Nội dung trao đổi tại họp báo Chính phủ tháng 11

02/12/2020 19:26

Nhiều câu hỏi được dư luận và báo chí quan tâm đã được nêu ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 diễn ra chiều 02/11 và được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng giải đáp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Khánh Huyền (VTV): Có nhiều doanh nghiệp phản ánh tiền thuê đất hằng năm biến động thất thường và tăng cao sau nhiều năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ như TPHCM đã tăng 13 lần sau nhiều năm. Xin hỏi Bộ TN&MT có ý kiến gì về vấn đề này?

Hiện nay, chỉ còn 4 tuyến cao tốc của VEC chưa lắp đặt và hoàn thiện thu phí không dừng. Vậy nguyên nhân nào chưa được cấp vốn, giải pháp đưa ra là gì?

Do lãi suất ngân hàng rất thấp, có tình trạng rút tiền gửi tiết kiệm để đưa ra các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu… Vậy Ngân hàng Nhà nước có biết tình trạng này không và đã đo lường được sự sụt giảm như thế nào, ảnh hưởng đến tín dụng cuối năm cũng như vốn dài hạn ra sao?

Có hàng chục nghìn người dân bỏ tiền tỷ vào các sàn đầu tư chứng khoán đến từ nước ngoài. Những sàn này còn tổ chức thường xuyên hội nghị công khai lôi kéo người dân, trả lãi suất cao, thực hiện theo mô hình đa cấp. Người dân có được tham gia vào các sàn Forex này hay không? Tại Việt Nam những sàn này có tư cách hoạt động không, có cơ chế khuyến cáo, quản lý các sàn này như thế nào?

Tiến trình hình thành sàn mua bán nợ xấu như thế nào, còn chờ thủ tục nào, đơn vị nào đứng ra vận hành?

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành: Theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính phụ trách chính về tiền thuê đất hằng năm. Còn quan điểm của Bộ TN&MT là để doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Bộ cũng cố gắng ổn định đơn giá thuê đất cho doanh nghiệp. Cần quy định có biên độ nhất định trong giai đoạn, ví dụ 5 năm, và không biến động giữa các thời kỳ.

Để thực hiện việc này, sẽ có một số văn bản điều chỉnh hệ số giá đất hằng năm như Nghị định số 46 năm 2014, Nghị định số 135 năm 2016…

Để tìm hiểu rõ hơn, có thể tìm hiểu theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN&MT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Có 5 tuyến cao tốc mà VEC đầu tư và quản lý khai thác. Hiện tại, tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình kết nối Pháp Vân đi Cầu Giẽ thu phí không dừng đã hoạt động, mang lại hiệu quả, kết nối được cả tuyến. Còn lại 4 tuyến chưa triển khai thực hiện. Tuyến cao tốc TPHCM đi Long Thành, Dầu Giây cũng có hệ thống thu phí và lắp hệ thống trên xe. Do không tiện dụng nên chưa sử dụng, khai thác nhiều. Các tuyến khác chưa có tiền để triển khai. Do tái cơ cấu của VEC, đề án chưa được phê duyệt. Quốc hội đã có nghị quyết liên quan đến bố trí vốn, trước mắt phải bố trí vốn, thông qua đề án của VEC.

Giải pháp thế nào thì Bộ GTVT đã báo cáo. Việc huy động vốn phải có ý kiến của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Uỷ ban cũng phải chờ tái cơ cấu.

Gần đây nhất, ngày 25/11, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, đã giao cho Bộ KH&ĐT báo cáo xử lý vướng mắc liên quan đến việc này để có báo cáo Bộ Chính trị. Có cả vướng mắc trong huy động vốn để lắp đặt trạm thu phí không dừng. Từ giờ đến 31/12, khả năng không thể xong được 4 trạm. Các trạm còn lại sẽ đưa vào sử dụng, khai thác theo cam kết của Bộ GTVT đối với giai đoạn 1 và 2.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, người gửi tiền đã rút tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã biết và việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư.

Hiện nay việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình.

Với sàn đầu tư chứng khoán Forex, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế… Hiện nay, chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào, tất cả các sàn đang hoạt động không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Người dân khi đầu tư các lĩnh vực này phải quan tâm đến những lời mời chào có phù hợp với thực tế hay không, phải quan tâm đến tính chất pháp lý của các tổ chức này.

Phó Thông đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Theo chức năng, nhiệm vụ, Công ty Mua bán nợ (VAMC) được phép mua bán nợ xấu. Theo đề xuất của VAMC, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể chấp thuận trên cơ sở đủ các điều kiện có thể thực hiện sàn giao dịch này. Mua bán nợ xấu của VAMC hiện nay rất tích cực. Khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ cấp phép giao dịch trên sàn. Đó cũng là điều kiện thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam. Quá trình triển khai vẫn có thể là giao dịch trực tiếp, nếu chúng ta có điều kiện thì phát triển sàn giao dịch này có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu, kể cả các thành viên là những người có nhu cầu mua bán đều có thể giao dịch bán hàng. Trách nhiệm quản lý trước hết là do VAMC thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

PV Hiếu Công (Zingnews): Xin hỏi Bộ GTVT và Bộ Y tế về việc để tiếp viên của Vietnam Airlines về nhà cách ly sau 4 ngày và sau 2 lần xét nghiệm âm tính có đúng quy trình hay không? Vietnam Airlines sẽ bị xử lý như thế nào?

Xin hỏi Bộ Tài chính về việc thu thuế của các nền tảng đang kinh doanh tại Việt Nam như Google, Netflix như thế nào?

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP việc ngân hàng sẽ phải cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch của khách hàng. Xin hỏi Bộ Tài chính, việc này có gây lo ngại đến việc lộ bí mật tài khoản cá nhân của khách hàng hay không?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Quan điểm xử lý với cá nhân là phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và xử lý chính cá nhân đó. Hiện tại theo quy định chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch COVID-19 thì đầu mối chính vẫn là địa phương và cơ sở cách ly.

Trách nhiệm đầu tiên là của cá nhân chưa tuân thủ quy định về cách ly, chủ quan từ việc xét nghiệm âm tính 2 lần. Tiếp theo là trách nhiệm của cơ quan chủ quản là VNA và đơn vị quản lý tiếp viên đó. Chính vì vậy, VNA đã có hành động ban đầu là đình chỉ cơ sở cách ly và tiếp viên. VNA cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước trong suốt thời gian vừa qua. Còn trách nhiệm về hành chính thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc này.

Quy định về cách ly và kiểm soát dịch bệnh đã được Bộ Y tế ban hành và điều chỉnh khá chặt chẽ. Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp vận tải, hãng hàng không, tổ lái, tiếp viên hàng không – những đối tượng có khả năng lây nhiễm cao – tuân thủ chặt chẽ. Tuy nhiên, đây vẫn phải là trách nhiệm, ý thức tuân thủ của chính cá nhân thực hiện. Về phía cơ quan quản lý, sau vụ việc này, chúng ta cần giám sát, kiểm soát tốt hơn.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế thì tất cả cá nhân đều phải chấp hành nghiêm túc. Còn về phía NHNN, chúng tôi phải phối hợp với ngành thuế để thực hiện việc này.

Cung cấp số tài khoản mục tiêu cũng là để minh bạch việc chấp hành chính sách thuế của Nhà nước. Việc bảo mật sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Thời gian qua đã thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới của một số doanh nghiệp nước ngoài và đã thu được hàng nghìn tỷ tiền thuế từ Googe, Facebook và Netflix.

Liên quan đến việc cung cấp thông tin tài khoản Ngân hàng theo Nghị định 126, tôi xin trả lời thêm. Đây không phải vấn đề mới vì việc kê khai tài khoản ngân hàng, giao dịch ngân hàng đã có quy định trong Luật Quản lý thuế. Nghị định 126 quy định việc Ngân hàng Nhà nước cung cấp tình hình, thông tin tài khoản thu nhập của các cá nhân cho cơ quan thuế chỉ thực hiện khi các đối tượng nộp thuế thuộc diện thanh tra, kiểm tra. Việc bảo mật an toàn thông tin của các đối tượng sẽ được cơ quan quản lý thuế và Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TPHCM): Việc để tiếp viên hàng không lây nhiễm ra cộng đồng bộc lộ lỗ hổng trong quản lý việc cách ly hiện nay. Bộ Giao thông vận tải đã có phương án như thế nào đối với việc cách ly tổ bay và tới đây phương án cách ly sẽ được tổ chức như thế nào? Có tiếp tục cho cách ly tại các đơn vị riêng như của Vietnam Airlines hay tại nhà nghỉ, khách sạn không hay sẽ chuyển vào các khu cách ly quân đội?

Liên quan đến tình hình dịch của TPHCM, xin Bộ Y tế cho biết việc kiểm soát tình hình dịch ở TPHCM hiện nay. Liệu có xảy ra chu kỳ lây nhiễm thứ 3 không và có thể thông tin thêm về kết quả 800 mẫu dự kiến chiều nay sẽ công bố, có khả năng có thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng không? Thành phố đề xuất phương án giãn cách xã hội đối với một số quận thì liệu có cần thiết không khi hiện nay số ca lây nhiễm trong cộng đồng mới có 2 đến 3 ca?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Theo báo cáo gần đây nhất lúc 18h, tổng số triển khai truy vết thì F1 là 800 người, gồm 211 F1 tiếp xúc với khoảng cách dưới 2 m, và 589 F1 tiếp xúc trên 2 m; F2 là 778 người. Hiện nay đang tiếp tục điều tra mở rộng. Ngành y tế đã làm xét nghiệm và có kết quả 737/800 người F1, ngoài 4 ca dương tính như chúng ta đã thông báo (bệnh nhân 1342, 1347, 1348, 1349) thì tổng số 737 người này đang âm tính, số còn lại đang chờ. Hiện nay đang tiếp tục mở rộng thêm 1.392 mẫu nữa. Tổng số lấy mẫu hiện nay là 2.233 mẫu và tổng số đã xét nghiệm là 1.051, hiện nay đang chờ kết quả 1.182 mẫu. Tin vui là cập nhật đến giờ không có ca mắc mới trong cộng đồng.

Riêng về khả năng kiểm soát, với bài học, kinh nghiệm quý báu chúng ta đã tích lũy được từ 2 đợt dịch vừa qua, tháng 3 và tháng 7/2020, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, trên tinh thần khẩn trương điều tra truy vết, cách ly tất cả các đối tượng F1, F2 và không để lây nhiễm sang chu kỳ thứ 3. Theo tính toán của Bộ Y tế, từ 30/11 đến nay mới có 2 chu kỳ. Nếu chúng ta chậm nữa sẽ sang chu kỳ thứ 3, nhưng chúng ta quyết tâm không để sang chu kỳ này.

Về việc TPHCM đề xuất giãn cách, hôm nay chúng tôi cũng đã họp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo những khu vực nào có nguy cơ cao sẽ xem xét giãn cách, còn lại vẫn hoạt động bình thường. Trên tinh thần chúng ta không nên hoang mang nhưng cũng không chủ quan lơ là để thực hiện mục tiêu kép. Nhưng Thủ tướng cũng chỉ đạo bảo vệ sức khỏe của người dân là mục tiêu quan trọng nhất.

PV Trần Vương (báo Lao động): Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi tiếp xúc cử tri có thông tin về việc thống nhất xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Xin hỏi Bộ GD&ĐT bao giờ sẽ ban hành quy định này? Xin hỏi bao giờ Bộ Nội vụ ban hành quy định bỏ chứng chỉ này đối với ngạch công chức và viên chức?

Liên quan đến Nghị định 126, vừa rồi Báo Lao động cũng có nhiều phản ánh. Hiện nay tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã phải nộp cả 3 quý đầu năm tính thuế là không được thấp hơn 75%. Về quy định này có nhiều ý kiến cho rằng việc tạm nộp thuế như vậy là chưa phù hợp. Vậy quan điểm của Bộ Tài chính như thế nào? Trong Nghị định 126 không nêu rõ áp dụng cho kỳ thuế của năm 2020 hay kỳ thuế của năm 2021, xin Bộ Tài chính giải thích rõ về việc này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nằm trong kế hoạch rà soát văn bản quy định pháp luật của Bộ. Cụ thể, đây là Thông tư quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông. Sau khi nghiên cứu và căn cứ theo khung trình độ quốc gia, trong chương trình đào tạo giáo viên chúng tôi có yêu cầu về tin học và ngoại ngữ. Với giáo viên phổ thông đang dạy, chúng tôi sẽ đưa vào chương trình đào tạo bồi dưỡng thường xuyên. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, sẽ đưa vào sửa đổi thông tư này. Theo kế hoạch, Thông tư này chúng tôi sẽ ban hành trong tháng 12, đã được thẩm định rồi. Sau khi ban hành thì sau 45 ngày sẽ có hiệu lực. Như vậy, trong tháng 2, văn bản này sẽ có hiệu lực.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Nghị định 115 ngày 25/9 và Nghị định 138 ký ngày 27/11/2020 quy định cụ thể việc miễn thi ngoại ngữ, tin học đối với một số trường hợp. Trước đây, Nghị định 24 năm 2010 và Nghị định 29 năm 2012 không quy định cụ thể những trường hợp nào được miễn. Câu hỏi của phóng viên cũng đã được cụ thể hóa rất chi tiết trong Nghị định 115 và Nghị định 138 khi tuyển dụng công chức, viên chức, và khi thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh viên chức.

Còn việc bỏ hay không bỏ thì Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trả lời một số lần trên diễn đàn Quốc hội. Trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII vừa rồi về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và cán bộ các cấp bảo đảm thành phần, nhiệm vụ thì trong mục tiêu cụ thể đến 2025-2030 có quy định tỉ lệ phần trăm đối với từng loại cán bộ phải làm việc được trong môi trường quốc tế. Vị trí việc làm nào cần phải có ngoại ngữ, cần phải có tin học trong điều kiện 4.0 này sẽ được quy định rất cụ thể trong vị trí, việc làm của từng công việc.

Về cái vị trí, việc làm, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định rồi. Nghị định 62 ngày 1/6/2020 có hiệu lực ngày 20/7/2020 về vị trí, việc làm và biên chế tổ chức và Nghị định 106 ngày 10/9/2020 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 quy định về vị trí, việc làm và số lượng ngày làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Hai nghị định này đã quy định cơ cấu, kết cấu của vị trí việc làm, trong đó có việc mô tả công việc ra làm sao, xác định khung năng lực như thế nào, có cả quy định về ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ… phù hợp với từng vị trí, việc làm. Trên tinh thần các nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, kể cả những bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành như Bộ Tài chính, thuế, kho bạc, ngân hàng…, hay các bộ quản lý ngành lĩnh vực sự nghiệp, ví dụ y tế, giáo dục, sẽ rà soát lại toàn bộ những quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh để hoàn chỉnh cho phù hợp. Theo các Nghị định 115 và 138 về tuyển dụng công chức, viên chức đã quy định thẩm quyền của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, quy định mã số, tiêu chuẩn xếp lương đối với công chức, viên chức chuyên ngành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, vậy sẽ áp dụng cho năm ngân sách 2021 chứ không phải là năm ngân sách 2020. Nghị định 126 này sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp  thuế, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo chúng ta thu đúng, thu đủ và không bị lợi dụng bởi chính sách thuế vì chính sách thuế của chúng ta có những bước cải cách rất lớn theo hướng tự kê khai, tự thu nộp. Cho nên sẽ đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp mà kê khai trung thực trong lĩnh vực thuế.

Nguyễn Hoàng/VGP

Đọc nhiều