8
category
327701

Nữ Trưởng phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk gian dối bằng thăng tiến: Hỏi trách nhiệm của ai?

05/10/2019 11:00

Trong vụ việc nữ Trưởng phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk gian dối bằng thăng tiến nhiều đơn vị thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk phải chịu trách nhiệm trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ.

Vụ việc hi hữu đang khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm khi một nữ nhân viên gội đầu xinh đẹp, chỉ học xong cấp 2 nhưng đã làm đến chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk rồi được bổ nhiệm đến chức Trưởng phòng Hành chính – Quản trị. Đáng chú ý, sự việc này đã được Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận là có thật.

Theo đó, nữ Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khai man hồ sơ được xác định là bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Trong suốt thời gian dài, bà Thảo lấy bằng cấp 3 của chị gái mình để thăng tiến và lấy luôn tên chị gái là Trần Ngọc Ái Sa để làm việc và được cân nhắc bổ nhiệm đến chức Trưởng phòng.

Theo đó, dưới cái tên Trần Ngọc Ái Sa và bằng cấp của người này, bà Thảo từ thợ cắt tóc gội đầu tại TP Buôn Ma Thuột, sau đó được tuyển vào làm nhân viên tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk (từ năm 2002 – 2005) và đi học kế toán dưới danh nghĩa, bằng cấp của bà Sa. Giai đoạn 2005 – 2009, bà Thảo tiếp tục mang danh bà Sa vào làm kế toán, phụ trách kế toán, kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Từ năm 2016- 2019, bà Thảo dưới tên bà Sa làm phó phòng và thăng tiến lên làm Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng của chị ruột để đi xin việc.

Đáng chú ý, trong sơ yếu lý lịch tự thuật, bà Thảo dưới tên bà Sa khai năm 2003 rằng gia đình chỉ có 4 anh chị em ruột trong khi đó thực tế gia đình bà Thảo có đến 12 anh chị em, trong đó có chị gái tên Trần Ngọc Ái Sa, hiện đang công tác tại một bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng. Đáng chú ý, với hồ sơ trên bà Thảo cũng được kết nạp vào Đảng.

Sự việc trên chỉ được phơi bày khi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn tố cáo nặc danh về việc bà Thảo (dưới tên bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) bị tố cáo sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 không thuộc về mình.

Khi sự việc bại lộ, bà Thảo thừa nhận nội dung tố cáo là đúng, xin nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức kỷ luật của tổ chức và nộp đơn xin nghỉ việc. Hiện, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang xem xét tờ trình xin nghỉ việc của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) – Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Dư luận cho rằng, trong vụ việc trên, hành vi khai man lý lịch, hồ sơ, bằng cấp để được tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến của bà Trần Thị Ngọc Thảo là không thể chấp nhận được cần phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đơn vị thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng phải chịu trách nhiệm trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ.

Trao đổi với PV, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, việc bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng cấp, tên tuổi của chị gái mình là Trần Thị Ngọc Ái Sa để tuyển dụng, học tập và được bổ nhiệm là Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk rõ ràng là hành vi khai man lý lịch.

“Để xảy ra việc này, ngoài trách nhiệm của bà Thảo, còn có trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan đến quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ này”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Theo Đại biểu Hòa, một cán bộ trước khi vào Đảng phải khai lý lịch, việc này cũng có liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, Đảng ủy cơ sở nơi bà Thảo cư trú. Bởi trước khi xét vào Đảng, cơ quan đơn vị phải đi thẩm định hồ sơ, xác minh lý lịch, có ý kiến đơn vị nơi cán bộ này cư trú đó là chi bộ, Đảng ủy nơi cán bộ này cư trú.

“Việc cán bộ Trần Thị Ngọc Thảo mượn giấy tờ, bằng cấp của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa để được vào cơ quan nhà nước mà lại cơ quan của Văn phòng Tỉnh ủy thì đây là hành vi không thể chấp nhận được, trong khi đó cơ quan lại lơ là, không có trách nhiệm thẩm định hồ sơ lý lịch hoặc vì lý do này, lý do kia nên lờ đi.

Đây là một trong những bài học kinh nghiệm cho công tác tổ chức, quản lý cán bộ. Từ một người dân bình thường làm nghề cắt tóc gội đầu, đi mượn tên, mượn bằng của chị thì cơ quan quản lý phải biết chuyện đó bởi người chị này là thật và vẫn đang sử dụng tên thật của mình nên không thể không biết.

Tại sao cán bộ này lại có thể được tuyển dụng vào nhiều vị trí và liên tục được đề bạt, bổ nhiệm lên chức trưởng phòng. Đây là sự việc hi hữu, rất hiếm xảy ra. Cho thấy công tác quản lý cán bộ, công tác xác minh lý lịch, bổ nhiệm chức vụ, công tác kết nạp Đảng, các tổ chức đơn vị liên quan không kiểm tra, giám sát. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các đơn vị quản lý cán bộ”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cần chỉ đạo các cơ quan có chức năng xử lý kiểm điểm những người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sự việc này mà cụ thể là cấp ủy, chi bộ, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk trong quá trình quản lý cán bộ và các cơ quan liên quan khác trong công tác cán bộ. Đồng thời, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh này cần phải rà soát hồ sơ, người giới thiệu kết nạp đảng đối với nữ trưởng phòng này để xem xét xử lý kỷ luật.

Hải Ninh/Kiến Thức

Tags :
Đọc nhiều