8
category
328751

Ô nhiễm ngay từ môi trường công vụ

15/10/2019 17:18

Cũng nhờ có những báo cáo nhầm thế này mà nhân dân mới biết môi trường công vụ đang ô nhiễm thế nào với thói tắc trách, cẩu thả, vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm.

1

Theo đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về 6 năm thi hành Luật Thủ đô. Nội dung Báo cáo có đoạn: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.

Điều đáng nói là, sử dụng công cụ tìm kiếm để biết thêm “gần đây nhất” là thời điểm nào, kết quả cho thấy những số liệu này đã được công bố rộng rãi trên báo chí từ cuối năm 2005, tức là từ 14 năm trước, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.  

Bản tin trên Tuổi trẻ Online ngày 30/11/2005 có đoạn: “theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp”.

Báo Nhân dân điện tử, bản tin ngày 17/9/2010 có đoạn: “sau hàng loạt đợt quan trắc phối hợp giữa sở Khoa học – Công nghệ thành phố Hà Nội và Viện Hóa học, các nhà khoa học cho biết, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”, những con số y sì báo cáo của Chính phủ vừa được phát hành.

Nguyên nhân dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc trên, theo Bộ Tư pháp, là do khi thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên – môi trường và của UBND TP Hà Nội gửi đến bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên cán bộ soạn thảo đã tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí. Mới nghe qua tưởng chuyện… hài, lôi cái báo cáo từ 14 năm trước, báo cáo trình Quốc hội mà đơn giản tới mức… thô sơ, tìm nguồn trên mạng, mạng dẫn lại từ báo.

Trong thời hiện đại, số liệu đo đạc môi trường của ao làng ngày hôm trước thì đến ngày hôm sau đã lạc hậu, huống chi số liệu đo đạc môi trường không khí của thủ đô từ 14 năm trước lại được xem là số liệu “thống kê gần đây nhất” để làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô. Dữ liệu đầu vào phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ bị sai sẽ dẫn đến các phân tích, đánh giá, điều hành và ban hành các quyết định quản lý đều sai. Do vậy, đây là việc rất tắc trách, yếu kém trong công tác tham mưu, nếu vụ việc không bị báo chí phát hiện thì khả năng Quốc hội nhận được số liệu ô nhiễm môi trường thủ đô từ 14 năm trước là gần như chắc chắn.

Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-1-2019 (về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước) đã quy định nguyên tắc việc cập nhật dữ liệu báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và kịp thời, thống nhất từ địa phương đến trung ương để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Việc khai thác dữ liệu báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương trên cơ sở phân định quyền hạn, trách nhiệm cụ thể, đồng thời tuân thủ Luật Tiếp cận thông tin. Các thông tin, số liệu báo cáo phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế. Phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo khi được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo do mình cung cấp. Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định xử lý đối với hành vi báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Do vậy, hoàn toàn không thể chống chế hành vi tắc trách, yếu kém trong công tác tham mưu chỉ là do nhầm lẫn, chủ quan.

Thực tế cho thấy cần phải cấp bách chấn chỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, không chỉ riêng với Bộ Tư pháp, mà cả ở nhiều bộ, ngành khác. Dư luận hẳn chưa quên đề xuất “Ngực lép không được lái xe”, quy định “Ôtô từ 4 chỗ phải được trang bị bình cứu hoả” của Bộ Công an, quy định trong Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ” hay “Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học”… Những “phát kiến vĩ đại” này đều bắt nguồn từ đội ngũ chuyên viên của các bộ và không thể không đặt câu hỏi có hay không các “chuyên viên chỉ đi ra đi vào, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi việc”?

Cóp nhặt một cách vô trách nhiệm số liệu ô nhiễm không khí đã là rất nguy hiểm, song nguy hiểm hơn là những người đó cóp nhặt luôn cả sự giả dối từ “anh em xã hội” vào báo cáo đề trình Quốc hội. Và Chẳng biết cuối cùng thì Quốc hội có được bản báo cáo chính xác, cập nhật số liệu về ô nhiễm môi trường tại Hà Nội hay không, chỉ thấy ở nhiều khu vực trên địa bàn thủ đô, người dân từ ngày 10/10, đã phải đi mua nước đóng chai về để nấu ăn do nguồn nước máy nặng mùi khét, hắc. Chưa kể 12 nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn đang lơ lửng chờ giải pháp.

Rõ ràng có một “môi trường” công vụ đang thật sự bị “ô nhiễm” bởi thói tắc trách, cẩu thả, vô trách nhiệm của một bộ phận công chức trong thực thi công tác.

Diệu Hương

Đọc nhiều