419
category
464976

Ông Donald Trump và cuộc tấn công vào biểu tượng nền dân chủ Mỹ

12/01/2021 20:57

Điện Capitol đã bị những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tấn công và chiếm đóng hôm 6/12021. Biến cố này mang nhiều ý nghĩa trọng đại, từ hình thức đến nội dung.

Biểu tượng Điện Capitol

Tổng thống Donald Trump đang bị cáo buộc là kích động, xúi giục bạo loạn ngày 6/1.

Mặc dù, Tuyên ngôn Độc lập hay Hiến pháp Mỹ đã hiện hữu trước khi Điện Capitol được thiết kế và xây dựng, đây là biểu tượng tự do và dân chủ của Mỹ trong suốt 200 năm qua. Quốc hội Mỹ bắt đầu họp tại đây vào tháng 11/1800. Trong suốt 200 qua, một lần duy nhất Điện Capitol bị cướp bóc và đốt cháy là do quân đội Anh gây ra năm 1814 trong Cuộc chiến 1812 với Anh.

Điện Capitol mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả Nhà Trắng hay Tòa nhà Toà án Tối cao Mỹ. Về mặt hình thức, đây cũng là nơi mà Tòa án Tối cao đã hoạt động cho đến năm 1935 khi có tòa nhà riêng của mình. Nhà Trắng hiện nay tồn tại cùng thời gian với Điện Capitol, tức cũng được hoàn tất năm 1800.

Về mặt nội dung, Điện Capitol là nơi thể hiện tiếng nói của người dân. Dân chủ trực tiếp chưa thể thực hiện (và không rõ cho đến khi nào mới trở thành hiện thực), nên hầu như mọi nền dân chủ tại Mỹ và trên toàn thế giới hiện nay mang hình thức dân chủ đại diện. Hiện nay, quốc hội Mỹ có 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ. Những người này đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của gần 331 triệu người dân Mỹ, ngay cả những người chưa có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Mỹ.

Trong ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp của thể chế dân chủ thì lập pháp phải là, và nên là, cơ quan quan trọng nhất. Lý do là bởi nhánh tư pháp không phải do chính người dân bầu chọn và người dân không thể làm công việc đỏi hỏi tính chuyên môn cao này. Còn hành pháp thì tuy do chính người dân bầu chọn, trực tiếp hay gián tiếp, nó vẫn cần được kiểm soát và cân bằng quyền lực (check and balance). Nếu không các thể chế dân chủ dễ trở thành độc tài, khi quyền lực của nhánh hành pháp không thể bị kiểm soát, nhất là khi các nhà lãnh đạo quốc gia có khả năng tập trung quyền lực trong tay.

Điện Capitol sáng rực trong ngày bạo loạn vì pháo sáng.

Các nhà lập quốc Mỹ nhìn ra vấn đề này rất rõ. Họ đã thiết kế tam quyền phân lập để kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa ba ngành, mà mục tiêu chính là ngăn ngừa những kẻ độc tài có nguy cơ lên ngôi, hủy hoại nền dân chủ Mỹ.

Do đó, tại Điện Capitol này, từ việc kiểm phiếu Cử Tri Đoàn để hợp thức hóa vai trò của tổng thống, như đã thấy vào ngày 6/1, đến điều trần quốc hội để các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ được cân nhắc thông qua, đều diễn ra ở đây.

Nói khác đi, Điện Capitol là trung tâm quyền lực, là biểu tượng cho nền dân chủ Mỹ trong suốt 200 năm qua. Điện Capitol cũng là trung tâm quyền lực hàng đầu thế giới kể sau Thế Chiến II khi Mỹ trở thành siêu cường hàng đầu toàn cầu.

Ai kích động nổi loạn?

Với biểu tượng đặc biệt về tự do và dân chủ như thế, sự tấn công và chiếm đóng Điện Capitol trong vài tiếng của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vào ngày 6/1 đã gây nên sự chú ý đặc biệt trên khắp thế giới. Nhiều lãnh đạo thế giới lên tiếng phê bình Trump và những người ủng hộ ông qua sự kiện này.

Có rất nhiều điều đáng nói, nhưng tôi xin trình bày ba điều liên quan đến ông Trump.

Thứ nhất, ông Donald Trump làm gì? Trước khi xảy ra vụ chiếm Điện Capitol, tại cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Trump vào thứ Tư, ông đã kêu gọi họ tuần hành đến Điện Capitol để “loại bỏ những kẻ kém cỏi của Quốc hội” và “giờ là lúc biểu dương sức mạnh.” Từ ngày bầu cử đầu tháng 11/2020 đến giờ, ông Trump liên tục cho rằng cuộc bầu cử gian lận. Trong suốt 4 năm cầm quyền, ông Donald Trump đưa ra bao nhiêu thuyết âm mưu, và liên tục nói dối. Chẳng hạn, vào tháng 8/2020, Trump nói với người ủng hộ rằng nếu ông Joe Biden đắc cử thì “Trung Quốc sẽ sở hữu Mỹ” đến độ dân Mỹ sẽ phải học tiếng Hán. Ngoài những tweet của Trump, những người ủng hộ ông Donald Trump đã sử dụng tin giả và thuyết âm mưu một cách chưa từng thấy. Những tin giả mang tính kích động bạo lực này đã tràn lan trên mọi mạng xã hội. Cho nên những gì xảy ra ngày 6/1 là hệ quả tất yếu của những phát biểu như thế của Trump. Nhưng không chỉ ông Trump, mà còn mốt số thành viên của đảng Cộng hòa cũng hùa theo luận điệu này, hoặc không mạnh mẽ lên tiếng phản bác những luận điệu vu khống vô căn cứ của Trump, cho đến giờ phút cuối.

Người biêủ tình xông vào điện Capitol.

Thứ hai, ông Trump nghĩ gì? Sau khi cuộc nổi loạn diễn ra, ông Trump đã đổi giọng. Ông Trump lên án những người có hành vi bạo động, nói rằng ông phẫn nộ “vì bạo lực, vô pháp luật và hỗn loạn” trong khi mục tiêu duy nhất của ông là “đảm bảo tính toàn vẹn của lá phiếu” và “bảo vệ nền dân chủ Mỹ”. Khi cuộc nổi loạn diễn ra, ông Biden đã phải lên tiếng và lên án thành phần phản loạn và yêu cầu Trump lên truyền hình kêu gọi chấm dứt cuộc nổi loạn để hoàn tất lời hứa và bảo vệ hiến pháp. Sau đó, qua một video phổ biến hai giờ sau khi cuộc nổi loạn xảy ra, thấy tình thế hỗn loạn, Trump mới kêu gọi những người ủng hộ “Đi về nhà đi. Chúng tôi yêu các bạn. Các bạn rất đặc biệt”.

Thứ ba, ông Trump muốn gì? Ông Trump có muốn cuộc nổi loạn xảy ra như đã xảy ra hay không? Ông Trump muốn giữ khoảng cách đối với cuộc nổi loạn chiếm Điện Capitol, như đã thấy qua ý kiến của ông trái ngược nhau, như trình bày ở trên. Nhưng Trump mong đợi gì khi kêu gọi ngưởi ủng hộ tiến đến Điện Capitol, biểu dương sức mạnh, không bao giờ bỏ cuộc hay nhượng bộ?

Là tổng thống, ông Trump thừa hiểu lời nói của ông, trong cuộc biểu tình hôm thứ Tư trước ngày nổi loạn thứ Năm, hay trong bốn năm cầm quyền, có những ảnh hưởng lớn lên những người tin tưởng vào cương vị và trách nhiệm của một tổng thống. Ông Trump thừa biết hàng chục ngàn người tham gia biểu tình vào ngày ngày hôm đó và bao người khác không tham dự biểu tình, tin tưởng gần như hoàn toàn vào từng lời nói của ông. Nếu ôngTrump nghĩ ông chỉ muốn đảm bảo tính toàn vẹn của lá phiếu và bảo vệ nền dân chủ Mỹ, thì những người biểu tình này sẽ giúp ích được gì cho mục tiêu trên? Câu trả lời là con số không, ngoại trừ một cuộc nổi loạn hay đảo chính.

Mọi cơ chế và định chế cũng như tiến trình bầu cử, tố tụng, phiếu cử tri đoàn, vai trò của quốc hội và Phó Tổng thống v.v… có truyền thống từ thời lập quốc đến nay, và vẫn hoạt động tốt. Nhưng Trump không muốn tin vào nó, bởi vì Trump thừa biết nó sẽ không đảo ngược lại kết quả có lợi cho ông.

Ông Donald Trump muốn gì?

Chỉ còn cách hiểu duy nhất là ông Trump tin rằng tiến trình định sẵn sẽ không cho ra kết quả như ông Trump muốn, nên phải dùng đến hàng trăm ngàn người biểu tình này để thị uy, qua đó thay đổi kết quả và chứng nhận ông mới là người thắng cử. Không còn cách hiểu nào khác.

Ông Trump cũng khuyến khích Phó Tổng thống Mike Pence hành động một cách phi quy ước để mang lại kết quả ông Trump mong đợi.

Nhưng ông Donald Trump có vẻ đã lầm to. Tuy có nhiều cố vấn nhưng sự hiểu biết và kinh nghiệm giới hạn của ông Trump về chính trị cũng như hiến pháp và pháp luật Mỹ là nguyên nhân đưa  ông Trump đến những quyết định sai lầm. Nó sẽ gây tổn hại mãi mãi về sau khi các sử gia viết về thời đại Trump trong bốn năm qua.

Trước mắt, đang có áp lực để tiến hành luận tội hay áp lực buộc ông Donald Trump từ chức dù ông Trump chỉ còn vài ngày tại nhiệm. Ngoài ra, hiện đang có nhiều phản ứng vô cùng bất lợi đối với ông Trump từ phía truyền thông, Quốc hội và ngay cả những người trong đảng Cộng hòa, đặc biệt hàng loạt những thành viên trong bộ máy của ông Trump muốn từ chức. Tin mới nhất là ông Donald Trump đã nhận thua, lên án bạo loạn và có vẻ hòa hoãn, nhưng những gì đã xảy ra không thể đảo ngược. Không thể trở lại vị trí ban đầu.

Rốt cuộc, lịch sử sẽ công bằng với ông Donald Trump, như nguyên tắc của mọi “giao dịch” mà ông Trump vẫn thường đề cao.

Phạm Phú Khải

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều