Nữ TikToker chê cá Việt – Liệu có quá sùng ngoại đến vong bản?
Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng tha thiết tình yêu với xứ sở quanh năm gió cát mặn nồng. Vì đất nước ta trải dài mấy vạn dặm quê hương là biển cả. Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, người Việt trẻ đã có nhiều cơ hội tiếp cận, giao lưu trải nghiệm với nước bạn trên nhiều lĩnh vực. Nếu như kết quả của những cơ hội ấy là việc có những tư tưởng so sánh và phát ngôn xem nhẹ giá trị vốn rất thiêng liêng của đất nước mình thì thật đáng buồn.
Sự việc của nữ Tiktoker “chê cá Việt khen món ăn Hàn” đang làm nổi sóng cộng đồng mạng trong những ngày qua. Theo đó, khi nêu cảm nhận về ẩm thực Hàn Quốc, cô gái trẻ đã trả lời: “Lúc mình ăn món ăn nước ngoài ở Việt Nam sẽ được nhà hàng chế biến theo khẩu vị người Việt, thường là mặn mà và đậm đà hơn. Nhưng khi đặt chân qua Hàn Quốc, mình cũng ăn những món đó nhưng lại có vị đặc trưng riêng của họ. Món mình thích ăn nhất là món cá mặt quỷ, vì em là người không thể nào ăn cá được do em bị sợ vị tanh của cá nên ở Việt Nam em không thể ăn cá”.
Câu trả lời ấy không phải là nói vui với nhau trong thân tình suồng sã, cũng không phải trong những không gian nhỏ hẹp của quán nước đầu chợ, cuối phố, khiến một phóng viên có mặt tại sự kiện không hài lòng nên lên tiếng nhắc nhở. “Du lịch có rất nhiều điểm, chỗ nào cũng có những cái đẹp, cái hay. Các bạn nói thích cá mặt quỷ, nhưng bạn nói không ăn được cá ở Việt Nam nhưng qua Hàn Quốc ăn được. Nhưng bạn nghĩ xem đường bờ biển của chúng ta dài 3.200 km, vậy những con cá của chúng ta không ngon hay sao? Tại sao các bạn không nói về cách làm cá hay văn hóa ẩm thực, cách nấu nướng người ta như thế nào hoặc bảo dưỡng làm sao để chúng ta học hỏi”.
Đoạn clip ghi lại chia sẻ của vị phóng viên này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều khán giả đồng tình với quan điểm của người này đưa ra, đồng thời tỏ thái độ bức xúc trước việc một TikToker có những so sánh không phù hợp về cá ở Việt Nam. Chúng ta không thể hiếu khách đến mức hạ thấp tự tôn, xem nhẹ giá trị của đất nước mình như thế…
Còn nhớ, cách đây 2 năm, chúng ta rất không bằng lòng trước sự việc 20 du khách Hàn Quốc chê bánh mì Việt Nam trong những ngày họ sống cách ly trên đất nước này và được an toàn qua dịch bệnh. Trước phản ứng của cộng đồng người đọc của cả hai nước, phía nhà đài Hàn Quốc đăng tải thông tin này cho biết không hề có ý coi thường hay hạ thấp giá trị mà chỉ truyền đạt ý của người trong cuộc.
Sau những lời đính chính ấy, nhà đài tiếp tục nhận “gạch đá”: Cái gì cũng truyền đạt, trong nhiều trường hợp, đó không phải thẳng thắn hay tôn trọng sự thật, đó là vô văn hóa. Cô gái trẻ người Việt trong chính phát ngôn về cá Việt trước sự việc ấy có lẽ bạn đã từng cảm thấy bất bình? Đơn giản vì chúng ta là người Việt Nam. Trân trọng, nâng niu, tôn vinh và bảo vệ những giá trị vật chất cũng như văn hóa tinh thần của đất nước, nó là trách nhiệm và nghĩa vụ lớn lao.
Sau sự việc cô gái trẻ của “Gói mang về” gặp ồn ào khi phát ngôn gây hiểu lầm. Về lý, nên cân nhắc hơn khi chỉ trích cô gái, về tình thì nên cảm thông. Nói rộng hơn, từ nguyên do cô gái bị chê trách có thể là vì sự việc bị đẩy đi quá xa thành câu chuyện khác. Câu chuyện các bạn trẻ từ nông thôn lên thành phố học tập, quay trở lại chê nước quê mình phèn quá uống không được. Câu chuyện các bạn trẻ chân ướt chân ráo xuất ngoại vài năm quay ra phê phán dân mình hèn, nước mình nhỏ, văn hóa mình không bằng người ta.
Đó là những câu chuyện của ngày xưa, ngày nay, và có thể là của ngày sau nếu bây giờ chúng ta không một lần nghiêm túc nhìn lại. Chúng ta liệu có sùng ngoại đến vong bản hay không? Quên gốc gác cha ông, phủ nhận những giá trị thiêng liêng của dân tộc nếu điều đó đặt trong tư tưởng người trẻ, thì đất nước này sẽ đi về đâu?
Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã làm gì cho cá Việt hết tanh, nước sông quê hết phèn và văn hóa nước mình sánh tầm thế giới?
Mạng xã hội với những tiêu cực không thể bao biện thì trong vô vàn trường hợp đó là không gian đủ lớn cho là tiếng nói của cộng đồng trước những điều khuất tất lệch lạc vang lên. Chúng ta đứng trước những sự việc đang diễn ra, dễ dàng nhận diện về tâm lý người trẻ, lắng nghe sự phản hồi của mọi người thấy được cách mà xã hội đang quy chuẩn. Niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại. Và người trẻ, với vai trò nòng cốt trong xây dựng phát triển và tôn vinh các giá trị vật chất văn hóa tinh thần người Việt, họ đủ trí tuệ và nhân cách để đi đúng con đường tôn tạo Tổ quốc.
Hạnh Phúc