhiên, nếu những khoản xuất khẩu năng lượng đó đi về phía Đông sang Trung Quốc, Moscow sẽ có ít đòn bẩy hơn rất nhiều với các quốc gia này, ngay cả khi trong ngắn hạn, họ có thể cung cấp quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng đường sắt và đường ống hiện có của Nga. Về lâu dài, những nước này sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Nga để xuất khẩu hydrocacbon sang Trung Quốc.
Mặc dù Hiệp định Biên giới Trung – Xô năm 1991, bề ngoài, có vẻ như đã giải quyết xong tranh chấp biên giới giữa hai nước, nhưng các nhà sử học Trung Quốc, với sự chấp thuận ngầm của Bắc Kinh, vẫn tiếp tục chỉ trích “các hiệp ước bất bình đẳng” được ký kết giữa Đế quốc Nga và Vương triều Thanh vào thế kỷ 19, với lập luận rằng phần lãnh thổ tranh chấp nên được trao trả lại cho Trung Quốc.
Hiệp ước Aigun (1858) và Hiệp ước Bắc Kinh (1860) đã chuyển khoảng 600.000 dặm vuông lãnh thổ ở Mãn Châu và phía Tây Trung Quốc sang quyền kiểm soát của Nga.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 và 19, Chủ tịch Tập Cận Bình từng kêu gọi “khôi phục chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất do các thế lực thù địch nước ngoài áp đặt các hiệp ước bất bình đẳng”.
Hơn nữa, hiện có hàng triệu người nhập cư Trung Quốc, cả hợp pháp và bất hợp pháp, ở vùng Viễn Đông của Nga. Moscow đã làm ngơ trước làn sóng di cư người Trung Quốc, một mặt vì khu vực này thiếu hụt lao động triền miên, và mặt khác việc nhập cư hợp pháp gắn liền với các khoản đầu tư của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga.
Cư dân Nga trong khu vực cho rằng cuộc di cư bất hợp pháp này cấu thành một cuộc xâm lược trên thực tế của Trung Quốc và bày tỏ lo ngại Bắc Kinh có ý định lấy lại lãnh thổ lịch sử của mình và có thể còn đi xa hơn nữa.
Những lo ngại này đã được nhấn mạnh trong một bộ phim năm 2015 của các nhà làm phim địa phương – “Trung Quốc – Người bạn Chết chóc”, đã trở thành một đề tài trên Internet ở Nga, thu hút lượng lớn người xem.
Chưa rõ Trung Quốc sẽ thu được gì từ một liên minh chính thức với Nga, dưới dạng quân sự hay cách nào đó khác. Chưa tới 2% thương mại của Trung Quốc là với Nga, trong khi với Mỹ là khoảng 20%.
Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga sẽ không làm thay đổi nhiều kim ngạch đó, theo bất kỳ cách nào đáng kể. Chừng nào Mỹ và EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty năng lượng của Nga, nhu cầu năng lượng và vốn đầu tư của Trung Quốc sẽ tiếp tục khiến nước này chiếm thế thượng phong trong việc giao dịch với Moscow.
Khả năng liên minh Nga – Trung đặt ra những thách thức đáng kể cho Mỹ, đặc biệt là đối với thế trận quân sự của nước này ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Không có gì ngạc nhiên khi Điện Kremlin sử dụng mối đe dọa đó để có thêm đòn bẩy chống lại Mỹ. Cũng không phải chỉ có Nga trong vấn đề này. Bắc Kinh có thể lấy việc “chơi quân bài Nga” để mở rộng ảnh hưởng của nước này chống lại Mỹ.
Trong khi lợi ích của Nga và Trung Quốc có sự khác biệt đáng kể trong dài hạn và trong nhiều trường hợp, là bất đồng với nhau, nhưng cả hai nước sẽ sử dụng việc mở rộng hợp tác quân sự và kinh tế trong ngắn hạn để tìm kiếm thêm sức mạnh chống lại Mỹ, một phần để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với từng nước.
Ngay cả khi sự hợp tác giữa họ chưa tới mức một liên minh quân sự thì việc tiếp tục mở rộng quan hệ quân sự và sự phối hợp chiến lược Trung – Nga cũng bộc lộ vấn đề đối với Mỹ. Hải quân Trung Quốc có quyền tiếp cận các cảng Thái Bình Dương của Nga như Vladivostok chẳng hạn, sẽ là một thách thức đáng kể tới sự thống trị của Hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
(Theo DNTT)