Nông sản Việt phải vượt nhiều rào cản để “thông hành” vào thị trường EU

22/06/2020 07:36

Bên cạnh những cơ hội lớn mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi bước vào sân chơi lớn này.

Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu nông – lâm – thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản, cà phê, hạt điều, rau củ nhiệt đới sang EU và nhập khẩu trứng, sữa, mật ong, thịt bò, gà, lợn và rau củ từ EU.

Sau 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán, EVFTA đã chính thức được thông qua. Tới đây, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, thủy sản, EU cũng cam kết xóa bỏ 50% số dòng thuế, 50% dòng thuế còn lại sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA. Cụ thể, gạo sẽ tăng thêm 65%, đường tăng thêm 8%, thịt lợn tăng 4%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc, gia cầm tăng 4% vào năm 2025.

Đặc biệt, EVFTA còn góp phần thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu…

evfta thach thuc nong san viet hinh 1
EVFTA mang lại nhiều cơ hội và  thách thức cho nông sản Việt. (Ảnh minh họa: KT)

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nắm bắt được những cơ hội này không phải là điều dễ dàng. Cánh cửa quốc tế đã mở, nhưng để có thể “thông hành”, sản phẩm nông sản Việt còn phải vượt qua một số rào cản khắt khe như: hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại CPTTP và EVFTA, điều đó có nghĩa, chúng ta đã bước vào sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu. Bên cạnh cơ hội, có cả những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cấp tổng thể nền kinh tế đang ở một trình độ thấp trong khu vực và thế giới để có đủ năng lực cạnh tranh về mọi mặt trong một thời gian không xa.

Ở một khía cạnh khác, ông Phú quan ngại, Việt Nam vẫn là một nước có nền nông nghiệp kém phát triển so với các nước tiên tiến trên thế giới cả về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giá cả tiêu thụ. Cùng với đó, do xuất phát điểm thấp, phần lớn làm ăn còn manh mún, nhỏ lẻ, hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp, vệ sinh an toàn còn yếu kém, giá thành sản xuất còn cao nên việc cạnh tranh với các sản phẩm nông sản nhập khẩu của các nước sẽ rất khó khăn.

Tới đây, các sản phẩm về sữa, thịt chăn nuôi ở những nước mà Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường nội địa với giá rẻ hơn và chất lượng cao hơn những sản phẩm của Việt Nam. Khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng việc sản xuất các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, nông dân sẽ gặp khó khăn trong một giai đoạn nhất định.

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc giảm thuế theo cam kết của EVFTA chỉ là một phần, quan trọng hơn cả, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp cần có bản lĩnh, trình độ để từng bước vượt qua sự chênh lệch này, từ đó tạo nên những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, cần chủ động đẩy mạnh, nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Với lĩnh vực xuất khẩu, việc giảm thuế nhập khẩu vào các nước cùng ký kết Hiệp định sẽ khích lệ sự phát triển sản xuất các hàng hóa nông sản Việt Nam. Tuy vậy, muốn điều đó trở thành hiện thực thì Việt Nam phải vượt qua những rào cản kỹ thuật về kiểm định, kiểm dịch động thực vật. Sản phẩm sản xuất trong một điều kiện mang tính phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, chăm lo mọi mặt cho người lao động, không lãng phí tài nguyên, đảm bảo công bằng xã hội trong phân phối, xuất khẩu các sản phẩm đó.

Hiện nay, sản phẩm nông sản Việt Nam chiếm 70% tiêu thụ ở thị trường nội địa với thói quen sử dụng đơn giản, dễ dãi, kỷ luật sản xuất và thị trường còn lỏng lẻo. Do đó, cần có một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa nông sản trong thời gian tới.

“Khi bước vào sân chơi lớn này, quy luật cạnh tranh sẽ bắt buộc chúng ta phải vươn lên để làm chủ được mình, thực hiện tốt nhất những cam kết đã ký với các nước. Nói cụ thể hơn, đó là tôm, cá, thịt Việt Nam xuất khẩu đừng để các nước trả về. Phải làm ăn bài bản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh một cách hợp lý; Sản xuất kinh doanh phải phát triển bền vững, sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường; Thể chế kinh tế cần thông thoáng, minh bạch, thực hiện một nền kinh tế chia sẻ, không bỏ ai lại phía sau…”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Chung Thủy/VOV

Đọc nhiều