128036
category
364012

Ông Đinh La Thăng và thuộc cấp ‘đốt’ hơn 543 tỉ đồng tại Ethanol Phú Thọ

17/02/2020 13:17

Ông Đinh La Thăng quyết liệt chỉ đạo và ra chủ trương giao cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) đứng đầu liên danh triển khai dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

Dự án nhà máy Ethanol tại Phú Thọ chưa có hạng mục nào hoàn thành /// Ảnh: Hoàng Trang
Dự án nhà máy Ethanol tại Phú Thọ chưa có hạng mục nào hoàn thành

Dù biết liên danh nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng ông Đinh La Thăng vẫn quyết liệt chỉ đạo và ra chủ trương giao cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) đứng đầu liên danh triển khai dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) và dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố 10 bị can về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Đinh La Thăng quyết liệt chỉ định thầu

Theo kết luận điều tra, PVB được thành lập ngày 27.12.2007, trên cơ sở vốn góp của các cổ đông Tổng công ty dầu VN (PVOil) thuộc Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và một số cổ đông khác, với mục tiêu thực hiện đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ. Đây là dự án nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học, công suất 100.000 m3 ethanol tuyệt đối (99,7%)/năm, tương đương 330 m3/ngày. Dự án được khởi công từ tháng 9.2009, có tổng mức đầu tư ban đầu 1.317 tỉ đồng, sau đó bị “đội” lên thành 2.484 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn dở dang với nhiều khoản thua lỗ nặng nề.

Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã tiến hành đấu thầu công khai lựa chọn nhà thầu. Có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, bao gồm hồ sơ của liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T (liên danh PVC). Mặc dù PVB có báo cáo thẩm định liên danh PVC không đáp ứng được yêu cầu, nhưng ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục chỉ đạo việc đồng ý chủ trương chỉ định thầu, giao liên danh PVC. Quá trình thực hiện, PVC cũng có báo cáo thừa nhận liên danh không đủ năng lực để thực hiện dự án. Đến tháng 3.2013, dự án đã phải tạm dừng thi công khi chưa có hạng mục nào được hoàn thành.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ góp vốn vào OceanBank dẫn đến mất 800 tỉ đồng, tháng 3.2018

Cơ quan điều tra xác định, Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, đã chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao cho liên danh của PVC thực hiện gói thầu TK05 Ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu. Hành vi này phạm vào tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (năm 2018, ông Đinh La Thăng bị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm trong 2 vụ án xảy ra tại PVC, PVN và Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), tuyên phạt tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt là 30 năm tù).

Hàng loạt lãnh đạo PVN, PVB, PVC dính chàm

Cùng tội danh “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố hàng loạt bị can khác.

Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc PVB. Hà tham gia các cuộc họp của ban bàn về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, Tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu lập hồ sơ yêu cầu loại bỏ một số tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm để chỉ định thầu cho liên danh PVC…

Phạm Xuân Diệu, với vai trò là Chủ tịch, Tổng giám đốc PVC, dù biết liên danh nhà thầu PVC không đủ năng lực nhưng vẫn ký văn bản gửi PVB, PVN xin được chỉ định thầu; đồng ý theo nội dung cuộc họp HĐQT với Ban Tổng giám đốc PVC và nghị quyết của HĐQT PVC về thực hiện gói thầu TK05…

Trần Thị Bình, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, Phó trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án nhiên liệu sinh học của PVN, thực hiện theo chỉ đạo của Đinh La Thăng ký văn bản yêu cầu PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu EPC; đồng thời, đề xuất HĐQT PVN ra quyết định đồng ý chủ trương giao liên doanh nhà thầu PVC thực hiện gói thầu TK05 theo hình thức chỉ định thầu…

Kết luận điều tra nêu rõ, từ ngày bắt đầu triển khai dự án 21.9.2009 đến ngày khởi tố vụ án 11.6.2018, PVB đã thanh toán cho PVC tổng cộng hơn 610 tỉ đồng, thanh toán cho Alfa gần 237 tỉ đồng. Từ ngày 27.3.2013 đến nay, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành bàn giao. Tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư đã sử dụng hơn 1.467 tỉ đồng để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol và các dự án thành phần. PVB đã vay của 2 ngân hàng tổng số tiền hơn 754 tỉ đồng. Từ ngày dự án dừng thi công (27.3.2013) đến ngày 25.7.2014, PVB đã trả lãi vay hơn 125 tỉ đồng, số tiền lãi PVB còn phải trả cho các ngân hàng từ 26.7.2014 đến ngày khởi tố vụ án là hơn 417 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định thiệt hại tại dự án gây ra là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng, tổng cộng hơn 543 tỉ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có góp vốn của PVN và các đơn vị thành viên. Theo kết luận thanh tra, đơn vị được chỉ định thầu thực hiện dự án ethanol tại Phú Thọ là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC). Tuy nhiên, PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án nhiên liệu sinh học. Việc chỉ định thầu cho PVC thực hiện các công việc chính của dự án là vi phạm luật Đấu thầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trong quá trình thực hiện PVC phải dừng thi công dự án gây thiệt hại lớn

Anh Vũ, Thái Sơn/TNO

Đọc nhiều