Nước sạch Hà Nội nhiễm dầu trách nhiệm của doanh nghiệp đã ở đâu?
Trong khoảng một tuần qua, hàng nghìn người dân Hà Nội phải sống trong hoang mang, lo sợ vì nguồn nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp bốc mùi, đục ngầu. Thế nhưng, khi trả lời của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco) chỉ dừng lại ở việc “hy vọng sớm nhận được kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch của cơ quan chức năng”…
Người dân sau khi phát hiện đã cầu cứu tới các cơ quan liên quan nhưng sau gần 1 tuần vẫn không có động thái nào từ chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Nhiều gia đình có điều kiện đã tự cứu mình bằng cách sơ tán ra khỏi những quận dùng đường ống có nước nhiễm bẩn, hoặc mua nước sạch, nước đóng chai về dùng, còn những nhà không có điều kiện thì vẫn phải phó mặc vào sự may rủi.
Mãi đến sáng qua (14/10), sau 5 ngày xảy ra sự cố, Viwasupco mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 – 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo công ty cho hướng xử lý.
Trong trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn-Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà cũng thừa nhận, ngày 9/10, bộ phận vớt rong rêu phát hiện vết dầu loang trên hồ. Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên và thuê cả người bên ngoài làm vệ sinh; đồng thời dùng phao chuyên dụng quây cách ly không cho dầu lan vào khu bể ngăn lấy nước và vớt toàn bộ dầu loang.
Ông Tốn còn cho biết, “sau sự cố, nhà máy vẫn tiếp tục vận hành bình thường và kết quả xét nghiệm nước sau sản xuất do công ty kiểm tra đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”.
Thật đáng buồn là chính người đứng đầu công CP kinh doanh nước sạch sông Đà và cả công ty cũng đều biết nguồn nước bị nhiễm dầu thải ngay từ đầu, nhưng sao họ không có bất kỳ một động thái nào thông báo, khuyến cáo đến khách hàng?
Ngược lại, những việc làm của họ đang được dư luận bức xúc là cố tình giấu giếm, lấp liếm những sai hỏng, bất chấp việc người dân phải dùng nước bẩn trong một thời gian dài. Kể cả đến khi người dân bức xúc, kiến nghị, thậm chí phóng viên gọi điện đến công ty nhưng đều “bặt vô âm tín”.
Dư luận cũng không thể không đặt ra câu hỏi, nguồn nước đó chỉ nhiễm dầu thải hay là những thứ độc hại hơn mà mắt thường không nhìn thấy được?
Người dân không lo lắng sao được, khi hàng ngày, hàng giờ người dân bắt buộc phải ăn, phải thở để tồn tại với những thứ mà không biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mình, thậm chí có thể biết là rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.
Và bấy lâu nay, người dân vẫn phải trả tiền đầy đủ cho công ty. Công ty cũng đã cam kết cung cấp nước sạch cho người dân, vậy giờ đây xảy ra sự cố này thì ai là người phá hợp đồng và trách nhiệm sẽ đến đâu? Phải chăng đây có sự coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân của công ty.
Đến bây giờ, ngoài việc chờ đợi vào kết quả xét nghiệm của các cơ quan chức năng, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước bốc mùi, không đảm bảo mà chưa nhận được bất cứ lời khuyến cáo hay lời xin lỗi, hỗ trợ nào từ phía công ty?
Nước suối đầu nguồn gần khu vực Nhà máy nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu thải đổ trộm.
Xin nhắc lại vụ cháy ở Công ty Rạng Đông (Hà Nội), báo cáo mới nhất của Bộ TN&MT cho biết có khoảng 15,1 – 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường và ảnh hưởng trong phạm vi 500m nên cần có khuyến cáo cho người dân cũng như tẩy độc xung quanh nhà máy. Tất nhiên, tạm thời việc thủy ngân phát tán ra do vụ cháy ở Công ty Rạng Đông được cho là do nguyên nhân bất khả kháng.
Hai vụ việc ở 2 nhà máy khá xa nhau về địa lý cho thấy sức khỏe, tính mạng con người bị xem nhẹ. Chúng ta hay nói về phát triển bền vững nhưng tiêu chí về môi trường và tính mạng, tài sản của con người quá đỗi đáng lo.
Xã hội ngày càng phát triển, thông tin ngày càng phải công khai, minh bạch. Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nhấn mạnh rằng, xã hội chỉ phát triển khi mọi thông tin phải được minh bạch, rõ ràng.
Cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động chương trình Sức khoẻ Việt Nam, là sự kiện rất ý nghĩa nhân ngày truyền thống của ngành y tế. Thủ tướng nhấn mạnh, sức khoẻ là vốn quý nhất của toàn dân và toàn xã hội.
Thủ tướng dẫn lại câu nói của Bác Hồ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi 1 người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi 1 người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ, dân cường thì nước thịnh”.
Theo Thủ tướng, muốn giữ gìn, nâng cao sức khoẻ, phát triển tầm vóc, cần đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu: Vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên…”
Vậy thì không thể chấp nhận để người dân phải sống trong sự lo lắng, bất an, khi mà họ vẫn phải trả tiền để mua nước sạch, để được sống cuộc sống tốt hơn thì lại vẫn phải phó mặc sức khỏe, tính mạng của mình vào sự “may rủi” không được báo trước.
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đã đến lúc, không thể mang sức khỏe ra để làm trò đùa với “may rủi”. Cũng đến lúc, người dân rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Hà Nội và các cơ quan liên quan, phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ để đây là những nơi đầu tiên phát hiện ra sự cố, lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo, thậm chí hỗ trợ người dân khi cần thiết, chứ không phải là “quy trình ngược” như hiện nay.
Đinh Lực