NÓNG: Tàu cẩu Lam Kình (Lanjing) của Trung Quốc đang ở trong lãnh hải Việt Nam

03/09/2019 22:35

Thông tin chúng tôi mới nhận được, tàu cẩu Lam Kình (Lanjing) của Trung Quốc đang ở trong lãnh hải Việt Nam ở toạ độ 14.935 – 109.395.

Lam Kình là một trong những chiếc tàu cẩu lớn nhất thế giới và hoạt động được ở khu vực nước sâu. Sở hữu bởi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, tàu Lam Kình có năng lực nâng hạ các thiết bị đặc biệt nặng và các giàn khoan dầu. Lam Kình đã tham gia vào nhiều dự án, trong đó bao gồm các dự án lắp đặt một số giàn khoan dầu lớn nhất thế giới, đặt đường dẫn dầu cũng như lắp đặt các cấu trúc ngoài khơi.

Khởi hành từ Trạm Giang (Zhan Jiang) ngày 5/8/2019, sau khi đi một vòng qua Hải Nam vào cảng Bắc Hải ở Quảng Tây, tàu Lam Kình tiến về phía nam, và vào gần bờ biển Việt Nam từ ngày 1/9. Vào lúc 9h42′ ngày 3/9 (giờ Việt Nam), tàu có mặt ở toạ độ 14.935 – 109.395. Theo xác định của nhà báo Đặng Sơn Duân, vị trí này nằm hoàn toàn trong lãnh hải Việt Nam, cách đường cơ sở chỉ 11 hải lý, cách đảo Lý Sơn 30 hải lý về phía nam. Đây là khu vực có các lô dầu 119, 120, và ở phía nam là lô dầu 118, nơi có dự án Cá Voi Xanh mà Việt Nam hợp tác với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ.

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cho phép tàu nước ngoài đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển. Sơ đồ đường đi của một chiếc tàu chỉ đi qua thường là một đường thẳng. Tuy nhiên sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 1/9 tới nay không cho thấy như vậy, đường đi rất phức tạp

Ảnh 1: Tàu cẩu Lam Kình của Tập đoàn dầu khí Trung Quốc
Ảnh 1: Tàu cẩu Lam Kình của Tập đoàn dầu khí Trung Quốc

Mặt khác, theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, đây cũng là khu vực đang có bão cấp 7-8.

Các nguồn tin độc lập của chúng tôi cho thấy khả năng tàu Lam Kình hiện diện trong lãnh hải Việt Nam vì một dự án hợp tác nào đó với Việt Nam là rất khó xảy ra.

Cũng rất có thể tàu chỉ đang trên đường tới đâu đó và đang bị mắc bão ở vùng biển Việt Nam. Được biết tàu Lam Kình có các dự án hợp tác với Brunei và Malaysia.

Khả năng xấu nhất, tàu Lam Kình có hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam. Chúng ta sẽ phải chờ xem các diễn biến tiếp theo sẽ xảy ra theo chiều hướng nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình.

Ảnh 2: Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 5/8 tới ngày 3/9/2019 (Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Ảnh 2: Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 5/8 tới ngày 3/9/2019 (Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Ảnh 3: Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 1-3/9/2019 (Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Ảnh 3: Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 1-3/9/2019 (Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Ảnh 4: Vị trí của tàu Lam Kình vào lúc 9h42' sáng ngày 3/9/2019 (giờ Việt Nam) (Nguồn: Đặng Sơn Duân).
Ảnh 4: Vị trí của tàu Lam Kình vào lúc 9h42′ sáng ngày 3/9/2019 (giờ Việt Nam) (Nguồn: Đặng Sơn Duân).
Ảnh 5: Bản đồ bão của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Ảnh 5: Bản đồ bão của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.

Nguồn: Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Tags :
Đọc nhiều