NÚI NGẬP, BIỂN ÚNG: Bây giờ điều đó đã không còn là nói ngược hay nói quá!
Chỉ sau một trận mưa lớn, Đà Lạt đã ngập lụt, nước tuôn cuồn cuộn, nhiều vùng bị cô lập. Tương tự, đảo ngọc Phú Quốc giữa biển khơi cũng bị mưa lũ nhấn chìm. Bốn bề là biển, nước vẫn không tiêu thoát được. NÚI NGẬP, BIỂN ÚNG: Bây giờ điều đó đã không còn là nói ngược hay nói quá!
Tất nhiên là hậu quả của thời tiết, nhưng đây không thể gọi là thiên tai. Đây là nhân tai. Tất cả xuất phát từ lòng tham. Thật ra mọi năm mưa vẫn mưa như vậy nhưng có sao đâu. Nhưng không còn rừng thì mọi chuyện sẽ khác. Lượng nước mưa xuống đất trống, vườn cây công nghiệp, nhà kính thì không thể hấp thụ nước kịp. Nước cứ thế trôi tuột đi, trôi đi cả hoa màu, mùa màng, tài sản và cả tính mạng con người. Chỉ có rừng nguyên sinh mới đủ khả năng giữ nước và giữ đất ở lại thôi.
Và chỉ trong vòng 7 năm qua, diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên liên tục giảm, từ 2.836.083 ha năm 2010 xuống còn 2.553.819 ha năm 2017. Còn tốc độ phát triển của Phú Quốc quá nóng dẫn tới việc quá tải đô thị. Chẳng hạn, thị trấn Dương Đông trước đây dân số khoảng trên 10.000 người, nay đã trên 50.000 người. Nhu cầu về nhà ở, mật độ xây dựng tăng chóng mặt. Đó là chưa kể việc bùng nổ phát triển du lịch cũng tạo thêm áp lực xây dựng rất lớn khi hiện tại, mỗi năm Phú Quốc đón gần 3 triệu lượt du khách.
Đà Lạt hay Phú Quốc đều là những cái tên mỹ miều gắn với tiềm năng du lịch. Đà Lạt trầm mặc, lãng đãng và Phú Quốc hoang sơ hấp dẫn. Những vốn quý ấy không được bảo vệ, chỉ bị tận khai thác, rất bát nháo.Những vùng đất mang vẻ đẹp huyền hoặc đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là thực trạng thảm họa về kiến trúc và xây dựng, không mang một bản sắc, triết lý quy hoặch đặc thù nào cả. Tất cả chỉ là chen chúc, phô phang, xây dựng tranh cướp. Đi tắt đón đầu, phát triển nhanh dẫn đến không có quy hoạch bài bản, đồng bộ, thuận tự nhiên. Ở Đà Lạt hay Phú Quốc đều chỉ tồn tại kiểu quy hoạch xí phần, xây dựng giành chỗ và phát triển nhờ làm giá.
Hậu quả nhìn thấy ngay tức thì.
Sức đề kháng tự nhiên đã mất thì chỉ cần một trận mưa thôi, mọi tham vọng đều có thể bị nhấn chìm. Cái gì cũng có thể sửa, nhưng hậu quả của lòng tham thì e là không, chỉ có thể chờ trả giá.
Đừng quy kết cho rằng “Mẹ Thiên nhiên” nổi giận. Thiên nhiên hay thần thánh không giống như con người: ăn miếng trả miếng, giận dữ, trừng phạt. Vũ trụ luôn là “vô thưởng vô phạt”.
Chúng ta đang nhận về “không thừa không thiếu” những gì chúng ta đã làm. Nhận trách nhiệm về mình trước rồi sửa sai sau chứ đừng đổ lỗi.
Nhà quản lý, nhà khoa học, các ông đang ở đâu?
Thu An