Cảnh giác âm mưu lợi dụng cách chống dịch ở địa phương để tấn công NQ128
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về “Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cho phép các địa phương đánh giá cấp độ dịch để từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp. Thế nhưng, dù đã tận hơn một tháng sau khi nghị quyết được ban hành, nhiều đối tượng vẫn lu loa đây là quy định “cào bằng”, từ đó chê bai là Việt Nam chống dịch “mỗi nơi một kiểu”.
Cụ thể, tổ chức phản động Việt Tân dẫn lại thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra quy định người dân không được ra đường từ 8 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp soi chiếu vào Nghị quyết 128 để lu loa về tình hình chống dịch của Việt Nam.
Trong khi thực tế, quy định này được đưa ra dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế tại Bạc Liêu. Theo đó, dịch bệnh ở Bạc Liêu hết sức căng thẳng, toàn tỉnh áp dụng cấp độ 3. Đối với các cấp độ này thì Nghị định 128 quy định ngừng hoạt động hoặc hạn chế đối với rất nhiều lĩnh vực về kinh doanh, ăn uống, tụ tập đông người. Chính vì vậy, quy định của tỉnh Bạc Liêu không có gì là sai biệt so với tinh thần của Nghị quyết 128.
Hơn nữa, về tổng thể, Nghị quyết 128 quy định 4 cấp độ dịch áp dụng cho 9 lĩnh vực hoạt động đối với cơ quan tổ chức và 4 lĩnh vực hoạt động với cá nhân người dân. Như vậy chỉ cần nhẩm tính sơ sơ cũng có thể thấy số lượng các biện pháp đưa ra được tính toán rất đầy đủ, bảo đảm linh hoạt, không cào bằng giữa các địa phương.
Và việc áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh tay không chỉ có ở Việt Nam. Chính phủ Áo mới đây đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong mùa thu năm nay để đối phó làn sóng dịch Covid-19 mới. Cần biết nước này đã tiêm đủ liều vaccine cho 2/3 dân số, tức là họ có điều kiện thuận lợi hơn Việt Nam rất nhiều (mới chỉ 46% dân số tiêm đủ 2 mũi). Theo sau Áo, Đức cảnh báo nước này có thể sẽ tiếp bước trong việc áp dụng các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn lây lan Covid-19. Nhiều chính phủ khác ở Châu Âu cũng đang có động thái tương tự. Có lẽ cần nhắc cho Việt Tân nhớ rằng các biện pháp hạn chế được đưa ra là để bảo đảm an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân cũng như cộng đồng, không phải là để gây khó dễ. Không có gì quý hơn sức khỏe và tính mạng, đó là lý do ngay cả các nước được cho là văn minh và giàu có như Đức, Áo cũng sẵn sàng mạnh tay thay đổi các biện pháp hạn chế để chống dịch.
Từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào hòng chống phá các hoạt động của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Họ lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, đời sống của một bộ phận nhân dân khó khăn do phải cách ly, giãn cách xã hội, không có việc làm để xuyên tạc những nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Và cho đến tận bây giờ, cứ mỗi khi Việt Nam có chủ trương, chính sách gì đem ra áp dụng, các thế lực thù địch như Việt Tân lại lợi dụng để tìm cách diễn giải xuyên tạc. Dù trường hợp này có cảm giác họ chưa từng đọc một chữ nào trong Nghị quyết 128, ngoại trừ tiêu đề.
An Diễm