419
category
182450

Nỗi lo cho một dòng sông không bao giờ hết ô nhiễm

29/07/2019 08:57

Nói đến sông Tô Lịch, có lẽ, trong trí nhớ của bất cứ người dân nào sống ở Hà Nội, đó là con sông luôn ở trong tình trạng ô nhiễm. Nhưng đáng tiếc thay, đã có những nỗ lực từ bên ngoài nhằm cải thiện tình trạng đó, hình như đang có dấu hiệu bị ngăn chặn bởi động cơ không rõ ràng.

Nỗi lo cho một dòng sông không bao giờ hết ô nhiễm - 1

Cho nên, hình ảnh những chuyên gia người Nhật Bản lội xuống dòng sông ô nhiễm tệ hại đó vào đầu tháng 6/2019 đã khiến không ít người dân xúc động. Bởi quá lâu rồi, không có mấy người trong nước làm được cái việc đó vì với không ít những người có trách nhiệm chỉ đạo công việc thoát nước của thành phố, có khi, chỉ nghĩ đến việc đó thôi, cũng đã thấy sợ, nói gì lội xuống để kiểm tra tình hình thực tế. Có chăng là những người công nhân thoát nước, khi có ách tắc dòng chảy thì họ phải lội xuống để lấy bùn, rác để khơi dòng chảy.

Những người Nhật Bản ấy chính là các cán bộ, kỹ sư do Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản giới thiệu sang Việt Nam để thực hiện một dự án do Chính phủ Nhật tài trợ 100% kinh phí nhằm cải thiện môi trường sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano của Nhật Bản.

Trong suốt mấy tháng qua, những cán bộ, kỹ sư Nhật Bản đã làm rất nhiều việc để “cứu” dòng sông đó và cả một góc Hồ Tây của Hà Nội. Mọi việc được cho là đang tiến triển tốt đẹp thì đùng một cái, vào ngày 9/7, Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội đột ngột xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch mà chỉ báo trước 15 phút cho nhóm chuyên gia Nhật Bản, cho Công ty CP Môi trường Việt Nhật (JVE) – đơn vị triển khai dự án biết.

Đợt xả nước này gây hậu quả tệ hại là cuốn trôi toàn bộ kết quả thí nghiệm của nhóm chuyên gia Nhật Bản thực hiện trong suốt 2 tháng qua.

Dù sau đó, đã có những tranh cãi khá gay gắt giữa các bên. Về phía Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội thì cho rằng, phía Nhật Bản đã không xin phép, rồi nhóm chuyên gia của Công ty JVE đã nóng vội không nghiên cứu kỹ hệ thống thoát nước nói chung và khu vực sông Tô Lịch, đầu mối Hồ Tây nói riêng…Còn đại diện phía Nhật Bản cũng phủ nhận những cáo buộc trên, cho rằng các cáo buộc của Công ty Thoát nước Hà Nội là một chiều, chưa chính xác.

Bằng chứng phía Công ty JVE đưa ra là phía Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả nước quá đột ngột với lưu lượng nước rất lớn (gấp 10 lần lượng nước bình thường chảy vào sông) và liên tục trong 3 ngày trong khi chỉ thông báo trước có …15 phút (trong khi ở Nhật phải thông báo trước 3-5 ngày). Việc này làm cho phía Nhật Bản không kịp trở tay và đợt xả nước đó đã cuốn trôi mất thành quả làm việc 2 tháng. Và giờ họ lại phải giúp Hà Nội bằng cách bắt tay làm lại …từ đầu.

Có lẽ tranh luận của cả Công ty Thoát nước Hà Nội và nhóm chuyên gia Nhật sẽ khó mà kết thúc nếu không có một cơ quan đứng ra làm trọng tài, xác định ai đúng, ai sai mà có lẽ tốt nhất chính là lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội- nơi mời phía Nhật Bản giúp đỡ để cải thiện môi trường cho thành phố.

Nhưng ít nhất đến thời điểm này, nhiều người dân Hà Nội cũng thấy rằng, những người bạn Nhật Bản đã nhiều cố gắng, nỗ lực để giúp làm sạch con sông đã rất bẩn thỉu, ô nhiễm mà nhiều năm qua, các đơn vị có trách nhiệm làm cái việc đó, đã nhận hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước cấp mỗi năm mà không làm nổi. Nhưng đến khi, có nhà tài trợ, có những chuyên gia sang Việt Nam, chịu khó lội xuống hàng giờ trong bùn, nước ngập ngụa để giúp người dân thì lại có những dấu hiệu bị gây khó dễ và nếu đúng như vậy thì đó quả là điều khó chấp nhận.

Cho nên, nếu như nhóm chuyên gia Nhật Bản không được hợp tác, hỗ trợ từ phía Việt Nam cho công việc này, dự án thất bại, thì nỗi lo cho dòng sông Tô Lịch- con sông đã ô nhiễm hàng chục năm qua, vẫn sẽ luôn trong tình trạng ô nhiễm, thậm chí nặng nề hơn nữa, là một nỗi lo có thật.

Mạnh Quân

Đọc nhiều