Ông Donald Trump dồn đòn tấn công, Trung Quốc làm ‘cú’ đảo chiều

14/09/2020 06:08

Trung Quốc đang có những thay đổi lớn về chính sách để đối đầu với Mỹ về dài hạn trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ Trung ngày càng leo thang, ông Donald Trump không ngừng ra đòn nhắm vào Bắc Kinh.

Cú đảo chiều lịch sử

Donald Trump dồn đòn tấn công, Trung Quốc làm 'cú' đảo chiều
Căng thẳng Mỹ-Trung được dự báo còn kéo dài.

Trái với tình trạng lao dốc trong những tháng trước, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc gần đây quay đầu tăng mạnh, lên ngưỡng 1 USD đổi 6,83 NDT thay vì mức 1 USD đổi hơn 7,1 NDT hồi cuối tháng 5.

Tốc độ giảm giá của đồng Nhân dân tệ so với USD là rất nhanh. Trên CNBC, Morgan Stanley dự báo đồng tiền của Trung Quốc có thể mạnh lên mức 1 USD đổi 6,6 NDT vào cuối năm 2021 và vị thế của đồng tiền này trên thế giới cũng gia tăng, có thể trở thành đồng tiền thanh toán đứng thứ 3 trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030, chỉ xếp sau USD và euro, vượt qua yen Nhật và bảng Anh.

Đây là diễn biến mới, trái ngược hoàn toàn so với xu hướng giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ chỉ vài tháng trước đó khi mà cuộc chiến Mỹ-Trung leo thang và Bắc Kinh muốn vực dậy nhanh nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 bằng cách thúc đẩy xuất khẩu thông qua một đồng tiền trong nước đứng ở mức thấp.

Những tín hiệu hồi phục tích cực của nền kinh tế Trung Quốc gần đây có lẽ giúp chính quyền Bắc Kinh bớt lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ và có cơ hội để tính chuyện đường dài, tính toán những chiến lược để đối phó với Mỹ.

Donald Trump dồn đòn tấn công, Trung Quốc làm 'cú' đảo chiều
Đồng USD giảm mạnh so với NDT trong vài tháng gần đây.

Nhiều nhận định cho rằng, Trung Quốc đang để đồng NDT tăng giá khi mà Chủ tịch nước này Tập Cận Bình muốn xây dựng một nền kinh tế tự chủ hơn. Một đồng NDT mạnh giúp hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và kích thích tiêu dùng nội địa, qua đó đẩy mạnh tốc độ hồi phục kinh tế.

Trên Bloomberg, ngân hàng DBS và Mizuho cho rằng, chính sách duy trì một đồng NDT mạnh đánh dấu sự thay đổi lớn từ tư duy giữ đồng NDT yếu để thúc đẩy xuất khẩu trước đây của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Đồng USD đã tăng khoảng 5% so với đồng USD kể từ tháng 5 và lên mức cao nhất trong hơn một năm qua. Cách điều chỉnh tỷ giá tham chiếu chính thức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy nước này đang dần dần nâng giá đồng NDT.

Trước đó, PBOC thường sử dụng tỷ giá tham chiếu chính thức như một công cụ để neo giá đồng NDT ở mức thấp. Tuy nhiên gần đây, PBOC cũng dùng công cụ này để định hướng giá đồng tiền của Trung Quốc cao lên trong khi đồng USD yếu dần.

Cũng theo Bloomberg, chính sách nâng giá đồng NDT giúp tháo gỡ một trong những khúc mắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và ép giá đồng NDT ở mức thấp.

Ngoài ra, các ngân hàng nội địa Trung Quốc cũng thích tích trữ NDT hơn nếu đồng tiền này không mất giá. Điều đó sẽ giúp Bắc Kinh giảm bớt sự phụ thuộc của khối tài chính vào đồng USD Mỹ.

Chiến lược dài hạn?

Trên Bloomberg, Giám đốc và chiến lược gia ngoại hối cấp cao của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong cho rằng, một đồng NDT mạnh sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi đồng USD và tối ưu hóa khả năng phân bổ nguồn lực của chính quyền nước này.

Trên CNBC, Morgan Stanley nhận định sức ảnh hưởng của NDT sẽ ngày một gia tăng trong 10 năm tới trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính rộng hơn và xúc tiến các động thái giảm thiểu lệ thuộc vào USD.

Đồng NDT có thể chiếm 5-10% trong tổng tài sản ngoại hối dự trữ toàn cầu vào năm 2030, tăng từ mức 2,02% tính đến cuối tháng 3/2020.

Donald Trump dồn đòn tấn công, Trung Quốc làm 'cú' đảo chiều
Trung Quốc để đồng NDT giảm giá.

Theo Morgan Stanley, đây là một mục tiêu không quá xa vời trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính, thúc đẩy hội nhập thị trường vốn xuyên biên giới,… và tỷ lệ giao dịch bằng đồng NDT xuyên biên giới của Trung Quốc cũng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá gần đây, khả năng đồng NDT vươn lên cạnh tranh ngang ngửa với đồng USD còn là một điều xa vời. Chuyên gia tài chính của Citibank lập luận, đồng NDT khó trở thành kênh trú ẩn an toàn trên thị trường tiền tệ thay thế đồng USD trong những năm  tới vì nó không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết.

Trên CNBC, chuyên gia Citibank lý giải, các “tài sản trú ẩn an toàn” có một số đặc tính nhất định. Đầu tiên là có giá trị lâu dài, mà NDT không đáp ứng được điều kiện này. Chỉ đồng euro có một chút hy vọng. Về tính thanh khoản và khả năng tiếp cận thị trường tài chính địa phương, đồng tiền Trung Quốc vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Với chính sách siêu nới lỏng của Fed gần đây, đồng USD có thể tiếp tục suy yếu, nhưng khả năng sụp đổ, đánh mất vị thế số 1 là chuyện bị thổi phồng quá mức. Theo IMF, tỷ trọng đồng USD trong tổng dự trữ toàn cầu đã giảm từ mức gần 65% hồi đầu 2017 xuống còn 62% trong quý I/2020. Tuy nhiên, đây vẫn là một tỷ trọng rất lớn. Bên cạnh đó, khoảng 50% hợp đồng thương mại toàn cầu vẫn được tính bằng đồng USD, cho dù Mỹ chỉ đóng góp khoảng 12% trong số đó.

Theo công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, đồng USD vẫn sẽ còn tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, nhưng đồng bạc xanh vẫn sẽ là tài sản an toàn khi thế giới bất ổn.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều nâng vị thế đồng NDT trong 1 thập kỷ qua. Sự thống trị của đồng USD khiến Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để đáp trả trong các cuộc đối đầu với Mỹ bởi các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận với hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đồng USD.

Tuy nhiên, tham vọng vươn lên vị trí số 1, soán ngôi đồng USD của Trung Quốc khó có thể sớm trở thành hiện thực. Nỗ lực tách rời khỏi đồng USD của Trung Quốc trong nhiều năm qua chưa thu được mấy kết quả như kỳ vọng. Tỷ trọng đồng NDT trong thanh toán quốc tế vẫn chưa đến 2% vào đầu tháng 7, rất thấp so với đồng USD.

Một điểm quan trọng nữa mà đồng NDT không có được là: Mỹ sở hữu thị trường vốn và thanh khoản lớn nhất thế giới. Hệ thống tài chính của Mỹ minh bạch, linh hoạt và được ưa thích trên toàn cầu.

M. Hà/VNN

Đọc nhiều