Nỗi tuyệt vọng của phong trào biểu tình vì George Floyd

05/06/2020 17:38

Nhiều người cho rằng các cuộc biểu tình sau cái chết George Floyd có thể gây chú ý, nhưng bạo lực khiến mong muốn thay đổi rơi vào tuyệt vọng. 

Omar Wasow là một nhà nghiên cứu chuyên làm việc với bảng biểu và dữ liệu. Thế giới chủ yếu chỉ có phân tích và đánh giá của Wasow rạn vỡ sau khi ông xem đoạn video George Floyd, người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị một cảnh sát ghì gáy đến chết hôm 25/5.

“Tôi đã khóc”, Wasow, phó giáo sư về chính trị tại Đại học Princeton, nói. “Tôi đồng cảm sâu sắc với cơn thịnh nộ của mọi người. Tôi cũng thấy tức giận”.

Người biểu tình phản đối cái chết của George Floyd gần Nhà Trắng ngày 1/6. Ảnh: AFP.
Người biểu tình phản đối cái chết của George Floyd gần Nhà Trắng ngày 1/6. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, cảm xúc tức giận nhanh chóng chuyển sang lo lắng khi Wasow chứng kiến nhiều cuộc biểu tình vì cái chết của Floyd biến thành bạo lực. Tất cả gợi nhớ về các cuộc bạo loạn sắc tộc những năm 1960 sau khi mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King bị ám sát.

Wasow cho biết nghiên cứu của ông chỉ ra rằng các cuộc biểu tình bạo lực do người da màu dẫn dắt những năm 1960 đã làm giảm sự ủng hộ của người da trắng đối với phong trào dân quyền. Theo ông, tình hình bạo lực hiện nay tại những cuộc biểu tình vì Floyd có thể khiến nhiều cử tri da trắng bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump hơn trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

“Các cuộc biểu tình đó có thể hợp đạo đức và chính nghĩa, nhưng chúng không mang tính chiến lược”, Wasow nhận định.

Các cuộc biểu tình tại Mỹ một tuần qua đã gây chú ý trên toàn thế giới. Nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa thu hút chú ý và tạo ra thay đổi. Làm thế nào để chuyển hóa nguồn năng lượng được giải phóng ra từ các cuộc biểu tình thành những hành động mang tính đột phá? Câu hỏi này cùng hàng loạt câu hỏi khác đang tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa những người như Wasow với các lãnh đạo trong cộng đồng người da màu ở Mỹ.

Các cuộc tranh luận đi theo những hướng không ai ngờ tới và thách thức một số giả định đã tồn tại từ lâu, khiến chính các lãnh đạo da màu cũng rơi vào xung đột về nhận thức. Và ẩn bên dưới những cuộc tranh luận là một cảm giác tuyệt vọng ngày càng tăng.

Nghị sĩ John Lewis, một biểu tượng dân quyền, gần đây ra tuyên bố cho biết ông thấu hiểu nỗi tức giận và tuyệt vọng của người biểu tình nhưng các cuộc tuần hành “nên mang tính xây dựng hơn là phá hoại”.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án tình trạng bạo lực bùng phát tại một số cuộc biểu tình. Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms tuần trước nói rằng những người biểu tình có hành vi đốt xe, đập phá nhà cửa đã phản bội di sản của phong trào dân quyền. Thay đổi thực sự đến từ những người “xuất hiện bên hòm phiếu”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo người da màu lại đưa ra quan điểm khác, đôi khi gây bất ngờ, về những phong trào biểu tình do người da màu dẫn dắt trong quá khứ.

“Thực tế lịch sử cho thấy biểu tình phi bạo lực không đem đến thành công cho người da màu ở Mỹ”, Nikole Hannah-Jones, nhà báo New York Times từng nhận giải Pulitzer, viết trên Twitter. “Phong trào Dân quyền không phải là không có bạo lực. Nó được châm ngòi bởi bạo lực, từ những vụ đánh đập tàn nhẫn những cựu binh da màu trở về từ chiến tranh”

Số khác lại nói biểu tình phi bạo lực là yếu tố mấu chốt tạo nên thành công cho phong trào Dân quyền.

“Làm sao bạn có thể nói rằng phong trào tẩy chay xe buýt Montgomery, khi người dân chọn đi bộ tới công sở liên tục trong 381 ngày, không xóa bỏ được nạn phân biệt chủng tộc trên xe buýt”, Wasow, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Princeton, nói. “Phong trào Dân quyền đã phá vỡ luật Jim Crow. Đó là một thành tựu phi thường và nó được thực hiện chủ yếu thông qua những hình thức phi bạo lực”.

Thuật ngữ “Luật Jim Crow” được dùng để chỉ các quy định phân biệt chủng tộc nhằm vào người da màu được các cơ quan lập pháp miền nam nước Mỹ thông qua vào cuối thế kỷ 19.

Gần đây hơn, cuộc biểu tình quỳ gối của cựu tiền vệ bóng bầu dục Colin Kaepernick nhằm chống lại những hành vi bạo lực của cảnh sát đã lan rộng trong giới thể thao và giúp biến các cuộc tranh luận về phân biệt chủng tộc thành những đạo luật cụ thể.

Cựu ngôi sao bóng rổ Kareem Abdul-Jabbar cho rằng các cuộc biểu tình hiện nay là cách duy nhất để những người Mỹ yếu thế, bị phân biệt đối xử cảm thấy tiếng nói của họ được lắng nghe.

“Họ không có quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế để thay đổi tình thế. Vậy thì họ còn có thể làm gì khác? Biểu tình bạo lực là tiếng nói của những người không có tiếng nói”, ông chia sẻ với CNN.

Trong lúc cộng đồng người da màu đang tranh luận về cách đối phó với những hệ quả của các cuộc biểu tình vì George Floyd, họ đã nhận được một dấu hiệu đầy hy vọng.

Thành phố Ferguson, bang Missouri, nơi cái chết của thành niên da màu Michael Brown dưới tay cảnh sát hồi năm 2014 từng làm bùng phát hàng loạt cuộc biểu tình nghiêm trọng kéo dài nhiều tuần, vừa có thị trưởng da màu đầu tiên. Bà là Ella Jones, người đã ứng cử vào hội đồng thành phố sau cuộc bạo loạn năm 2014.

“Phong trào biểu tình Ferguson đã gây chú ý. Nhưng điều nó làm được còn vượt xa hơn thế. Jones chính là bằng chứng của sự thay đổi”, bình luận viên John Blake của CNN nhận định.

(Theo CNN)

Đọc nhiều