Ông Donald Trump dồn dập tung đòn, Trung Quốc im lặng chờ thời

02/12/2020 06:13

Trung Quốc khá im lặng trước những đòn tấn công cuối nhiệm kỳ của chính quyền ông Donald Trump ở vào thời điểm mà mọi thứ sắp ngã ngũ. 

Leo thang căng thẳng

Theo Reuters, Chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị cấm cửa thêm 2 ông lớn Trung Quốc ở ngay trước thềm nhiều khả năng ông Trump phải chuyển giao Nhà Trắng cho ông Joe Biden.

Theo đó, ông Trump sẽ thêm nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC và nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC vào danh sách đen.

Theo sắc lệnh được ông Trump ký ngày 12/11 và có liệu lực từ ngày 11/1/2021, người Mỹ bị cấm đầu tư vào tổng số 31 công ty Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi tháng 6 và tháng 8 năm nay. Sắc lệnh cũng yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ phải bán toàn bộ cổ phần, cổ phiếu đang nắm giữ tại các công ty này trong vòng 1 năm.

Donald Trump dồn dập tung đòn, Trung Quốc im lặng chờ thời
Căng thẳng Mỹ Trung vẫn leo thang.

Các công ty bị ảnh hưởng chủ yếu là những “ông lớn” của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đóng tàu, viễn thông, đường sắt và công nghệ như Hikvision, China Mobile, China Unicom, China Telecom, China Communications, China Railway Construction…

Hồi đầu tháng, cũng theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch nêu tên 4 doanh nghiệp bị nghi vấn, nâng tổng số công ty Trung Quốc trong danh sách đen của Mỹ lên con số 35.

Danh sách này được cho là còn kéo dài. Trước đó, phía Mỹ cũng đã đề cập tới một danh sách  có tới 89 công ty Trung Quốc bị áp hạn chế mua bán hàng loạt hàng hóa và công nghệ Mỹ.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), một doanh nghiệp đang nỗ lực cạnh tranh với Boeing và Airbus được cho là cũng có tên trong danh sách. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cùng 10 thực thể liên quan cũng chung số phận.

Theo sắc lệnh, bên cung ứng ở Mỹ phải xin phép để xuất khẩu hàng loạt mặt hàng thương mại cho những công ty nằm ở trong danh sách này. Và tất nhiên, các đơn xin phép dạng này dễ bị từ chối hơn là thông qua.

Căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang trong bối cảnh chỉ còn ít tuần nữa ông Joe Biden có thể sẽ nhậm chức, thay thế ông Donald Trump. Cho dù bận rộn với cuộc chiến pháp lý chống lại kết quả bầu cử vừa qua, ông Trump vẫn mở rộng một cuộc chiến chống Bắc Kinh sang nhiều lĩnh vực, trong đó có thị trường tài chính, mua bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc.

Hàng loạt các cuộc chiến từ thương mại, công nghệ, tiền tệ, vốn… sẽ củng cố di sản lập trường đối với Trung Quốc của tổng thống Donald Trump, buộc lãnh đạo của đảng Dân chủ sắp tới phải tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh.

Đẩy nhanh các đòn trừng phạt

Những diễn biến mới đã kìm hãm tâm lý hứng khởi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. Theo đó, nhiều người lo ngại chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục có những hành động mạnh tay đối với Trung Quốc trong hơn một tháng tới, trước khi ông Trump rời Nhà Trắng.

Những quyết định mới có thể khiến chính quyền ông Biden khó có thể đảo ngược, ít nhất trong ngắn hạn.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đã có kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ phải có kiểm toán được giám sát bởi Mỹ, nếu không sẽ bị loại ra khỏi các thị trường chứng khoán Mỹ.

Donald Trump dồn dập tung đòn, Trung Quốc im lặng chờ thời
Cuộc chiến Mỹ-Trung được dự báo còn kéo dài.

Chính quyền Mỹ cũng vừa cho ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng TikTok, của Trung Quốc thêm một tuần nữa (tới 4/12) để bán lại mảng kinh doanh của họ tại Mỹ cho các đối tác Mỹ mà cụ thể là Walmart và Oracle, nếu không ứng dụng sẽ bị xóa sổ  vì các nguy cơ an ninh quốc gia như cáo buộc của chính quyền Washington.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/8 đã yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày. Washington sau đó đã gia hạn 15 này để ByteDance chốt hạ thỏa thuận cùng các công ty Mỹ. Theo hồ sơ do TikTok nộp lên tòa án, hạn chót mới được đưa ra là ngày 4/12. Dưới sức ép từ Chính phủ Mỹ, ByteDance đã trải qua nhiều tháng đối thoại để hoàn tất thỏa thuận cùng Walmart và Oracle.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo sẽ cấm ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc này vì nó có thể được sử dụng cho hoạt động do thám.

Không chỉ Mỹ, châu Âu gần đây cũng cảnh giác với các ông lớn công nghệ Trung Quốc. Nhiều ngân hàng châu Âu cho biết, họ cảnh giác với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, như Ant Group hay Tencent, bởi đây là những tập đoàn có thể sớm trở thành đối thủ cạnh tranh chính của họ trong tương lai.

Trên thực tế, các kế hoạch tấn công Trung Quốc của ông Trump đã được nung nấu từ lâu. Những diễn biến gần đây chỉ là các bước leo thang mới nhất song hành với cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn khởi đầu vào ngày cuối tháng 3/2018 khi Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với cáo buộc Trung Quốc có hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Kể từ sau đó, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều động thái trả đũa lẫn nhau, đánh thuế đối với nhiều hàng hóa trong nhiều lĩnh vực.

Bất chấp việc hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại rất nhiều những mâu thuẫn kinh tế chưa được giải quyết, nhất là đại dịch Covid-19 khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng hơn.

Đòn trừng phạt về vốn đối với các công ty Trung Quốc cũng đã được tính toán từ lâu. Đầu năm nay, Tổng thống Trump đã yêu cầu các quỹ hưu trí liên bang hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thúc giục các trường đại học kiểm tra quỹ tài trợ và giảm lượng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.

Sắc lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc cho thấy nhiều khả năng ông Trump sẽ tận dụng những tháng tại nhiệm còn lại của mình để gây sức ép lớn hơn với Trung Quốc.

M. Hà/VNN

Đọc nhiều