Nước bẩn
Xã hội cần nhận thức rõ ràng hơn về quyền lợi của mình. Nhà máy nước chuyển nước bẩn vào nhà ai thì người đó kiện đòi bồi thường dân sự theo hợp đồng. Ai bị nguy hại sức khoẻ thì công an cần vào điều tra hình sự.
“Công ty nước sạch Sông Đà ngừng cấp nước vô thời hạn”. “Hơn 250.000 hộ gia đình, tức 1 triệu người trong nội thành Hà Nội bị cắt nước”. Thủ đô đã bị xáo trộn.
Quả thật, chúng ta chưa bao giờ chuẩn bị cho tình huống cắt nước trên diện rộng như thế này. Biết bao con người đã trao cuộc sống của mình vào vị Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà, người trước đó vẫn quyết định cấp nước nhiễm dầu cho thủ đô vì lý do: “Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân”.
Ông Giám đốc biện minh: “Chia sẻ thật, lúc đó thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề”. Nhưng không, nước bẩn vẫn được bán đến khách hàng, những người đã mang lại cho Công ty Nước sạch Sông Đà và doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng, một tỷ suất lợi nhuận vô địch.
Theo Thông tư 41/2018/TTBộ Y tế về quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, nước sinh hoạt cần đáp ứng 99 chỉ tiêu. Thông thường, người ta không xét nghiệm hết cả 99 chỉ tiêu vì chi phí thử nghiệm sẽ rất lãng phí và cũng không cần thiết. Tuy nhiên, “khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch”, như Thông tư quy định, thì buộc phải phân tích tất cả các chỉ tiêu.
Nếu Công ty Nước sạch Sông Đà làm đúng như vậy thì đáng lý ra đã phải phát hiện được dư lượng styrene ngay từ ngày đầu tiên, chứ không phải mất cả chục ngày như những gì đã diễn ra. Vị Giám đốc nhà máy nước cần minh bạch với người tiêu dùng câu hỏi: Họ có kiểm tra chỉ tiêu styren khi phát hiện dầu thải không?
Nhưng, có vẻ vị giám đốc đã nói dối khi cho biết, “phải mất 10-20 ngày mới có kết quả xét nghiệm chất lượng nước”. Ngày 8/10 công ty đã phát hiện ra việc ô nhiễm nguồn nước; ngày 11/10 các cơ quan của Hà Nội đã đi kiểm tra. Vậy mà ngày 15/10 Hà Nội đã họp báo công bố các loại chất gây độc trong nước. Cũng trong ngày 15/10 Chủ tịch Hà Nội còn cho biết chất stylene cao gấp vài lần cho phép. Nếu mất 10-20 ngày mới biết kết quả phân tích, như ông giám đốc nói, thì làm sao lãnh đạo Hà Nội có thể biết trước được các chất ô nhiễm? Và nếu họ biết trước, họ đã đồng ý, bao biện cho ông giám đốc cung cấp nước ô nhiễm cho dân?
Song, thông báo “Công ty Nước sạch Sông Đà ngừng cấp nước vô thời hạn” quả thật cũng rất cực đoan. Khắp mặt báo và mạng xã hội hai ngày nay tràn ngập hình ảnh người dân ở mấy quận của Hà Nội xếp hàng rồng rắn hứng nước từ những xe bồn lưu động. Hà Nội, một lần nữa, lại bị xáo trộn.
Một nhà môi trường học cho rằng, những hành xử theo các chiều hướng trái ngược, cực đoan của công ty là rất khó chấp nhận. Lẽ ra, công ty phải xin lỗi khách hàng dùng nước vì sự cố vừa qua; và cam kết giảm giảm 1/3 hóa đơn nước những tháng bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, chỉ tạm dừng cấp nước 2 lần, mỗi lần 2 giờ, để nhân dân dùng sạch nước cũ trong bể trung gian. Mỗi lần cấp trở lại sẽ tạo ra áp lực chuyển tiếp làm sạch ống dẫn và bể chứa, coi như sục luôn. Còn “dừng vô thời hạn”, như công ty đang làm, để đợi kết quả phân tích thì cái toilet trong căn hộ nó kinh khủng bằng vạn lần mùi dầu trong nước. Tất nhiên, công ty phải có khuyến cáo khách hàng tạm thời dùng nước khác để ăn uống cho đến khi nào nước hết mùi dầu.
Đọc qua khắp lượt Nghị định của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch không có bất kỳ quy định nào về quyền hạn, trách nhiệm cắt nước kể cả khi có khủng hoảng, sự cố mà không có trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân nào trong bảo vệ nguồn nước trước khi vào nhà máy. Đó hẳn là “lỗ hổng” để cho công ty Sông Đà thản nhiên tự nhận “chúng tôi cũng là nạn nhân”? Họ đã tự tung, tự tác trong việc cung cấp nước ô nhiễm, khi bị người dân phẫn nộ quá thì đột ngột cắt nước?
Xét sòng phẳng, Công ty Sông Đà chịu trách nhiệm trước khách hàng, khi có sự cố về nhiễm độc nguồn nước, họ phải thông báo để khách hàng biết nhưng không có quyền cắt cung ứng nước; còn UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về an toàn sức khoẻ của người dân phải ra quyết định có ngừng cung cấp nước hay không, đồng thời phải có biện pháp khẩn cấp cung ứng nước ăn cho người dân trong khi chờ Công ty xử lý sự cố. Tuy nhiên, cả hai Công ty và UBND TP Hà Nội đều không thực thi trách nhiệm của mình.
Cung cấp nước bẩn và rồi dừng cấp nước vô thời hạn đột ngột là hành động vi phạm hợp đồng, lừa dối khách hàng. Công ty Nước sạch Sông Đà phải bồi thường hợp đồng, khắc phục hậu quả trước khi cần bị xem xét thêm về tội hình sự, nếu có.
Cũng đến lúc, xã hội cần nhận thức rõ ràng hơn về quyền lợi của mình. Nhà máy nước chuyển nước bẩn, độc hại vào nhà ai thì người đó cứ thế mà kiện đòi bồi thường dân sự theo hợp đồng, còn nếu ai bị nguy hại tính mạng, sức khoẻ thì công an cần vào điều tra hình sự.
Những chế tài minh bạch, thượng tôn pháp quyền như vậy mới giúp cộng đồng phát triển lành mạnh, cân bằng, thay vì đặt sức khỏe, số phận mình vào tay những người vô trách nhiệm.
(Theo Vietnamnet)