Bản luận tội được đại diện VKS Quân sự Thủ đô Hà Nội công bố sáng 28/12, sau một ngày xét hỏi.
VKS kiến nghị HĐXX phạt Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt 25-26 năm.
Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp bị đề nghị 6-7 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Hồ Anh Sơn, cựu thượng tá, cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y, bị đề nghị 11-13 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ba cựu đồng nghiệp của ông Sơn tại Học viện Quân y bị cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số này, VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù với bị cáo Nguyễn Văn Hiệu, cựu đại tá, cựu trưởng Phòng Trang bị Vật tư; 3-5 năm tù với bị cáo Ngô Anh Tuấn, cựu thiếu tá, cựu trưởng Phòng Tài chính và 6-7 năm với bị cáo Lê Trường Minh, cựu thiếu tá, cựu trưởng Ban Hóa dược.
Ông Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, bị đề nghị 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị cáo đều bị VKS đề nghị HĐXX tuyên cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý 2-5 năm sau khi chấp hành xong án tù.
Về dân sự, VKS đề nghị Tòa tuyên buộc ông Sơn bồi thường số tiền đã được Học viện Quân y giải ngân thực hiện đề tài, gần 7,7 tỷ đồng; buộc Công ty Việt Á trả lại 10,8 tỷ đồng được chuyển để thực hiện đề tài và hơn 20 tỷ đồng do vi phạm quy định đấu thầu. Tổng số tiền Việt Á phải nộp hơn 31 tỷ đồng.
Với hơn 400 triệu đồng Học viện Quân y được Nhà nước cấp thực hiện đề tài, song chưa sử dụng, đơn vị này cần chuyển trả Nhà nước. Các bị cáo đã được Việt Á chi tiền hoa hồng trong vụ án, phải nộp lại.
VKS ghi nhận các bị cáo đã nộp khắc phục tổng gần 19 tỷ đồng, trong đó ông Sơn 5,3 tỷ đồng, ông Hiệu 3,7 tỷ đồng, ông Tuấn 1,1 tỷ đồng, ông Hùng 350.000 USD (tương đương 8,5 tỷ đồng).
VKS đánh giá đây là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng”, các bị cáo vì động cơ vụ lợi, dẫn đến xâm phạm đến các hoạt động bình thường, đúng đắn của Nhà nước; tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước và Học viện Quân y nói riêng, do đó cần mức án nghiêm khắc để răn đe.
Tổng giám đốc Việt Á bị VKS quy kết “vì vụ lợi cá nhân”, muốn kit của công ty được cấp phép đã thông đồng với ông Hùng, Sơn. Việc này dẫn đến không sử dụng quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y để sản xuất 20.000 sản phẩm thử nghiệm mà dùng kit test do Công ty Việt Á cung cấp để đi thử nghiệm, nghiệm thu đề tài trái pháp luật.
Bị cáo Việt chỉ đạo Vũ Đình Hiệp lập biên bản bàn giao không đúng nội dung để Sơn trình thiếu tướng Hoàng Văn Lương (cựu phó giám đốc Học viện Quân y) ký để Công ty Việt Á làm thủ tục cấp phép tại Bộ Y tế. Việc ký biên bản bàn giao này giữa Học viện Quân y và Việt Á chỉ là “hình thức, hợp thức” để xin cấp phép, còn thực chất không có việc tiếp nhận, sử dụng quy trình của Học viện Quân y để sản xuất kit, VKS nêu quan điểm luận tội.
Với sai phạm này, VKS đánh giá Phan Quốc Việt là người thực hành tích cực, chịu trách nhiệm sau ông Hùng, Sơn và phải chịu trách nhiệm với tổng thiệt hại của đề tài, hơn 18 tỷ đồng, chịu trách nhiệm trực tiếp phần tiền Công ty Việt Á trực tiếp được giao là 10,8 tỷ đồng.
Bản luận tội nêu, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài, tuy có thực hiện nghiên cứu song không nghiêm túc, không đầy đủ. Ông Sơn “thông đồng” với ông Hùng và Việt để giúp Việt Á gian dối trong việc được phê duyệt và cấp phép sản xuất kit test, để Việt Á sau đó thu lợi hàng nghìn tỷ đồng. Ông Sơn được Việt Á chia 2,5 tỷ đồng.
VKS còn quy kết ông Sơn mua, bán tăm bông, ống môi trường ở bên ngoài, dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự/Học viện Quân y và cung cấp cho Công ty Việt Á, thu lợi 2 tỷ đồng.
Trả lời tại phiên tòa, các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi, xác nhận số tiền đã được hưởng lợi như bị cáo buộc song cho rằng động cơ chỉ muốn nhanh chế tạo được kit test Covid-19 kịp thời, phục vụ chống dịch cấp bách. Tiền hưởng lợi “đã nộp lại ngay” hoặc “vẫn để nguyên trong tài khoản, chưa tiêu gì”, như lời khai của 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y.
Với sai phạm về nghiên cứu chế tạo kit test, cựu thượng tá Sơn cho hay được ông Hùng “đề xuất, gợi ý” đưa công ty Việt Á vào phối hợp thực hiện.
Còn ông Hùng khai giới thiệu Việt Á cho ông Sơn với động cơ đơn giản, nghĩ đây là doanh nghiệp đủ điều kiện ISO theo yêu cầu Bộ Y tế để sản xuất sản phẩm kit test PCR Covid-19; Học viện quân y có đề tài nhưng không thể tự sản xuất vì không có ISO này và cũng không tự tìm được doanh nghiệp nào có ISO này.
Ông Hùng nói giới thiệu Việt Á trong cuộc họp theo “thủ tục hành chính” cơ bản. “Việc Việt Á có được chấp nhận thực hiện đề tài với Học viện Quân y hay không”, ông không có thẩm quyền. Hơn nữa, sau khi giới thiệu Việt với bị cáo Sơn, hai người tự liên lạc, làm việc với nhau và ông không liên quan gì nữa.
Ông Sơn và Việt không phản đối lời khai của ông Hùng.
Bị cáo Việt khai Việt Á là “hàng đầu” trong sản xuất vật tư y tế, kit test. Thời điểm được ông Hùng gợi ý tham gia đề tài cùng Học viện Quân y, Việt Á đã nghiên cứu gần xong kit test này. “Việt Á tham gia đề tài vì đủ năng lực và điều kiện”, Việt khẳng định.
Trước cáo buộc mượn trước kit test của Việt Á để chống dịch tại địa phương sau đó khống hồ sơ đấu thầu để nâng giá, chia chác, ba cựu sĩ quan Hiệu, Tuấn, Minh thừa nhận biết sai nhưng vẫn thực hiện. Họ cho hay không bàn bạc với ai để hưởng lợi, song khi được Việt Á “lại quả”, họ vẫn nhận.
Theo VKS cáo buộc, dù Học viện Quân y báo cáo Bộ Quốc phòng xin ngân sách 24,6 tỷ đồng nhưng trên thực tế Học viện đã thanh toán cho Việt Á 41,7 tỷ đồng, tức cao hơn báo cáo Bộ Quốc phòng hơn 17 tỷ. Sau khi được Học viện Quân y thanh toán, Việt Á “lại quả” cho ông Sơn 2,5 tỷ đồng, cho ông Hiệu 3,56 tỷ và ông Tuấn 1,37 tỷ.
Tại tòa, Học viện Quân y yêu cầu Việt Á trả lại số tiền 10,8 tỷ đồng mà Học viện đã giải ngân cho công ty này để thực hiện đề tài nghiên cứu nhưng “không có kết quả”. Trong khi đại diện Việt Á cho rằng mới được Học viện chuyển “đúng một tỷ”.
Công ty cũng cho hay còn hàng nghìn bộ kit test Việt Á đã bán cho Học viện Quân y để phục vụ chống dịch tại địa phương, song đến nay chưa được trả tiền.
“Việt Á kinh doanh hợp pháp, do đó Học viện mua hàng thì phải trả đủ tiền”, Phan Quốc Việt và đại diện Việt Á đồng quan điểm, yêu cầu Học viện Quân y trả nốt tiền còn nợ mua kit test.
Bích Vân