Nước mắt nghệ sĩ và cách đối xử “ăn thua đủ” với khách hàng
Trong khi sức nóng của livestream được diễn viên N.L chia sẻ về hợp đồng bảo hiểm chưa lắng xuống, thì phản hồi được cho là từ một giám đốc khu vực của công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) có liên quan lại đang khiến cho dư luận tiếp tục dậy sóng…
Ngày 08/04, diễn viên N.L livestream chia sẻ câu chuyện của mình, nội dung về hợp đồng bảo hiểm của cô và con trai được ký 4-5 năm trước, nhưng đến giờ mới biết có nhiều điều khoản bất lợi cho nữ diễn viên và người thân.
Đoạn clip nhanh chóng gây bão mạng, và chia dư luận làm hai phe. Một phe, được cho là gồm các nhân viên tư vấn bảo hiểm, những người làm bảo hiểm, tài chính, thì đả kích N.L, cho rằng cô đang làm quá vấn đề, trong khi cô là người có lỗi chính. Một phe bênh vực N.L, chủ yếu là người từng mua bảo hiểm, thông cảm với bức xúc của nữ diễn viên, và đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh cho sự ngụy biện, và lợi dụng khách hàng của nhân viên tư vấn bảo hiểm.
Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ, thì phát biểu của một người tên là T.L, được cho là giám đốc phụ trách khu vực của nhãn hàng bảo hiểm có liên quan trong câu chuyện lại khiến dư luận dậy sóng thêm lần nữa. Trong phát biểu “giải đáp thắc mắc” cho N.L, người này đã dùng những từ ngữ có ý xem thường khách hàng như: “lười”, “hồ đồ”, “đầu có sỏi”…
Nếu nhìn sự việc một cách khách quan, dưới góc độ một nghệ sĩ nổi tiếng, việc N.L lên sóng và khóc nức nở, nêu nghi vấn về hợp đồng bảo hiểm và nói rằng mình bị lừa sẽ có ảnh hưởng vô cùng nặng nề đối với các công ty bảo hiểm, đặc biệt với công ty mà cô nêu đích danh. Dù N.L thừa nhận lỗi chủ quan, không đọc kỹ hợp đồng do tin tưởng nhân viên tư vấn, nhưng xem ra, đây chính là nguyên nhân quan trọng để xảy ra cớ sự.
Có thể nói, sự thiếu kiềm chế, và không cẩn trọng khi phát ngôn từ các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ để lại nhiều hậu quả cực kỳ tai hại. Trong nhiều trường hợp, điều này dẫn đến những thiệt hại khó lường cho không chỉ doanh nghiệp hay tổ chức, mà còn lây lan tiêu cực cho xã hội.
Về phía nhãn hàng, người đại diện cần thể hiện thái độ cầu thị, và kiên nhẫn. Ở đây, dù N.L có những ngộ nhận về quyền lợi và nghĩa vụ đối với hợp đồng cô đã ký, nhưng không thể vì vậy mà người đại diện doanh nghiệp được quyền chê bai, mạt sát khách hàng.
Trong mọi tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh, lỗi luôn đến từ hai phía. Với ngành bảo hiểm, nhiều năm nay, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ tư vấn viên luôn gây bức xúc. N.L không phải khách hàng đầu tiên bị sốc với tình trạng đánh tráo khái niệm, “đem con bỏ chợ”, lợi dụng tín nhiệm của khách hàng làm sai, làm ẩu của các tư vấn viên bảo hiểm, đặc biệt là mảng bảo hiểm nhân thọ.
Thiết nghĩ, đây là hồi chuông cần thiết để các công ty bảo hiểm nhìn lại mình. Khách hàng cần sự trung thực, và trách nhiệm, chứ không cần những chiếc bẫy đến từ việc chơi chữ trong các bản hợp đồng.
Phạm Khoa