Ông Abe vượt bão bê bối, trở thành thủ tướng Nhật bền bỉ nhất lịch sử

21/11/2019 06:09

Ông Shinzo Abe ngày 20/11 chính thức trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản, đứng vững ở chính trường với khả năng vượt qua mọi bê bối.

Thủ tướng Shinzo Abe củng cố vững chắc vị trí của mình trên chính trường Nhật Bản với chính sách ngoại giao khôn khéo, bất chấp tinh thần chủ nghĩa dân tộc đến bảo thủ và hàng loạt bê bối liên quan đến cá nhân mình, theo nhận định của AFP.

Trong nước, ông ghi dấu ấn với sách lược kinh tế mang tên của chính mình, “Abenomics”. Về mặt đối ngoại, ông kiên trì lấy lòng lãnh đạo nhiều cường quốc, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Giai đoạn lãnh đạo của ông Abe đã giúp Nhật Bản trở thành hòn đảo của ổn định chính trị, giữa lúc nhiều nền dân chủ công nghiệp phát triển khác trong một thập kỷ qua chìm trong cảnh chính phủ yếu kém, không được lòng dân, hoặc không thể tồn tại lâu”, Tobias Harris, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn chiến lược quốc tế Teneo, nhận định.

Ong Abe vuot bao be boi, tro thanh thu tuong Nhat ben bi nhat lich su hinh anh 1
Ông Shinzo Abe ngày 20/11 chính thức trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Chính khách lão luyện

Ông Shinzo Abe làm việc cho tập đoàn thép Kobe được 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học. Đó chỉ là một đoạn rẽ ngắn trước khi ông trở lại con đường định mệnh – chính trường Nhật Bản, gầy dựng tên tuổi trong sự nghiệp chính trị với những phát ngôn cứng rắn về vấn đề Triều Tiên.

Năm 2006, ông Shinzo Abe đó trở thành thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản vào ở tuổi 52, để rồi phải từ chức chỉ một năm sau vì nhiều bê bối chính trị và bệnh viêm đại tràng. Gần 6 năm sau, ông hồi sinh những tham vọng chính trị của mình khi đắc cử thủ tướng lần thứ 2 cùng đảng Tự do Dân chủ (LDP) và đưa ra cam kết vực dậy nền kinh tế quốc gia.

Trên chính trường quốc tế, Thủ tướng Abe còn nỗ lực thắt chặt quan hệ cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và hàn gắn ngoại giao với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình dự kiến có chuyến viếng thăm đến Nhật Bản vào đầu năm 2020.

Đặc biệt, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Trump, với hy vọng bảo vệ quan hệ đồng minh then chốt của Nhật Bản bất chấp chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của Washington.

Ông thu hút sự chú ý của truyền thông khi đến thăm ông Trump tại tòa cao ốc ở New York trước cả lễ nhậm chức ở Nhà Trắng vào tháng 1/2017. Trong hai năm qua, hai nhà lãnh đạo bồi đắp mối quan hệ cấp cao qua nhiều cuộc gặp thượng đỉnh và các buổi đánh golf xa xỉ.

Nhà lãnh đạo 65 tuổi không ngại dùng hình ảnh cá nhân để thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước. Ông từng hóa trang thành Super Mario, nhân vật game nổi tiếng Nhật Bản, để giới thiệu cho sự kiện Thế vận hội Tokyo năm 2020. Trước vòng chung kết thế giới Rugby, ông cũng xuất hiện trong một video quảng bá sự kiện.

Hình ảnh chính khách chuyên nghiệp còn được củng cố với hàng loạt sự kiện lớn tại Nhật Bản trong năm 2019, từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka đến đại lễ đăng cơ của Nhật hoàng Naruhito.

Liên tiếp bê bối

Là hậu duệ của gia đình có truyền thống chính trị lâu đời, với cha là cựu ngoại trưởng còn ông ngoại từng giữ chức thủ tướng, ông Shinzo Abe nhiều lần bị chỉ trích là một người kiêu ngạo và bảo thủ. Cá tính này đã gây nên không ít sóng gió cho chính phủ của ông trong 7 năm qua.

Lập trường dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Abe không ít lần chọc giận các nước láng giềng, vốn chưa quên được ký ức về nền quân phiệt Nhật Bản thời chiến tranh. Tham vọng của ông về cải cách hiến pháp, củng cố vị thế quân đội cũng khiến nhiều nước trong khu vực cảm thấy phải dè chừng.

Ong Abe vuot bao be boi, tro thanh thu tuong Nhat ben bi nhat lich su hinh anh 2
Thủ tướng Shinzo Abe hóa trang thành nhân vật Mario Bros tại đêm bế mạc Thế vận hội Brazil năm 2016, chào mừng thế vận hội sẽ đến với Nhật Bản vào năm 2020. Ảnh: Kyodo.

Năm 2013, nhà lãnh đạo Nhật Bản thăm đền Yasukuni, nơi thờ lính tử trận vì đã chiến đấu cho Nhật hoàng. Động thái này gây ra nhiều sóng gió ngoại giao cho Tokyo, khiến cả đồng minh Washington phải bày tỏ thất vọng. Thủ tướng Abe trong 6 năm qua phải tránh xuất hiện tại ngôi đền gây tranh cãi.

Ông cũng không từ bỏ tham vọng cải cách hiến pháp gây tranh cãi. Đảng LDP sẽ cần sự tán thành của hơn 2/3 lưỡng viện Nhật Bản và hơn 1/2 số phiếu ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý. Dự định này gây nên nhiều chia rẽ trong cử tri Nhật Bản, làm dấy nên hoài nghi ông Abe không thể hiện thực hóa di sản chính trị lớn nhất của mình.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản còn theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn với Hàn Quốc trong nhiều vấn đề về di sản chiến tranh. Quan hệ Nhật – Hàn những tháng qua rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Chiến lược kinh tế Abenomics của thủ tướng Nhật Bản cũng không phát huy được hiệu quả mạnh mẽ như ông cam kết. Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm. Trong khi đó, nhiều bê bối chính trị liên tiếp vài năm qua khiến nội các Nhật Bản rơi vào sóng gió.

Thủ tướng cũng đối diện với một loạt bê bối chính trị trong thời gian qua. Ông vừa phải hủy buổi tiệc hoa anh đào ở Tokyo truyền thống sau khi xuất hiện thông tin ông mời người ủng hộ đến sự kiện tổ chức bằng tiền ngân sách. Văn phòng thủ tướng Nhật Bản cũng vấp phải cáo buộc vi phạm luật vận động tranh cử xung quanh vụ việc.

Đầu năm 2019, một bộ trưởng Nhật Bản cũng vướng vào bê bối chủ nghĩa thân hữu. Truyền thông hé lộ tập đoàn giáo dục Moritomo Gakuen nhận được sự ưu ái nhờ lãnh đạo quen biết phu nhân ông Abe, bà Akie Abe.

Bất chấp những bê bối liên tiếp và chính sách gây tranh cãi, chính khách lão luyện của Nhật Bản vẫn giữ vững vị thế của mình khi phe đối lập chìm trong chia rẽ và không nổi lên ứng viên nào đủ sáng giá, theo Guardian.

Thủ tướng Shinzo Abe nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vai trò người lèo lái chính phủ Nhật Bản đến tháng 9/2021, khi nhiệm kỳ chủ tịch đảng LDP của ông kết thúc. Hiến pháp Nhật Bản không đặt ra giới hạn cho nhiệm kỳ thủ tướng.

Thanh Danh/ Zing News

Đọc nhiều