2
category
348208

Ông Nguyễn Văn Bình kể chuyện làm cao tốc bị chê ‘ném tiền qua cửa sổ’

09/09/2019 12:45

Kể lại khi làm cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị chê về tính hiệu quả, ông Bình nhấn mạnh vai trò của Nhà nước khi thực hiện những dự án mà tư nhân không muốn và không thể làm.

Sáng 9/9, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 12 Hội nghị trung ương 5 khóa XII về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)”.

Nhà nước không lấy đi cơ hội phát triển của kinh tế tư nhân

Chủ trì hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhắc lại kỷ niệm khi bắt đầu xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Thời điểm đó, ông Bình là cán bộ trẻ tham gia vào quá trình vay vốn quốc tế để làm đường.

“Nhiều người nói rằng làm đường này như ném tiền qua cửa sổ, làm cho ma nó đi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn quyết làm con đường đó và đến nay đã phát huy tác dụng, giúp kinh tế các địa phương dọc hai con đường phát triển”, ông Bình nói.

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh: Hoàng Hà.

Dẫn câu chuyện làm cao tốc, ông Bình nhấn mạnh Nhà nước đã đi trước, làm việc mà tư nhân không muốn làm, không thể làm. Nếu không có cao tốc Nội Bài – Lào Cai, kinh tế khu vực Tây Bắc sẽ khó cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội khó thực hiện.

“Những dự án thuận lợi hơn sẽ giao cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Thậm chí ở cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến giai đoạn nào đó sẽ chuyển giao cho tư nhân khai thác, để Nhà nước có tiền làm những dự án khác. Như vậy, Nhà nước không lấy đi cơ hội của kinh tế tư nhân, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế khác phát triển”, ông chia sẻ.

Một lĩnh vực khác mà ông Nguyễn Văn Bình cũng nhắc đến là ICT, trong đó ông đánh giá cao vai trò của các DNNN lớn như Viettel, VNPT đã phát triển hạ tầng số hiện nay để đảm bảo an ninh, quốc phòng, và tạo nền tảng số cho các thành phần kinh tế khác phát triển.

Nói cách khác, DNNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn đảm bảo an ninh, quốc phòng; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, theo tinh thần của Nghị quyết 12. DNNN là then chốt nhưng vẫn không kìm hãm sự phát triển của các thành phần kinh tế khác.

“Mục tiêu hiện tại của Nghị quyết 12 là xác định những lĩnh vực then chốt cho các DNNN hoạt động, xác định các lĩnh vực cho thành phần kinh tế khác phát triển. Cần hiểu đúng tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước, mà DNNN là then chốt”, ông nói.

Doanh nghiệp than khó

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 12 mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận cho rằng cần đánh giá rõ vai trò vị trí của DNNN trong giai đoạn hiện nay. Ông nêu thực tế đánh giá của xã hội đối với DNNN chưa toàn diện, đúng đắn. Điển hình như 12 dự án yếu kém ngành công thương như “con sâu làm rầu nồi canh”.

“Không phải DNNN nào cũng vậy”, ông nói.

Ông Thuận đồng tình với việc chỉ giữ lại những DNNN trong lĩnh vực trọng yếu. Tuy nhiên, cần đánh giá sự cần thiết của DNNN theo đúng các giai đoạn lịch sử. Ngoài ra, việc đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của DNNN cũng như vậy.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Ban KTTW.

Ông Thuận lấy ví dụ tại một số dự án ở giai đoạn đầu gặp khó khăn thì doanh nghiệp tư nhân không đầu tư. DNNN đi đầu sẽ gặp nhiều tồn tại, hạn chế hơn. Đến khi cơ hội chín muồi, rõ ràng thì doanh nghiệp tư nhân mới vào.

Ông dẫn lại chuyện đầu tư cao su ở Tây Bắc gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Cao su Việt Nam đi đầu vẫn không có cơ chế chính sách thuận lợi gì.

“Do đó, việc xem xét vấn đề đầu tư của DNNN cũng phải tính đến yếu tố lịch sử”, ông đề nghị.

Cuối cùng, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng mong muốn cần có sự ghi nhận, phát huy năng lực, sự nhiệt huyết của doanh nghiệp nói chung, và cả DNNN nói riêng.

Trong khi đó, Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Phạm Xuân Cảnh thì cho rằng công tác thực hiện Nghị quyết 12 của các cơ quan liên quan còn chậm trễ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông lấy ví dụ Luật Dầu khí hiện tại đã lỗi thời, gây khó khăn cho PVN trong khiển khai các dự án lớn, đặc biệt là huy động vốn và sử dụng nguồn lực. Ông đề nghị cần tháo gỡ vấn đề này.

Đồng tình với các ý kiến, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng khâu thực hiện Nghị quyết còn có cách làm chưa đúng. Ông lấy ví dụ một số dự án yếu kém ngành công thương đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của DNNN nói chung.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn các DNNN hiểu rõ Nghị quyết, để thực hiện đúng đắn trong thời gian tới. Những vấn đề khó khăn sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tham mưu để các cấp có liên quan đẩy nhanh tháo gỡ.

Hiếu Công/ZNS

Đọc nhiều