28
category
460346

Ông chủ khởi nghiệp bằng chiếc chảo gang

26/12/2020 08:47

Ngày đầu mới bán bột ngũ cốc, Long và vợ đi khắp làng kiếm củi đem về rang đậu, nhiều hôm rang tới nửa đêm để kịp giao cho khách.

Cuối tuần qua, Phạm Văn Long và vợ Nguyễn Phương Liên vừa tổ chức buổi gặp mặt với hơn 100 đại lý phía Bắc. Hồi đầu tháng, hai vợ chồng cũng đã gặp gỡ các đại lý phía Nam. Công ty sản xuất bột ngũ cốc của họ ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, đang có doanh thu hơn nửa tỷ mỗi tháng. Một nhà xưởng 500 m2 với công nghệ sản xuất hoàn toàn bằng máy móc hiện đại cũng đang chuẩn bị hoàn thiện để thay thế cho xưởng 150 m2 cũ.

Vợ chồng Long và Liên những ngày đầu mới khởi nghiệp bằng bột ngũ cốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Vợ chồng Long và Liên những ngày đầu mới khởi nghiệp.

Nhưng hơn ba năm trước, Long đang trong một tương lai mịt mù. Bệnh đau lưng của anh tái phát sau thời gian buôn thức ăn gia súc, chăn nuôi lợn gà phải mang vác nặng. Giá lợn lao dốc, người mua không thể trả nợ, vợ chồng Long phá sản và còn ôm theo khoản nợ 250 triệu đồng.

Đôi vợ chồng đành quay trở lại nghề bán giò bê, nem chua từng làm trước đó. Những ngày nằm viện, Long vẫn quảng cáo, kết nối đầu ra cho vợ bán hàng tại nhà. Còn Liên không quản ngại buôn thúng bán mẹt, gom nhặt từng đồng. “Nhớ có lần gom lãi bán nem chua 10 ngày được hơn 2 triệu, đưa hết cho chồng mua thuốc chữa bệnh. Tự nhiên nghĩ làm mãi mới được mà tiêu vèo cái hết, nước mắt ứa ra”, cô kể.

Tết 2018, họ dư được 100 triệu đồng để trả bớt nợ. Đêm giao thừa, hai vợ chồng tâm sự trắng đêm. Long vốn là một kỹ sư ngành công nghệ ôtô và có công việc tốt tại một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chọn rời thành phố lớn về quê thực hiện lý tưởng khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Phương Liên bị thu hút bởi tính dám nghĩ dám làm của người bạn cùng quê. Đôi trẻ yêu nhau và quyết định về chung một nhà. Rơi vào tình cảm khó khăn, đôi vợ chồng động viên nhau chỉ cần đồng lòng thì tương lai vẫn rộng mở.

Lê Văn Long thuộc thế hệ trẻ về quê làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong 4 năm qua, anh đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Phạm Văn Long thuộc thế hệ trẻ có trình độ, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong 4 năm qua, anh đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp. Vợ anh, Phương Liên cũng tham gia nhiều khóa học khác nhau để có thêm kiến thức lập nghiệp. 

Cơ hội mở ra với họ ngay sau đó. Một hôm Liên mua hộp bột ngũ cốc để vợ chồng “bồi bổ”, Long bất chợt nảy ra ý tưởng sản xuất sản phẩm này. Quê của họ là một xã thuần nông, sẵn có nguyên liệu làm ngũ cốc. Cặp vợ chồng cũng nhận thấy người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng sản phẩm dinh dưỡng từ hạt. Hơn nữa, họ đều xuất thân nhà nông nên hiểu làm ra nông sản phải đối mặt nhiều rủi ro mất mùa, năm được mùa thì lại rớt giá. “Tôi nghĩ đến tương lai nếu mình thành công sẽ bao tiêu được đầu ra nông sản cho bà con mà thấy phấn khích trong lòng”, chàng trai nói.

Những ngày đầu xuân 2018, mưa phùn rả rích, đôi vợ chồng buộc xe cải tiến vào đuôi xe máy, đi khắp nơi kiếm củi về nhóm bếp rang hạt. Củi ướt, nhóm nửa tiếng chỉ thấy khói bốc lên. Nhiều khi rang được mẻ đậu thì hạt cháy, hạt sống. Sang hè nắng nóng 40 độ, họ tranh thủ sáng sớm và chiều mát ngồi bên bếp củi rang đỗ. Hôm nào khách đặt nhiều thì làm tới nửa đêm mới nghỉ.

“Khổ nhất là mùa đông đi gửi hàng vào sáng sớm. Không biết bao lần chở nặng, xe hàng bị đổ, không dựng lên nổi. Đi sớm quá không nhờ được ai cả, vậy là cứ ngồi co ro bên xe, chờ sáng rõ có người đi qua thì nhờ họ đỡ giúp”, Long nhớ lại.

Lãi được đồng nào, họ đầu tư trở lại cho máy móc sản xuất và nhà xưởng chừng ấy. Tháng thứ ba sau khi khởi nghiệp, họ mua được máy đóng gói thay cho cái hộp không nhãn mác ban đầu tiếp đó mua được máy sấy. Đến tháng thứ 6, bỗng một ngày có người lạ đã chuyển vào tài khoản Long 10 triệu đồng kèm lời nhắn: “Cho Long tiền mua máy rang”. Đôi vợ chồng thấy lâng lâng và may mắn vì từ nay đã có thể rời xa chiếc chảo gang bỏng giãy.

Sản phẩm đầu tiên họ làm là bột ngũ cốc cao cấp, gồm các loại đậu xanh, đen, đậu đỏ ủ lên mầm, sấy khô rồi rang xay. Mẻ đầu trộn lẫn ba loại đậu rồi rang, thấy không ngon. Làm lại mẻ khác vẫn ra kết quả tương tự. Mẻ ba, họ tách từng loại đậu rang riêng, trộn thêm các loại hạt dầu như óc chó, hạnh nhân, máy xay bị kẹt cứng, không xay nổi…

Sau sáu lần thất bại thì họ tìm ra công thức ưng ý. Các sản phẩm sau đó không ngừng cải tiến qua sự góp ý của các chuyên gia dinh dưỡng và khách hàng, từ đó tạo ra 7 loại bột ngũ cốc khác nhau.

Bên cạnh nỗi nhọc nhằn trong quá trình khởi nghiệp, một khó khăn khác nhiều lần thử thách vợ chồng Long Liên, đó là bất đồng quan điểm. Đôi lúc lỗi vợ, lỗi chồng khiến mẻ đậu bị hỏng, phải đổ bỏ, vừa tiếc tiền, tiếc công nên to tiếng với nhau. Nhiều lúc bực quá, mỗi đứa quay một ngả, chẳng nói với ai câu nào.

Đỉnh điểm khi công việc bắt đầu khởi sắc, Long muốn triệt để dừng kinh doanh giò me để “dùng hai tay bắt con cá lớn”. Liên lại tiếc vì đang có lượng khách hàng ổn, lãi không nhỏ, đặc biệt vào dịp Tết. Hơn nữa việc kinh doanh “tay trái” này cũng có lợi trong trường hợp “tay phải” không suôn sẻ.

“Anh ấy khuyên không được thì kệ mình tôi làm. Khách hỏi, anh ấy không muốn vợ bán nên giới thiệu tận nhà sản xuất. Ban đầu tôi bực lắm. Phải sau một thời gian tôi mới chấp nhận quan điểm bỏ cái nhỏ làm cái lớn. Những bước tiến sau đó cho thấy chồng tôi đã đúng”, Phương Liên cho hay.

Long chia sẻ, không ít người quan niệm vợ chồng không nên khởi nghiệp cùng nhau. Những khó khăn đã qua khiến Long thấy điều này hoàn toàn có cơ sở. Song anh khác mọi người ở chỗ từ trước khi yêu và cưới, anh và Liên đã chung lý tưởng với nhau.Liên là một người vợ chịu khó, nhanh nhẹn, không nề hà khó khăn, nếu là một cô gái khác, tôi nghĩ khó mà vượt qua được”, Long bộc bạch.

Liên (ngoài cùng phải) và Long (áo đen giữa) với những người cùng chí hướng trên cánh đồng đậu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Liên (ngoài cùng bên trái) và Long (áo đen giữa) với những người cùng chí hướng trên cánh đồng đậu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vợ chồng Long bắt đầu gặt hái được thành công sau vài tháng làm bột ngũ cốc. Từ một nhà xưởng nhỏ bé trống huơ hoác, chỉ có cái chảo rang và máy xay sinh tố, nay họ đã có dây chuyền sản xuất đồng bộ. Từ một hộ kinh doanh gia đình hai vợ chồng nay họ đã thành lập công ty, tăng thêm 6 nhân công. Đến giờ sản phẩm đã có mặt trên kệ một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm ba miền.

Cuối năm ngoái, vợ chồng Long liên kết với một người bạn có trang trại 25 ha đất phù sa ở hạ nguồn sông Lam để trồng các loại đậu và vừng theo phương thức không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không kích thích tăng trưởng và không phân bón hóa học hay giống biến đổi gene. Anh cũng đang làm việc với bà con trong xã Tân Thành, một khi cam kết phương thức canh tác sẽ mua nông sản với giá cao hơn thị trường.

Chị Trần Thị Thoa, bí thư đoàn xã Tân Thành cho biết, công ty của Long và Liên là một trong 17 doanh nghiệp trong CLB thanh niên trẻ phát triển kinh tế của xã. Những năm qua xã đã khuyến khích thanh niên về quê lập nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bà con, đặc biệt kết nối với các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp để bao tiêu đầu ra. “Những doanh nghiệp giống như của vợ chồng Long, Liên sẽ góp phần mang lại đời sống ấm no hơn cho bà con nông thôn”, chị Thoa cho biết.

Giữa hàng nghìn phản hồi của khách hàng về sản phẩm, Long nhớ mãi lời khen của một chị khách: “Ngũ cốc bên em có hương vị của bột đậu nội chị pha hồi chị còn nhỏ, chị đã uống nhiều nơi, tìm nhiều chỗ mà không chỗ nào có vị giống như thế!”.

Đọc xong Long rơm rớm. Anh nhận ra sản phẩm của mình có hương vị của tuổi thơ – thứ thơm ngon, ngọt lành và khó quên nhất…

Phan Dương/ VNE

Đọc nhiều