425
category
402799

Ở Việt Nam, truyện cổ tích bị ‘xét lại’ từ bao giờ?

21/06/2020 08:08

Ở Việt Nam xuất hiện nhiều ý kiến phê phán chi tiết bạo lực hoặc hàm ý ẩn chứa trong truyện cổ tích, khi không còn phù hợp giá trị quan của xã hội đương đại.

Chẳng hạn, người ta phê phán những chi tiết trả thù đậm sắc màu bạo lực và phi nhân văn trong truyện Tấm Cám hay những chi tiết có ám chỉ, gợi nhắc tới tính dục của truyện Sự tích sao Hôm và sao Mai…

Câu hỏi phê phán xuất hiện bao giờ?

Truyện cổ tích vốn được coi là sáng tác dân gian, ra đời từ lâu, được kể đi kể lại qua nhiều đời, được văn bản hóa, chỉnh lý, xuất bản, đưa vào sách giáo khoa, sách tham khảo trong một thời gian dài.

Trong khoảng thời gian đáng kể đó, chắc chắn người ta đã sử dụng chúng mà không hề đặt câu hỏi hay băn khoăn về sự hợp lý của các chi tiết hay có cái nhìn phê phán mang tính giá trị quan về nội dung hay thông điệp ẩn chứa trong đó.

Vậy thì tại sao, đến một thời điểm nhất định nào đó, các câu hỏi nói trên lại được đặt ra đối với truyện cổ tích ở Việt Nam? Cụ thể thời điểm đó là bao giờ?

Khi tôi đưa ra câu hỏi trên lên trên Facebook cá nhân để thăm dò, nhiều người trả lời và điểm chung giữa họ là “những năm 1990”, nghĩa là cách nay khoảng 20 năm.

Để tìm ra thời điểm chính xác và thậm chí là xác định được ai là người đầu tiên công khai đặt ra các câu hỏi đó, có lẽ cần phải bỏ công sức ra lật giở lại các tờ báo, tạp chí cũ để tìm kiếm.

Ở Việt Nam, truyện cổ tích bị 'xét lại' từ bao giờ? - 1
Tranh vẽ truyện cổ tích Tấm Cám.

Ở đây, nếu tạm coi những năm 1990 là thời điểm người Việt bắt đầu đặt ra câu hỏi có tính chất phê phán đối với truyện cổ tích thì bối cảnh đằng sau nó là gì?

Có thể thấy đằng sau những câu hỏi có tính phê phán đối với truyện cổ tích nhiều thứ.

Thứ nhất là sự tự ý thức về đa giá trị và nhu cầu biểu đạt phong phú, tự do.

Thứ hai là ảnh hưởng của các giá trị phổ quát như hòa bình, yêu thương, công bằng, từ thế giới dội vào sau khi đổi mới, mở cửa.

Thứ ba là ý thức về ranh giới, sự khác biệt giữa hai thực thể vốn “có truyền thống”, được coi là đồng nhất ở các nước châu Á như Việt Nam là “người lớn” và “trẻ em”.

Trong tư tưởng và tâm thức truyền thống ở các nước này trước thời cận đại, trẻ em về cơ bản được coi là thực thể giống như người lớn, ngoại trừ ngoại hình bé nhỏ hơn.

Một ví dụ tiêu biểu có tính chất biểu tượng là nội dung học tập – thi cử của Nho giáo không có sự phân biệt giữa người lớn và trẻ em, mà chỉ có sự phân biệt giữa các cấp độ của người mới học và người đã học có thâm niên.

Trẻ em vì thế không có nội dung giáo dục riêng và thậm chí những trẻ em xuất sắc còn có thể giành thứ hạng cao trong khoa cử (ví dụ như trạng nguyên Nguyễn Hiền).

Sự phát hiện ra trẻ em hay thường được diễn đạt là “sự ra đời của trẻ em” phải chờ đến thế kỷ 18, khi các trào lưu tư tưởng phương Tây tái phát hiện ra trẻ em và lan truyền phát hiện đó tới châu Á trong khoảng từ 50-100 năm.

Ở Việt Nam, ngoại xâm, chiến tranh và cuộc sống kinh tế khó khăn thời hậu chiến, cũng như mô hình xã hội quản lý tồn tại lâu, đã làm cho quá trình này diễn ra kiểu đứt đoạn và kéo dài.

Góc nhìn từ Nhật Bản

Ởgóc độ khác, chuyện “xét lại” hay đặt ra câu hỏi mang tính phê phán đối với các câu chuyện cổ tích cũng gây ra sự tranh luận quyết liệt.

Có những ý kiến cho rằng bản thân truyện cổ tích là như vậy, nó ra đời trong bối cảnh xã hội cũ, nội dung phản ánh xã hội đó nên không thể kết án nó là bạo lực hay phi bạo lực.

Cũng có những ý kiến cho rằng bản thân truyện cổ tích ban đầu không phải dành cho trẻ em, mà sau này người lớn mới có ý thức viết, kể lại chúng cho trẻ con. Vì thế, nó có những chi tiết không phù hợp trẻ em.

Xa hơn, nhiều người cho rằng nếu xem xét như vậy thì không chỉ truyện cổ tích của Việt Nam, mà rất nhiều truyện cổ tích của nước ngoài, cũng thế – đầy rẫy chi tiết bạo lực và không hề phù hợp đạo đức hiện tại. Đây là ý kiến… không hề sai.

Ở Việt Nam, truyện cổ tích bị 'xét lại' từ bao giờ? - 2
Fukuzawa Yukichi. (Ảnh: Nippon.com)

Chẳng hạn, khi nhìn sang Nhật Bản, ta cũng sẽ thấy tình trạng tương tự. Tôi là người từng dịch khoảng trên 50 truyện cổ tích Nhật Bản sang tiếng Việt trong quá trình học tiếng Nhật. Ở đó, tôi thấy có những truyện cũng đầy màu sắc bạo lực, ví dụ như truyện Người nông dân và con lửng.

“Khi ra đến biển, thỏ bày trò đua thuyền để rồi khi chiếc thuyền của lửng rã ra, lửng kêu cứu, thỏ lấy mái chèo giáng cho lửng cho tới khi nó… chìm nghỉm”, trích một chi tiết trong truyện.

Bao nhiêu bạn đang sống trong xã hội hiện đại hiện nay nghĩ rằng truyện trên ổn, có thể đọc cho trẻ con nghe và không có “cái gì đó sai sai” về giá trị cũng như thông điệp?

Khi lần tìm lại xem người Nhật có đặt ra câu hỏi mang tính phê phán đối với các câu chuyện cổ tích hay không và đặt ra từ bao giờ, thật bất ngờ và thú vị khi biết được rằng ngay từ rất sớm, người Nhật đã đặt ra những câu hỏi này.

Tuyển tập 50 danh tác đọc hàng đêm do nhà nghiên cứu Shimizu Yoshinori biên soạn (Seibibunko, 2008), có đưa vào tác phẩm Lời dạy hàng ngày (Hibi no oshie ) của Fukuzawa Yukichi (1835-1891).

Ở đó, thật thú vị đến bất ngờ, tôi đã tìm thấy những lời của Fukuzwa Yukichi – nhà tư tưởng, giáo dục có tầm cỡ, được mệnh danh là Vontaire của Nhật Bản, phê phán truyện cổ tích Momotaro (cậu bé quả đào) của Nhật Bản. Hầu như trẻ em nào ở Nhật Bản cũng biết đến truyện này và hiện nay nó được kể rộng rãi ở các trường mầm non Nhật Bản.

Người Nhật kể cho nhau nghe câu chuyện này mà không hề mảy may nghi ngờ hay đặt ra câu hỏi trong một thời gian dài. Nhưng trong tác phẩm Những lời dạy hàng ngày viết năm 1871, Fukuzawa Yukichi đặt ra câu hỏi lớn về truyện cổ tích này.

Những lời dạy hàng ngày là tác phẩm Fukuzawa viết cho hai con trai của mình. Ông đã phê phán việc Momotaro ra đảo đánh quỷ lấy vàng “không phải là việc hay” và số vàng đó vốn là “tài sản quý giá của quỷ”. Việc vô cơ lấy nó đã biến cậu bé Momo thành kẻ xấu, trộm cướp.

Ông cũng cho rằng nếu như quỷ là xấu, gây hại cho xã hội, việc Momotaro dũng cảm đánh quỷ lấy vàng có thể chấp nhận được. Nhưng ở đây, đơn thuần chỉ là lấy vàng về cho cha mẹ là không được. Nó đơn thuần là “hành vi ti tiện của dục vọng”.

Nên nhớ, thời điểm Fukuzwa Yukichi viết điều này là năm 1871, cách ngày nay gần 150 năm. Thời đó có lẽ chưa có ai ở Nhật Bản đặt ra câu hỏi “trái khoáy” đó.

Cách đặt câu hỏi đó của Fukuzwa Yukichi phù hợp logic của những lời giáo huấn ông dạy con trong cuốn sách trên như Không nói dối, Không lấy đồ của người khác, Không đố kị tài sản của người khác.

Thật thú vị khi ta hình dung rằng câu hỏi đó xuất hiện ở Fukuzwa Yukichi, một đại diện của trí thức khai sáng đầu thời Minh Trị, người xuất thân là võ sĩ, có căn bản Hán học, thông thạo tiếng Anh, Hà Lan, từng tới châu Âu và Mỹ và, đang dấn thân cho công cuộc hiện đại hóa nước Nhật.

Ở con người ông có cả sự xung đột giữa văn minh Đông – Tây, giữa truyền thống – hiện đại và có cả hướng đi cho sự xung đột đó.

Tính tiên phong táo bạo của Fukuzwa Yukichi thật đáng kinh ngạc. Shimizu Yoshinori nhận xét rằng việc Fukuzawa Yukichi nhận xét Momotaro là trộm cướp khi lấy vàng của qủy vào đầu thời Minh Trị thật “bình thản, lý tính và thú vị”.

Ông cũng cho rằng bây giờ, trong xã hội Nhật Bản hiện nay, ai cũng có thể đặt ra câu hỏi như trên. Nhưng ở thời đó, việc một người như Fukuzwa Yukichi đặt ra câu hỏi có tính chất “ngược dòng” khi dạy con quả thật là điều đáng kinh ngạc.

 

Làm gì với những câu chuyện có thông điệp không phù hợp?

Truyện cổ tích ra đời trong bối cảnh xã hội về cơ bản khác với xã hội chúng ta và trẻ em đang sống. Bởi thế, đương nhiên, nó có thể chứa đựng những chi tiết, nội dung mang hàm nghĩa, giá trị quan không phù hợp thời hiện đại, không phù hợp trẻ em hoặc “thiếu tính cân nhắc sư phạm” cần thiết. Vậy, khi dùng nó làm giáo tài giáo dục, người lớn sẽ ứng xử như thế nào?

Theo quan sát của tôi thì thường có mấy cách.

– Lựa chọn các câu chuyện phù hợp với trẻ em

– Biên tập, gia công thay đổi một số chi tiết có tính bạo lực hay tính dục (có chú thích là truyện đã biên tập, chỉnh sửa cho phù hợp với mục đích giáo dục).

– Ở mức độ nhất định, giữ nguyên các chi tiết không phù hợp nhưng trong học tập, tiếp nhận, người đọc, người học được đảm bảo không gian tự do để biểu đạt sự lý giải, cảm nhận của mình đối với các truyện này, kể cả các góc nhìn phê phán.

Ở Nhật Bản, các tác giả sách giáo khoa, sách tham khảo sử dụng cả ba cách này. Chẳng hạn trong cuốn sách Những câu chuyện có thể đọc trong 10 phút dành cho học sinh lớp 2 do các tác giả Oda Nobuko (sinh năm 1937, nhà văn chuyên viết truyện đồng thoại) và Kogure Masao (1939-2007, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi) biên soạn, NXB Gakken xuất bản năm 2005, các tác giả đã đưa vào 12 câu chuyện cổ tích của Nhật Bản và các nước châu Á khác.

Truyện Con bướm vô hình của Việt Nam cũng được lựa chọn (từ trang 159-173). Truyện có tranh minh họa và dưới tiêu đề có ghi rõ “Truyện của Việt Nam”.

Nếu đọc tiêu đề ta sẽ giật mình, bất ngờ và không hình dung ra câu chuyện, vì thấy nó xa lạ. Tuy nhiên, đọc nội dung, ta thấy thực chất nó là truyện Quan Triều hay Chiếc áo tàng hình.

Truyện kể về chàng trai đánh cá trên sông may mắn gặp được ông già lạ mặt tặng cho chiếc áo choàng và đôi giày. Khi đi giày mặc áo, anh ta sẽ trở nên vô hình. Chàng trai dùng nó để trộm gạo trong kho nhà vua cứu dân nghèo khi xảy ra nạn đói.

Môt lần,do sơ ý chỉ đi giày, anh biến thành con bướm vào kho lấy gạo và bị bắt giam. Nhờ dùng áo tàng hình đánh thắng giặc ngoại xâm, sau đó, anh được vua tha tội và ban thưởng. Anh từ chối tất cả phần thưởng, chỉ mong được làm người đánh cá tự do, vui vẻ trên sông.

Cái kết này rất khác với của nhiều dị bản truyện ở Việt Nam như chàng trai được ban chức quan to, được gả công chúa hay thậm chí được trao ngai vàng và khi chết được lập đền thờ…

Hiển nhiên không thể nào nói rằng không có mối liên hệ gì giữa sự phổ cập sâu rộng của các giá trị phổ quát trong xã hội Nhật Bản hiện đại như tự do, hạnh phúc, bình đẳng với cái kết có tu chỉnh đầy tính sư phạm nói trên. Cách làm ấy có lẽ cũng là một cách làm hay gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

PV/ZN

Đọc nhiều