Tín hiệu vui cho nền kinh tế cuối năm

Phan Tâm 30/11/2022 17:16

Trước yêu cầu bức thiết của thực tiễn nền kinh tế cùng mong mỏi của các doanh nghiệp, gần đây Chính phủ đã có một số chỉ đạo mới về nới room tín dụng ngân hàng để giải quyết phần nào vấn đề nguồn vốn lưu thông. Đây được kỳ vọng là tín hiệu khởi sắc cho nền kinh tế nước ta những tháng cuối năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo ngành ngân hàng nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Tín hiệu nới room tín dụng từ Chính phủ

Trong một cuộc tiếp xúc cử tri gần đây tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo ngành ngân hàng nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Với tín hiệu “mở đường” này, nhiều người cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng. Nếu như vậy, đây sẽ là động thái kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.

Một số chuyên gia tài chính cũng chỉ ra, trong bối cảnh doanh nghiệp đang có nhu cầu cao về vốn, đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cuối năm, thì việc nới thêm room là rất cần thiết. Trong văn bản mới nhất, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng, chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, NHNN vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%. Tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, dư địa vẫn còn. Chỉ cần nới room tín dụng thêm 1-2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế. Đây là nguồn tiền có ý nghĩa vào dịp cuối năm – mùa cao điểm sản xuất kinh doanh phục vụ Tết.

Việc “bơm” thêm 100.000-200.000 tỷ đồng theo các chuyên gia cũng không đáng lo cho nền kinh tế. Bởi lẽ, vốn được rót vào lĩnh vực ưu tiên và các dự án hiệu quả. Ngoài ra, room tín dụng sẽ được tăng cho các ngân hàng có quản trị rủi ro tốt. Thực tế, các ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa Quý II, đầu Quý III năm nay. Trong khi đó, trong Quý IV/2022, gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.

Nền kinh tế sau đại dịch đang có sự phục hồi, bứt phá mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thời cơ vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vay vốn tăng cao. Hơn thế, hiện nay thị trường chứng khoán, tài chính đang gặp khó khăn, vì thế việc nới room bơm vốn là yêu cầu bức thiết.

Nới room tín dụng giải “cơn khát vốn” của nền kinh tế

Được biết, nguồn vốn sẽ được ưu tiên giải ngân cho các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Cuối năm là dịp các doanh nghiệp đang trên đường đua nước rút, nhu cầu vốn để mở rộng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phục vụ dịp Tết rất lớn. Vì thế, nguồn vốn được bơm vào lúc này vô cùng có ý nghĩa để các doanh nghiệp tạo cú huých mạnh mẽ tạo đà cho năm mới.

nguồn vốn sẽ được ưu tiên giải ngân cho các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu.

Thị trường tài chính – mà nhất là cổ phiếu – liên tục chao đảo, sụt giảm mạnh. Trái phiếu phát hành mới không thanh khoản được, trong khi các nhà đầu tư đua nhau bán tháo, tạo áp lực vô cùng lớn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Và nới room tín dụng lúc này chính là “chiếc phao cứu cánh” cho họ trước khi thị trường lao dốc…

Thị trường bất động sản cũng đang đóng băng. Các doanh nghiệp đang lao đao vì không bán được sản phẩm trong khi đó những dự án đang dở dang thì không thể tiếp cận nguồn vốn. Hơn bao giờ hết, thị trường bất động sản đang trông ngóng vào những động thái mới từ ngân hàng. Cho dù nguồn vốn được giải ngân cho chủ yếu cho người mua thì đây cũng là yếu tố quan trọng kích cầu, tăng thanh khoản, bởi nguồn thu từ khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Còn với người dân đang có nhu cầu thì đây chính là giai đoạn tốt để họ mua nhà đất bởi những ưu đãi về giá và các chính sách kích cầu từ chủ đầu tư rất lớn.

Không thể chỉ mong chờ nới room tín dụng

Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nguồn cung tiền khan hiếm không chỉ do tín dụng tăng, mà còn do nhiều yếu tố khác như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thị trường trái phiếu, bất động sản khó khăn…

Không chỉ vậy, room tín dụng có nới thêm thì các ngân hàng thương mại cũng sẽ không đủ vốn để cho vay thêm theo yêu cầu. Đó là chưa nói tới các yếu tố như tiêu chí cho vay ngày càng khắt khe, ưu tiên gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới. Doanh nghiệp vẫn không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Dù có nới room thì sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại.

Vì thế, dù có nới room thì sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp về lâu dài muốn tồn tại thì phải có những người “nghĩ khác, làm khác”. Họ sẽ phải chấp nhận “hy sinh” và tái cấu trúc quyết liệt.

Dù vậy, trong thời điểm hiện tại nới room tín dụng vẫn là tín hiệu vui đối với nền kinh tế đang “khát vốn”.

Phan Tâm

Đọc nhiều