8
category
332388

Nực cười cán bộ, đảng viên chỉ lo giữ mình, né tránh ngại va chạm vì sợ “mất phiếu”

18/11/2019 16:48

Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp, không ít cán bộ, đảng viên còn đủ điều kiện tái cử chỉ lo giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ mất phiếu, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Hiện tượng này cũng được nêu đích danh trong kết luận số 55 của Ban Bí thư về chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị Đại hội các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng.

3

Bệnh “cuối nhiệm kỳ” xuất phát từ bệnh “nhiệm kỳ”, vốn được biết đến phổ biến dưới tên gọi “tư duy nhiệm kỳ”. Người sớm nhắc đến căn bệnh này là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI ngày 10/10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” như lời nhắc nhở, cảnh báo đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên phải phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” theo nghĩa tiêu cực.

Cần phải sớm nhận diện thái độ “phòng thủ”, nhất là ở thời điểm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng đang đến gần.

Về vấn đề này, ông Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã có rất nhiều bài viết và phát biểu thẳng thắn liên quan đến những điều đã làm được và chưa làm được trong công tác cán bộ. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh sự trung thực, liêm sỉ của cán bộ trước đại hội, trước những cuộc bầu bán như là quy hoạch, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại.

Ông Nhị Lê cho rằng, không ít cán bộ, đảng viên giữ mình để cốt đạt được mục đích của họ. Họ không dám làm điều gì. Việc gì có lợi cho họ thì họ hết sức làm, việc gì không có lợi thì lại ngoảnh mặt làm ngơ. Theo ông, đây là sự thờ ơ chính trị nhức nhối nhất hiện nay.

Ông Nhị Lê nhận diện những cán bộ thiếu trung thực thuộc dạng ba phải, phòng thủ trước đại hội, có những biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể.

“Ở những thời điểm nhạy cảm, có ý nghĩa quyết định, từ giờ cho đến tháng 4 năm 2020 là Đại hội Đảng bộ các cấp, bắt đầu từ cơ sở và theo lộ trình Chỉ thị 55 của Bộ Chính trị thì kết thúc quý 3/2020 là kết thúc Đại hội ở cấp tỉnh, thành và các đảng bộ trực thuộc trung ương. Chúng ta thấy ngay từ bây giờ đã thấp thoáng những biểu hiện phòng thủ từ xa, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đùn hết trách nhiệm cho tập thể. Con bài tập thể là con bài an toàn nhất, trong khi thể chế của chúng ta về vấn đề này vẫn còn rất nhiều những điều cần chỉnh đốn và bổ sung”- Nhà báo Nhị Lê trăn trở.

Lý giải nguyên nhân của việc dễ nhận diện nhưng lại không dễ đấu tranh, ông Nhị Lê cho rằng, có nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc còn nhiều khoảng trống thể chế để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Thứ nhất, người Việt mình hay có tính cả nể. Thứ hai, sự hoàn thiện về thể chế vẫn đang còn khoảng trống, cơ chế của chúng ta đã rất tiến bộ nhưng còn đầy rẫy những việc chúng ta tiếp tục phải làm, bảo vệ người đấu tranh đồng thời cũng trừng phạt những người tố cáo, những người lợi dụng dân chủ để làm rối tình hình. Thứ ba, hoàn thiện bộ thể chế đo lường được cán bộ, từng vị trí theo công việc, kiểm tra, giám sát từ nhân dân.

Trên thực tế, có những cán bộ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều tổ chức. Theo ông Nhị Lê, việc để những cán bộ ươn hèn, yếu ớt đó tồn tại trong tổ chức thì sẽ dẫn tới hệ luỵ. Đảng không còn là tổ chức cách mạng.

“Một Đảng gồm những đảng viên yếu ớt thì không còn là một tổ chức cách mạng nữa, không nói đến một Đảng hành động, một Đảng cách mạng và càng không nói đến một Đảng đổi mới. Phải tẩy bỏ, sửa đổi tất cả thói ba hoa, cơ hội và khi chủ nghĩa cơ hội cộng sinh với chủ nghĩa thực dụng thì nguy cơ làm cho tổ chức Đảng không chỉ xộc xệch mà còn bạc nhược. Vì vậy, cần kiên quyết nhận diện, kiên quyết chỉnh đốn một nhóm đảng viên theo gió bẻ buồm”.- nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phân tích.

Nhận thức được điều đó để cho phép có tầm nhìn biện chứng, bình tĩnh, sáng suốt, kiên quyết lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có phương pháp, có trí tuệ, không vì sự lây lan của nạn tham nhũng mà phủ nhận cục diện tốt đẹp đầy triển vọng của đất nước ta hiện nay.

Trước đó, ngày 13/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Ban Bí thư để cho ý kiến về vấn đề việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

“Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: (1) Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; (2) Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ; (3) Đẩy mạnh phân công, phân cấp trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Trung ương, nhờ đó, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã có chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn; ngăn chặn, khắc phục được nhiều sơ hở, yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển, xét thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ… đã bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định; chất lượng cán bộ được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; củng cố, tăng cường niềm tin, uy tín của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp ủy, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ…
Bên cạnh đó, có nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền…

Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt.
Một trong những biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4, khoá 12 đã chỉ ra đó là trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thực tế đó cũng được Ban Bí thư thẳng thắn nêu lên tại kết luận số 55 về chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng ban hành ngày 15/08/2019.

Rõ ràng, đây là một biểu hiện suy thoái không thể xem nhẹ và hệ luỵ để những cán bộ ươn hèn, yếu ớt ấy tồn tại trong tổ chức, thậm chí là có thể leo cao hơn nữa cũng đã được chỉ ra. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần nhận diện, đấu tranh đẩy lùi biểu hiện suy thoái ra khỏi mỗi cán bộ, đảng viên.
Đinh Lực

Đọc nhiều