128036
category
484018

Ông Đinh La Thăng dùng lời “rất nặng” với Trịnh Xuân Thanh

11/03/2021 15:05

“Nếu PVC không thống nhất được, PVB cũng sẽ chọn nhà thầu khác. Vậy mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh lại nói nhận thầu với giá 59 triệu USD là do PVN có công văn chỉ đạo. Xin lỗi anh Thanh, chứ anh nói thế khác nào tự tát vào mồm”, ông Thăng quay về phía người từng là thuộc cấp nói.

Trưa 11/3, bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa gần một tiếng trong ngày thứ tư xét xử vụ án sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ. Ông Thăng nói không được tham dự đầy đủ phiên thẩm vấn như các bị cáo khác nhưng “có thể khẳng luận tội của đại diện VKS giống hệt cáo trạng”.

Bị cáo đề nghị được thực hiện quyền xét hỏi của mình với các bị cáo khác bởi trong phần thẩm vấn đã bị cách ly. Khi chủ toạ thông báo phần đó đã qua, ông Thăng vung tay vào bục dành cho bị cáo, nói: “Buổi nào tôi cũng chỉ được tham gia mỗi phút bù, giờ vậy làm sao mà nắm được. Toà phải bù lại cho tôi”.

Không được chấp nhận, ông Thăng tiếp tục tự bào chữa, cho rằng việc bị cáo buộc với vai trò chủ tịch PVN, trưởng ban chỉ đạo dự án để thực hiện vai trò chủ mưu, trưởng nhóm lợi ích là không đúng. Ông chỉ làm trách nhiệm của người đứng đầu để triển khai khi dự án đã nằm trong tổng thể phát triển của PVN, đã được Thủ tướng phê duyệt. “Tôi không phải chủ mưu”, ông nói.

“Nếu tôi không triển khai dự án này khi mà đề án tổng thể đã phê duyệt, ai sẽ là người thực hiện. Nhờ chủ trương của Đảng, Chính phủ mà đội ngũ của PVN mới trưởng thành và thực hiện được các dự án trên biển Đông trong khi các tập đoàn nước ngoài không làm được. Trong khi Đảng, Chính phủ đang khuyến khích những người dám nghĩ dám làm như vậy mà với một tấm gương như tôi lại bị coi là chủ mưu, có đáng không”, cựu chủ tịch PVN trình bày.
Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.

Cho rằng “ngành dầu khí cũng như các ngành khác, không có lần đầu tiên thì làm sao có những lần sau”, ông Thăng đề nghị VKS làm rõ tại sao cáo buộc PVC chưa làm dự án nhiên liệu sinh học nào nhưng vẫn triển khai dự án Ethanol Phú Thọ. “Khi Chính phủ đã có chủ trương mà không có lần đầu tiên thì sao có những dự án lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tôi đề nghị VKS giải đáp nếu hồi đó PVN không triển khai chủ trương, thực hiện dự án thì trong nước sẽ ai là người thực hiện hay là giao cho nước ngoài”, ông Thăng nói.

Vai trò là chủ tịch HĐQT, ông không có trách nhiệm buộc phải biết các việc của cấp dưới. “VKS cáo buộc như vậy thì phải chỉ ra những quy định pháp luật. Nếu không làm rõ sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh khiến người đứng đầu ở các đơn vị khác lo sợ khi làm dự án”, cựu chủ tịch PVN trình bày khi tự bào chữa.

Nhìn về phía đại diện VKS, ông Thăng nói: “Tại sao bản cáo trạng chỗ nào cũng ghi Đinh La Thăng chỉ đạo. Hơn nữa việc nhắc đến ở đây còn liên quan trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, tôi đề nghị xem lại”.

Sau đề nghị cơ quan công tố đưa ra bằng chứng, lời khai về việc chỉ đạo PVN giao thầu cho liên doanh của PVC, ông khẳng định chỉ giới thiệu PVC trong nội bộ tập đoàn theo đúng thẩm quyền chứ không ép lựa chọn thầu bởi đây là thẩm quyền của chủ đầu tư PVB. Hơn nữa, PVB không thuộc PVN nên không phải nghe theo các nghị quyết của PVN.

Ông không làm thay việc của chủ đầu tư cũng chưa bao giờ có kết luận nào về năng lực nhà thầu. PVC đưa ra giá thầu là 87 triệu USD mà PVB chỉ chấp nhận giá 59 triệu USD. Từ đó, ông ra kết luận làm theo giá của chủ đầu tư đưa ra, chứ không có chuyện chỉ định thầu.

“Nếu PVC không thống nhất được, PVB cũng sẽ chọn nhà thầu khác. Vậy mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh lại nói nhận thầu với giá 59 triệu USD là do PVN có công văn chỉ đạo. Xin lỗi anh Thanh, chứ anh nói thế khác nào tự tát vào mồm”, ông Thăng quay về phía người từng là thuộc cấp nói.

Chủ toạ liền ngắt lời, nhắc nhở ông Thăng không được nói như vậy. Cùng lúc, bị cáo Thanh ngồi phía dưới liên tục giơ tay để trả lời song không được chấp nhận.

Các bị cáo tại toà. Ảnh: Nam Anh.

Cuối phần bào chữa, ông Thăng cho hay dự án Ethaonol Phú Thọ tạm dừng do nhiều nguyên nhân chứ không phải do năng lực nhà thầu. Dự án này quy mô cũng không lớn, kỹ thuật không phức tạp so với các dự án khác PVN từng triển khai. Bởi vậy, ông cho rằng “nguyên nhân số một là không có tiền”.

“Thủ tướng trước đó cũng đã đồng ý chủ trương vừa thiết kế vừa thi công dự án này. Quá trình thay đổi thiết kế theo hướng tốt hơn cần hoạch toán để lấy tiền làm nhưng không có tiền. Cơ quan chức năng hoãn hết lần này đến lần khác. Thế giới dùng các công nghệ tiên tiến nhưng Việt Nam vẫn đì đẹt, không quyết liệt khiến dự án ngưng trệ”, ông Thăng nói.

Nội dung bào chữa trên của ông Thăng sẽ được VKS đối đáp trong phần tranh tụng những ngày tới.

Theo cáo trạng, năm 2007 ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.

Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.

Cáo trạng xác định, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, “quyết liệt” định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.

VKS đề nghị phạt ông Thăng 12-13 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.

Cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị phạt 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; 10-11 năm tù về Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Đây là người duy nhất trong vụ án bị truy tố hai tội danh.

9 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30 tháng đến 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.

Minh Ngọc

Đọc nhiều